Cây keo và kiến – chở che và khống chế nhau

ThienNhien.Net – Ở châu Phi và các vùng nhiệt đới, loài kiến thường chọn dáng thân vặn xoắn của cây keo làm nơi trú ẩn cho mình. Kiến “trả ơn” cho cây keo bằng cách bảo vệ cây khỏi những loài ăn lá. Song những cây keo có sẵn chỗ ở và mật hoa bổ dưỡng cho loài côn trùng này cũng có thể tạo ra các hóa chất đưa chúng vào trạng thái hoảng loạn, buộc chúng phải rút lui khi bị chúng quấy rầy quá mức.

Tiến sĩ Nigel Raine, Đại Học Royal Holloway (Anh) cùng các đồng nghiệp ở Đại học St Andrews (Anh) và Đại học Lund (Thụy Điển) đã có công trình nghiên cứu về mối quan hệ cộng sinh của hai loài này.

Theo quan sát của các nhà khoa học, kiến giúp bảo vệ những cây keo mà chúng trú ngụ. Các sinh vật mon men đến ăn mật hoặc lá cây sẽ phải coi chừng sự tấn công của các “vệ sĩ” kiến.

Các loài kiến PseudomyrmexCrematogaster có thể tấn công cả các con vật ăn cỏ lớn nếu chúng ăn lá cây chủ của chúng. Đổi lại, với cả hai loài kiến này, cây keo ít nhiều cũng tạo cho chúng có chỗ để đục khoét làm tổ và hiến cho chúng mật hoa đầy vị ngọt của mình.

Được kiến bảo vệ cũng là một ưu thế đối với loài cây này. Song, làm nơi trú ẩn cho loài côn trùng hung hăng như kiến cũng có thể khiến sự trổ hoa – một hoạt động quan trọng trong đời sống của cây – gặp khó khăn. Hoa cần được thụ phấn để giống loài thêm sinh sôi. Vậy điều gì có thể ngăn cản kiến tấn công các loài giúp thụ phấn hoặc ngăn không cho kiến cướp mất mật hoa đầy hương vị, vốn là điểm thu hút các loài côn trùng thụ phấn?

TS Raine cho biết, có một số loài thực vật đã ngăn cản sự “quấy rầy” của kiến với quá trình này nhờ cấu tạo của chúng. Những chướng ngại vật lý như bề mặt nhớp nháp, trơn trượt của hoa có thể ngăn kiến tiếp cận với hoa . Song cây keo lại không có các chướng ngại đó. Hoa của chúng rất mở, song dường như kiến lại không thể dẫm chân lên đó.

Bởi lẽ kế sách thông minh của cây keo là “đút lót” bằng thức ăn. Các tuyến mật nằm ngoài hoa – những kho mật tý hon trên thân cây – khiến những kẻ sống trên thân cây có thể ăn mật mà không phạm đến hoa. Hơn nữa đầu mút lá của cây keo còn có chất dinh dưỡng để nuôi đàn kiến “vệ sĩ” của mình.

Song, khi số thức ăn này không đủ với kiến và kiến tìm cách ăn mật hoa keo thì chúng cũng chả dễ dàng gì đạt được mục tiêu vì sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến hóa học do loài cây này khởi xướng.

Hoa có thể sản sinh ra nhiều loại chất hóa học. Cứ thử ngửi mùi của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phát ra từ hoa mà xem. Mùi hương quyến rũ của hoa còn là tín hiệu dẫn đường cho những loài côn trùng thụ phấn như ong và chim ruồi.

Song có vẻ như mùi vị của hoa keo lại chẳng có gì hấp dẫn với kiến, chưa muốn nói là mùi hương này còn gây khó chịu cho chúng. Hoa keo sản sinh ra các chất làm cho kiến khó chịu, đặc biệt là trong suốt thời gian chúng ra nhiều phấn nhất, khiến kiến không dám đến gần.

Khi tất cả phấn hoa đã được các loài côn trùng thụ phấn mang đi, thì hoa cũng không còn mùi khó chịu (đối với kiến) nữa. Thời điểm này, kiến có thể bò lên những cánh hoa và có thể bảo vệ chúng trước các côn trùng ăn hoa khác, nhờ vậy hạt giống keo mới được phát triển.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Raine đã dùng phấn hoa lấy từ các bông hoa keo mới nở để kiếm chứng điều này. Quét lớp phấn này lên những đóa hoa già hơn và lên thân cây keo, họ nhận thấy rõ hiệu ứng đối với loài kiến. Hiệu ứng này trở nên rõ ràng hơn khi các nhà nghiên cứu xịt lớp phấn này lên kiến. Chúng trở nên kích động và rất hung hãn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng chất gây khó chịu mà cây keo tiết ra là chất “bắt chước” mùi mà kiến dùng để phát tín hiệu với nhau khi bị kẻ thù tấn công. Những chất này chỉ gây khó chịu với kiến vì với các loài côn trùng thụ phấn khác, chúng lại là điểm hấp dẫn.

Theo tiến sĩ Raine, “chiến lược” này cho thấy kiến và cây chủ của chúng đã tiến hóa để bảo vệ, khống chế và thao túng lẫn nhau. Kiến có thể nhanh chân đeo bám, cắn và chích thân cây keo, nhưng cây keo có vẻ vô hại kia lại vẫn đi trước một bước trong việc bảo vệ mình.