Đảm bảo an ninh môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững

ThienNhien.Net – An ninh môi trường là một thành tố của an ninh quốc gia. Việc không đảm bảo an ninh môi trường có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh. Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang đứng trước rất nhiều thách thức về môi trường như: biến đổi khí hậu, tranh chấp nguồn nước, ô nhiễm xuyên biên giới… Do đó, cần đưa ra giải pháp nhằm làm giảm nhẹ các nguy cơ đe dọa an ninh môi trường, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Xả khói gây ô nhiễm môi trường không khí ở một cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNatue)
Xả khói gây ô nhiễm môi trường không khí ở một cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNatue)

An ninh môi trường là gì?

Có rất nhiều cách định nghĩa về khái niệm này, trong đó, một số nhà nghiên cứu trong nước cho rằng an ninh môi trường là trạng thái ổn định và bền vững của môi trường có thể đáp ứng các điều kiện sống cơ bản của con người như cung cấp nơi ở, cung cấp năng lượng và nguyên liệu, khả năng chấp nhận chất thải, cung cấp thông tin khoa học và cung cấp các tiện nghi môi trường. Đây là một định nghĩa đúng nhưng chưa đủ bởi bên cạnh sự ổn định các điều kiện của môi trường đáp ứng điều kiện sống an toàn và bền vững của con người, an ninh môi trường còn bao hàm cả việc phát triển khoa học công nghệ an toàn, khoa học công nghệ “sạch”, đáp ứng đủ máy móc thiết bị để xử lý toàn bộ rác thải, khí thải, chất độc hại thải ra khỏi môi trường…

Như vậy, an ninh môi trường cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức có sự tác động qua lại giữa con người với môi trường và môi trường với con người chứ không chỉ là tác động một chiều. Trong đó, chiều thứ nhất có thể được hiểu theo định nghĩa nêu trên – tức là trạng thái ổn định các điều kiện của môi trường đáp ứng điều kiện sống an toàn và bền vững của con người và chiều thứ hai chính là sự tác động an toàn của con người ngược trở lại môi trường (ở đâychính là ý thức giữ gìn môi trường sống của con người).

Vì sao phải đảm bảo an ninh môi trường?

Vì các vấn đề liên quan đến an ninh môi trường đều đang rất cấp bách và gấp gáp, là vấn đề của toàn cầu chứ không riêng mỗi quốc gia hay cá nhân hộ gia đình. Thậm chí, rất nhiều vấn đề môi trường còn có thể đe dọa hòa bình và an ninh thế giới như: biến đổi khí hậu, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên, bất đồng giữa các quốc gia về phân chia tài nguyên, khủng bố sinh thái, xâm lược sinh thái…

Riêng với Việt Nam, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra một cách mạnh mẽ đã và đang làm thay đổi đáng kể điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, hệ lụy của quá trình phát triển đánh đổi môi trường cũng nảy sinh nhiều tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống. Theo Báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát môi trường năm 2014, cả nước hiện có hơn 300 khu công nghiệp, hàng trăm cụm công nghiệp nhỏ và khoảng hơn 2.000 làng nghề rải rác ở nhiều địa phương, tuy nhiên có đến 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý nước thải; hơn 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 55 – 70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 98% doanh nghiệp có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt chuẩn môi trường; 100% doanh nghiệp thải khí không có thiết bị xử lý chất độc hại. Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải y tế hàng ngày, thuốc bảo vệ thực vật và chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh vẫn tồn lưu ở nhiều nơi đang cần được xử lý. Ngoài ra, việc nhập khẩu chất thải dưới danh nghĩa phế liệu vào Việt Nam cũng có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó có các loại phế liệu độc hại như: ắc quy chì, tàu cũ… hay việc săn bắt, buôn bán động vật quý hiếm, chặt phá rừng vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt tại rất nhiều địa phương.

Có thể nói, sự tác động thái quá của con người vào môi trường tự nhiên đang làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và gây ra không ít sự cố đáng tiếc về môi trường như: thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu, ô nhiễm…

Giải pháp đảm bảo an ninh môi trường

Quản lý an ninh môi trường là một trong những giải pháp căn cơ nhất giúp phòng ngừa, ngăn chặn các loại hình tội phạm về môi trường, các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và góp phần quản trị rủi ro về môi trường. Tuy nhiên, để quản lý an ninh môi trường tốt, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về môi trường và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trong đó, trước hết cần rà soát, loại bỏ những quy định không phù hợp, chưa đầy đủ hoặc gây cản trở hoạt động của cơ quan bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần tập trung nghiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thêm nữa, cần làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm về môi trường; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, trong đó cần đẩy mạnh việc quản lý, sử dụng và chia sẻ công bằng nguồn nước xuyên biên giới  nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh môi trường.

TS. Nguyễn Trung Kiên, Học viện An ninh nhân dân

Nguồn: