“Tránh những tác động dù là nhỏ nhất đến Hồ Gươm”

ThienNhien.Net – Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng loại phương tiện trọng tải lớn, thân thiện với môi trường như đường sắt đô thị ở khu vực phố cổ, Hồ Gươm là cần thiết. Nhưng cần cẩn trọng trong việc đặt nhà ga, phải tránh được những tác động dù nhỏ nhất đến Hồ Gươm.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho rằng, việc đặt ga tàu điện phải ở những khu vực rộng, thuận tiện kết nối với loại hình vận tải khác như xe buýt, taxi… Do vậy, việc đặt ga C9 (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, hướng Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) theo ông Liêm là không phù hợp. Vì ở khu vực này khó có thể phát triển thêm số lượng xe buýt, taxi phục vụ du khách.

“Xe buýt, taxi không đáp ứng đủ nhu cầu, chẳng lẽ người dân muốn đến nhà ga buộc phải đi bộ hàng kilomet mới tới?”, TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Cần tránh những tác động nhỏ nhất đến hồ Gươm (ảnh Việt Hưng)
Cần tránh những tác động nhỏ nhất đến hồ Gươm (Ảnh: Việt Hưng/Dân Trí)

Theo ông Liêm việc đặt ga tàu điện ngầm ở khu vực phố cổ và xung quanh Hồ Gươm cần phải cân nhắc thật kỹ. Nếu làm để giải quyết tình thế thì ga tàu sẽ không phát huy hết tác dụng. Ông Liêm cho rằng, quanh Hồ Gươm không thiếu khu vực có đất rộng để đặt ga tàu như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, quản trường Nhà hát lớn…

“Hồ Gươm quý lắm! Riêng việc bảo tồn Hồ Gươm cũng còn phải làm rất nhiều. Do vậy, đừng để công trình dù là nhỏ nhất gây tác động thiếu tích cực đến hồ”, ông Phạm Sỹ Liêm nói và cho biết không chỉ ga tàu, trước đây có nhiều đề xuất xây dựng công trình gần Hồ Gươm nhưng không được sự đồng tình của nhân dân nên phải xem xét lại.

Ngoài ra, theo ông Liêm, ở nhiều nước việc xây dựng ga tàu điện không chỉ phục vụ riêng giao thông mà nó còn gắn liền với trung tâm thương mại, siêu thị… Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian của hành khách và tăng thêm doanh thu bù đắp lại việc đầu tư nhiều tiền xây dựng tàu điện. “Đây là việc quan trọng. Để giải quyết thấu đáo việc này theo tôi phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các chuyên gia”, ông Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Khất Việt Hùng cho biết, vấn đề lo ngại của tàu điện trong nội đô chủ yếu là quy hoạch kiến trúc, còn vấn đề giao thông thì không ảnh hưởng gì. “Về giao thông thì việc đặt ga khu vực Hồ Gươm là phù hợp vì người dân, du khách rất dễ tiếp cận”, Tiến sĩ Khất Việt Hùng phân tích.

Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, khu vực đặt ga C9 cũng là khu vực rất nhiều người muốn đến vì có thắng cảnh nổi tiếng, trung tâm văn hóa, kinh tế… rất phát triển. Việc đặt ga ở khu vực này cũng gắn với mong muốn làm cho khu phố cổ, Hồ Gươm ngày càng phát triểm, thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, buôn bán.

“Hệ thống vận tải đường sắt rất thân thiện với môi trường, phù hợp với người đi bộ và đặc biệt là có trọng tải lớn. Do vậy, nó rất thích hợp với khu vực đông dân cư và kinh tế phát triển”, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng phân tích thêm.

Cũng theo Tiến sĩ Hùng, vào những ngày lễ lớn, khu vực quanh Hồ Gươm thường hạn chế phương tiện cơ giới, lúc đó tàu điện lại càng có vai trò quan trọng. Ngoài ra, ông Hùng còn cho rằng đây là loại phương tiện sẽ góp phần hạn chế phương tiện giao thông trong khu vực phố cổ, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu tác động đến môi trường.