Báo động nạn tàn phá các khu rừng nguyên sinh tại Indonesia

ThienNhien.Net – Rừng nguyên sinh là cái nôi nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và là vùng đệm bảo vệ Trái Đất trước tình trạng biến đổi khí hậu, song đang thu hẹp nhanh hơn dự báo rất nhiều ở Indonesia.

Thông tin trên do các nhà khoa học trường Đại học Mariland công bố trên tạp chí “Biến đổi khí hậu thiên nhiên” ra ngày 29/6.

Dựa trên những hình ảnh truyền từ vệ tinh, các nhà khoa học cho biết Indonesia mất khoảng 6,02 triệu hécta rừng nguyên sinh trong giai đoạn từ năm 2000-2012, tương đương diện tích Sri Lanka.

Tốc độ này tăng lên 840.000 ha/năm vào năm 2012, gần gấp đôi tốc độ phá rừng ở Brazil (460.000ha) trong cùng thời gian này.

Một đàn voi Sumatra trong khu rừng tại khu vực Đông Aceh ở tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một đàn voi Sumatra trong khu rừng tại khu vực Đông Aceh ở tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nạn phá rừng nguyên sinh quá mức ở Indonesia trực tiếp làm mất đi môi trường sống và dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động, thực vật; đồng thời cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thiệt hại lớn nhất xảy ra với các vùng đất thấp và rừng đầm lầy ở các đảo Sumatra và Kalimantan, nơi người dân thường chặt cây để làm đất nông nghiệp.

Ở các đảo hoặc nhóm đảo như Papua, Sulawesi, Maluku, Java and Bali và Nusa Tenggara, diện tích rừng nguyên sinh chỉ giảm nhẹ hoặc ổn định trong thời gian từ năm 2000-2012.

Rừng ở Indonesia duy trì sự đa dạng sinh học cao độ, với 10% loài thực vật, 12% loài động vật có vú, 16% loài bò sát lưỡng cư và 17% các loài chim… trên thế giới.

Năm 2010, Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo nạn phá rừng khiến quốc gia này mất 310.000 hécta rừng/năm trong thời gian từ năm 2000-2005 và lên tới 690.000 ha/năm giai đoạn 2005-2010.

Trong báo cáo gửi tổ chức Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2009, Indonesia ước tính mất khoảng 1,1 triệu hécta rừng/năm trong thời gian từ năm 2000-2005.