An ninh lương thực không có nghĩa là chỉ trồng lúa

ThienNhien.Net – “An ninh lương thực được giải quyết bằng sức mạnh của cả nền kinh tế chứ không phải chỉ từ nông nghiệp hoặc từ lúa. Có thể chuyển đổi đất lúa sang các loại mục đích khác mà vẫn đảm bảo ninh lương thực, ngoại trừ việc chuyển đổi thành khu công nghiệp” – Đây là ý kiến của Phó Giáo sư – tiến sĩ Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội đất Việt Nam.

Phó Giáo sư - tiến sĩ Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội đất Việt Nam: "Có thể chuyển đổi đất lúa sang các loại mục đích khác mà vẫn đảm bảo ninh lương thực"
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội đất Việt Nam: “Có thể chuyển đổi đất lúa sang các loại mục đích khác mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực”

Ngày 1/10, Hội thảo Quản lý sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự hội thảo, Tiến sĩ, Phó Giáo sư Vũ Năng Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, an ninh lương thực được giải quyết bằng sức mạnh của cả nền kinh tế chứ không phải chỉ từ nông nghiệp hoặc từ lúa. Đặc biệt, ông cho rằng, có thể chuyển đổi đất lúa sang các loại mục đích khác mà vẫn đảm bảo ninh lương thực, ngoại trừ việc chuyển đổi thành khu công nghiệp.

– Thưa PGS, việc sử dụng đất hiện nay đang gặp vấn đề như thế nào?

PGS – TS Vũ Năng Dũng:Hiện nay, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng ta có 10,1 triệu ha đất nông nghiệp. Kể cả đất lâm nghiệp, chúng ta có trên 26 triệu ha. Đối với Việt Nam là nước có truyền thống sản xuất lúa thì đất lúa của chúng ta hiện nay vẫn là 4,1 triệu ha, chiếm trên 40% đất sản xuất nông nghiệp.

Tôi nghĩ rằng, trong tương lai chúng ta vẫn phải giữ đất cảnh tác lúa hợp lý. Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn nhất định, có thể chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây ngắn ngày hoặc các cây thức ăn gia súc để thay thế nhập khẩu như ngô. Hiện chúng ta có 1,1 triệu ha đất trồng ngô, với 4,7 triệu tấn ngô sản xuất hàng năm, tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu ngô. Vậy thì, thay vì nhập khẩu, chúng ta có thể mở rộng diện tích đất trồng ngô lên 2 – 3 triệu ha gieo trồng để có 20 triệu tấn ngô trong tương lai, thay thế phần ngô nhập khẩu để thay thế thức ăn chăn nuôi.

Về đất lúa vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng cần khẳng định rằng, 2 đồng bằng là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên và được đầu tư các công trình thủy lợi để thuận lợi cho trồng lúa hơn bất cứ loại cây gì nên đương nhiên phải phát triển trồng lúa. Tuy nhiên, giữ diện tích lúa như thế nào, chuyển đổi ra sao thì tùy theo từng giai đoạn, chúng ta vẫn có thể chuyển đổi được.

Đặc biệt, thủy sản của Việt Nam là một ngành rất mạnh. Tôi tin rằng, thủy sản của chúng ta sẽ phát triển mạnh hơn và đến cuối thế kỷ này, chúng ta sẽ trở thành đất nước xuất khẩu thủy sản lớn. Hơn nữa, những làng nghề của nông dân Việt Nam sản xuất chế biến gỗ rất giỏi, hiện nay chúng ta đã trồng rừng để chế biến gỗ. Trong thời gian qua, xuất khẩu đồ gỗ của chúng ta phát triển rất nhanh, hơn hẳn các ngành khác trong nông nghiệp. Tương lai, với nghề trồng rừng và bàn tay khéo léo của người nông dân thì đồ gỗ Việt Nam vẫn có một vị thế nhất định trên thị trường thế giới.

– Thưa PGS, nếu thay đổi diện tích đất trồng lúa theo chiều hướng giảm đi thì liệu có an toàn không trước áp lực gia tăng dân số?

Con số 2,8 hay 3 triệu ha đất trồng lúa là tùy theo tình hình của từng giai đoạn nhất định. Nếu đất lúa hiện nay là 4,1 triệu ha mà quy hoạch đổi sang các cây ngắn ngày như ngô, đậu tương hay những cây có chất lượng xuất khẩu cao như rau, hoa thì khi đất nước cần lúa, chúng ta vẫn có thể chuyển sang trồng lúa được nên không cần lo lắng lắm. Chỉ có điều, chúng ta không nên chuyển đổi sang đất khu công nghiệp mà sau này không thể chuyển đổi sang trồng lúa được nữa.

Một số người vẫn lo lắng là cứ chuyển đổi sang loại khác rồi thì không chuyển sang trồng lúa được nữa. Điều đó là không đúng. Ngay cả khi chúng ta chuyển sang trồng cây hàng năm hay thậm chí là cây lâu năm, chúng ta vẫn có thể quay trở lại trồng lúa. Đặc biệt, đất nước ta là nước nhiệt đới nên chỉ cần chúng ta có đất, có nước là có thể trồng lúa khi đất nước cần.

