Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư

ThienNhien.Net – Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn còn hàng trăm cơ sở, xí nghiệp sản xuất trong khu dân cư chưa có quy trình xả thải đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư. Trong khi cơ quan chức năng thành phố cho rằng, việc chậm trễ là do vướng quy hoạch, thiếu quỹ đất di dời…

Một cơ sở dùng vỏ hạt điều làm nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường ở Đông Hưng Thuận, quận 12 (Ảnh: Hùng Phan/Nhân Dân)
Một cơ sở dùng vỏ hạt điều làm nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường ở Đông Hưng Thuận, quận 12 (Ảnh: Hùng Phan/Nhân Dân)

Nhan nhản vi phạm

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các cơ sở, xí nghiệp nằm trong các khu gây ô nhiễm. Và hầu như lần nào cũng phát hiện ra sai phạm về mức độ gây ô nhiễm. Điển hình là tình trạng nguồn nước xả ra môi trường thường xuyên bốc mùi hôi thối tại Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ – xuất khẩu Quốc tế Mỹ Việt (quận Thủ Đức) chuyên giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú.

Dù được chính quyền địa phương, thanh tra và người dân phản ánh nhiều nhưng đến nay, tình trạng tại công ty này vẫn chưa có những cải thiện đáng kể. Cứ hễ có đoàn kiểm tra đến thì công ty chỉ khắc phục mang tính đối phó.

Bà Nguyễn Minh Hà, người dân ngụ tại khu vực này cho biết: “Việc cơ sở này gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra trong một thời gian dài. Chúng tôi lo lắng vì tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại mà có những tác động về lâu dài tới môi trường. Các cơ quan chức năng phải sớm có giải pháp kịp thời để bảo đảm đời sống cho người dân khu vực này.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu, đến hết năm 2015, 54 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 13 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm tại cơ sở của mình. Trong số các cơ sở ô nhiễm, nhiều hệ thống xử lý nước thải của các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thậm chí có hệ thống nhưng không hoạt động. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giám sát và báo cáo UBND thành phố để có hướng giải quyết và xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm.

Tương tự, tình trạng ô nhiễm cũng xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại dịch vụ xuất, nhập khẩu Đại Dương V.N tại địa chỉ 92, KP1 đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân).

Công ty hoạt động trong lĩnh vực mua bán, gia công băng keo, máy P.E, máy nhựa bảo vệ nhựa cao-su. Trong quá trình hoạt động, đơn vị này đã xả ra nguồn nước thải sau khi đã qua hệ thống xử lý vẫn vượt gần ba lần so với quy định.

UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc khắc phục của các đơn vị đến cuối năm nay, đồng thời xử lý kiên quyết đối với các đơn vị không chấp hành cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải.

Từ năm 2002, UBND thành phố đã phê duyệt “Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận”. Theo đó, hơn 1.400 cơ sở xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm sẽ lần lượt di dời, chuyển đổi ngành nghề, ngưng sản xuất hoặc ngưng công đoạn sản xuất.

Trong hơn mười năm qua, nhiều cơ sở đã di chuyển ra khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay, hàng trăm cơ sở khác nằm rải rác trong các khu dân cư vẫn chưa di dời. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong việc thực hiện đề án này.

Vướng quy hoạch

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay hầu hết các cơ sở trên đã thực hiện di dời hoặc ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, chỉ còn một số đơn vị chưa di dời do chưa tìm được khu vực quy hoạch phù hợp theo ngành nghề. Bên cạnh đó, hạ tầng tiếp nhận thiếu nên đã phát sinh nhiều khu vực ô nhiễm tự phát, nhất là ở các quận, huyện ngoại thành như quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức; huyện Củ Chi…

Theo Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ban hành ngày 8-5-2012 quy định các tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, toàn thành phố hiện có 54 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường về nguồn nước thải thì có đến hơn 60% chất lượng nguồn thải chưa đạt tiêu chuẩn quy định. Một số cơ sở này đã lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn xảy ra, nhất là khi các đơn vị trên không có ý thức trong vận hành.

Tại nhiều khu vực, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi lén lút xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, bất chấp quy định của cơ quan chức năng. Để tiếp tục giải quyết những bức xúc này, thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư. Thành phố cũng đang triển khai công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận và phải bảo đảm an toàn về môi trường, xa khu dân cư… đồng thời xác định chính xác các cơ sở để việc thực hiện di dời đúng chủ trương, không gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp.