Thuê rừng để nghiên cứu và bảo tồn

ThienNhien.Net – Thuê môi trường rừng trong rừng phòng hộ để nghiên cứu khoa học và bảo tồn dài hạn là một mô hình tiên phong, lần đầu được áp dụng ở Việt Nam. Lễ ký kết hợp đồng giữa UBND huyện Lệ Thủy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt vừa diễn ra tại Quảng Bình.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu – khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình”, dự kiến kéo dài 30 năm. Nguồn tài trợ ban đầu từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế gồm BirdLife International, IUCN Hà Lan và Word Land Trust.

Rừng phòng hộ Đông Châu là khu đa dạng sinh học độc đáo
Rừng phòng hộ Đông Châu là khu đa dạng sinh học độc đáo

Tại trụ sở UBND huyện Lệ Thủy đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng để Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt thuê nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học môi trường rừng tại tiểu khu 528. Đây là khu vực rừng lá rộng thường xanh trên đất thấp, dễ tiếp cận, có sinh cảnh độc đáo thích hợp cho Gà lôi lam mào trắng, một loài đặc hữu của Việt Nam có trong sách đỏ của thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Khu rừng có diện tích hơn 700 ha thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu, thời hạn cho thuê từ năm 2015 đến năm 2045, giá được tính 200.000 đồng/ha/năm.

Theo ông Phạm Đức Hóa, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Động Châu, giá trị hợp đồng dù không lớn nhưng đây là cơ hội hợp tác giữa các bên để cùng làm tốt hơn việc chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và tính đa dạng sinh học độc đáo của rừng ở đây.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt sau khi ký hợp đồng thuê rừng, có cơ hội thực hiện các nghiên cứu khoa học về sự đa dạng sinh học, như đặt bẫy ảnh để theo dõi sự phát triển của cây, con trong rừng. Đặc biệt là việc tìm kiếm xem loài Gà lôi lam mào trắng có còn hiện diện ở khu vực rừng này nữa không. Nếu quá trình tìm kiếm không thấy, các nhà khoa học sẽ tính đến khả năng thả lại Gà lôi lam mào trắng vào khu vực này khi cần thiết để bảo tồn giống đặc hữu có nguy cơ tuyết chủng cao cho Việt Nam và thế giới…

Trong 3 năm gần đây, riêng các cuộc khảo sát đa dạng sinh học sử dụng phương pháp bẫy ảnh của Trung tâm trên đã ghi nhận hình ảnh của 63 loài động vật, trong đó nhiều loài đang bị đe dọa ở mức nguy cấp và rất nguy cấp trên toàn cầu như: Sao la, Tê tê, Mang lớn, Chà vá chân nâu… tại khu vực Động Châu-khe Nước Trong.

Bảo vệ rừng Động Châu – khe Nước Trong với các giá trị đa dạng sinh học độc đáo cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau là niềm tự hào và trách nhiệm của chính quyền và người dân Lệ Thủy, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Quang Năm nói. “UBND huyện cam kết sẽ dùng số tiền chi trả dịch vụ môi trường nhận được để đầu tư bảo vệ rừng”.

Cam kết hợp tác lâu dài của các bên đã khẳng định mạnh mẽ việc quản lý bảo tồn khu vực khe Nước Trong như một khu bảo tồn thiên nhiên trên thực tế, xứng tầm với giá trị đa dạng sinh học độc đáo. Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt cùng với việc nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học sẽ tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng và đặc biệt, nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số mới có thể đảm bảo tính bền vững của dự án.