Chủ đầu tư các dự án thủy điện tại Phú Yên “chây ỳ” trong việc trồng rừng thay thế

ThienNhien.Net – Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, chủ đầu tư các dự án thủy điện đã sử dụng gần 300 ha rừng để xây dựng 4 nhà máy gồm thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H’Năng, Đá Đen và thủy điện La Hiêng 2.

Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN
Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN

Theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính Phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các chủ đầu tư nói trên phải có trách nhiệm trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích xây dựng nhà máy thủy điện. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 các chủ đầu tư dự án thủy điện ở tỉnh Phú Yên phải trồng mới 150 ha rừng nhưng thực tế chỉ trồng được 25 ha.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, đến nay chủ đầu tư các dự án thủy điện: La Hiêng 2, Đá Đen và Krông H’Năng chưa lập phương án trồng rừng thay thế. Hiện tại chỉ Công ty Cổ phần Sông Ba Hạ có phương án trồng rừng thay thế và từ năm 2012 đến nay đã trồng được 37,9 ha, tuy nhiên cũng mới đạt hơn 18% kế hoạch (204,3 ha).

Để các chủ đầu tư nhà máy thủy điện có trách nhiệm phục hồi lại rừng đã mất, các cơ quan chức năng của tỉnh như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao cho dự án thủy điện, qua đó đề nghị các chủ đầu tư có trách nhiệm trồng lại rừng đã mất do chuyển mục đích sử dụng để thực hiện các nhà máy thủy điện.

Về phía UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm huy động, sử dụng các nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đề cập đến việc các chủ đầu tư nhà máy thủy điện nếu không trồng lại rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để địa phương tiến hành trồng lại rừng, tuy nhiên, đến nay các chủ đầu tư vẫn “chây ỳ” thực hiện. Tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử phạt nhằm dứt điểm việc trồng rừng thay thế trong năm 2015.