CITES Việt Nam phát động chiến dịch giảm cầu đối với sừng tê giác

ThienNhien.Net – “Từ đầu năm 2013 đến nay đã có 583 cá thể tê giác tại Nam Phi bị những kẻ săn trộm giết chết để lấy sừng, phần lớn số sừng này được mang về châu Á tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Nếu không có những biện pháp hành động kịp thời thì tê giác đen và tê giác trắng tự nhiên sẽ tuyệt chủng trước năm 2026”.

Đây là thông tin được bà Teresa Telecky, Giám đốc bộ phận loài hoang dã của Tổ chức Human Society International (HSI) đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức giảm cầu về sừng tê giác” do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp với HSI tổ chức ngày 27/8 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa: Dân Việt
Ảnh minh họa: Dân Việt

Hội thảo là hoạt động khởi đầu cho một chiến dịch dài hạn về nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Chiến dịch sẽ được triển khai với việc hướng đến những đối tượng chính như phụ nữ, doanh nhân, sinh viên, những người hành nghề Tây y và Đông y nhằm xóa bỏ những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh nan y của sừng tê giác, chấm dứt việc tặng sừng tê giác làm quà cao cấp và thể hiện đẳng cấp bản thân.

Bà Teresa Telecky cho rằng, việc giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam sẽ góp phần chấm dứt thị trường cho các mạng lưới tội phạm buôn bán trái phép và là bước quan trọng để cứu được loài động vật quý giá này.

Ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện có trách nhiệm những cam kết quốc tế về bảo tồn, đặc biệt là Bản ghi nhớ song phương với Nam Phi về bảo vệ quần thể tê giác.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa cho ra mắt một bộ phim ngắn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về thực trạng đáng báo động cùng những hiểm họa mà các loài tê giác trên thế giới hiện đang phải đối mặt. Đây là bộ phim ngắn thứ 16 mà ENV đã sản xuất trong chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có liên quan tới ĐVHD.