Tuy nhiên tôi nhắc lại, trừ việc lấy đất làm đường hay cơ sở hạ tầng bắt buộc thì nhất thiết phải hạn chế chuyển đổi sang phi nông nghiệp vì sau này sẽ không thể chuyển trở lại làm đất lúa. Ở nước ta, vùng trung du rất gần vùng đồng bằng, không xa như ở các nước khác. Tại sao chúng ta không lên vùng trung du làm công nghiệp, như dọc đường Hồ Chí Minh, một con đường sa lộ đẹp như thế, chúng ta có rất nhiều vị trí để xây dựng những thành phố lớn, tại sao chúng ta không đó xây dựng mà lại cứ phải chen chúc nhau ở đồng bằng như Vinh, Hà Nội? Ngay thành phố Đồng Hới cũng chỉ cách đường Hồ Chí Minh 12km, trên đó nếu xây dựng Thành phố thì rất tuyệt vời, vừa giải quyết môi trường, vừa giải quyết vấn đề giãn dân. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có chiến lược làm việc đó.

Thứ 2, chúng ta ở các khu dân cư tựa lưng vào vùng trung du, miền núi để khai thác kinh tế biển thì đất nước chúng ta về an ninh quốc phòng sẽ rất tuyệt vời.

– Như vậy có nghĩa là quy hoạch Quốc gia của chúng ta chưa có chiến lược dài hạn, thưa PGS?

Chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhưng dài hơn nữa thì chúng ta không có. Ngay thành phố Hà Nội chúng ta cũng đang làm quy hoạch đến 2050 là cao nhất.

– Như vậy, đây có thể là một bất cập trong quy hoạch của chúng ta?

Đây đúng là một bất cập vì một quy hoạch chiến lược sử dụng đất thì phải dựa trên quy hoạch của các ngành, nếu quy hoạch của các ngành chưa làm thì cũng không thể làm quy hoạch sử dụng đất dài hạn được.

– Đây có phải là lý do để xảy ra tình trạng quy hoạch treo tràn lan như hiện nay, thưa ông?

Đã là quy hoạch thì phải có một thời hạn nhất định để thực hiện. Nói là “treo” bởi chúng ta quy hoạch rồi nhưng không có thời hạn cụ thể để thực hiện. Ví dụ, một khu công nghiệp 100 ha thì không thể khai thác hết trong 10 năm, nhưng chúng ta phải có kế hoạch là cứ mỗi hai năm, chúng ta lại khai thác 20ha. Như vậy, chúng ta chỉ làm 20ha chứ không nên làm cả 100ha rồi để đấy. Đây là do khâu tổ chức thực hiện của chúng ta quá yếu.

Chuyện mất đất lúa ở những vùng đồng bằng như đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long là chuyện đương nhiên, không thể khác bởi chúng ta không có đất gì khác. Việc phát triển các khu dân cư hay xây dựng cơ sở hạ tầng đương nhiên phải lấy vào đất lúa. Chỉ có điều phải có kế hoạch cho hợp lý.

Ví dụ như việc xây dựng nông thôn mới hiện nay còn 3 tồn tại. Thứ nhất là chưa có hình mẫu phù hợp cho từng vùng sinh thái, ví dụ như với đồng bằng sông Cửu Long thì kiểu nhà phải như thế nào, đường sá giao thông không thể có đường bộ mà là đường thủy, phải có bến tàu bằng xi măng chắc chắn… hay như ở miền núi, kiểu nhà cũng chưa vẽ ra được… Thứ hai là cải tạo khu dân cư cũ như thế nào và thứ 3, khi dân số phát triển lên thì phải có đất ở, vấn đề ở chỗ chúng ta phải thiết kế như thế nào để có được khu dân cư mới để phù hợp với nông thôn mới thì chúng ta lại chưa làm được. Đó là 3 cái tồn tại mà chương trình nông thôn mới còn “nợ” chưa làm được.

– Có ý kiến cho rằng, chúng ta cứ lấy 1ha đất lúa để làm đường giao thông hoặc nhà ở thì phải bù lại một ha đất lúa ở chỗ khác. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Việc lấy đất lúa để làm một số công trình hạ tầng như đường cao tốc và các khu dân cư là điều không thể tránh khỏi. Nhưng chúng ta cũng không thể bù lại vì lấy đất ở đâu để làm? Nếu muốn bù thì lại phải ra vùng ven biển, nhưng để thành đất lúa thì phải mất 10 đến 20 năm. Nhưng tôi cũng tin rằng, đất lúa của chúng ta hàng năm vẫn mở rộng được nhờ các con sông bồi đắp.

Có một chương trình mà chúng tôi đã đề nghị nhưng chưa làm được, đó là chương trình ruộng bậc thang ở vùng núi phía Bắc và thậm chí cả ở miền Trung. Chương trình này có lợi ích tuyệt vời cả về môi trường, cảnh quan và rất hợp với lòng dân. Rất tiếc chúng ta chỉ làm có một giai đoạn rồi dừng lại. Tôi đề nghị vẫn tiếp tục đầu tư cho miền núi để mở rộng diện tích ruộng bậc thang.

– Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi.