Hà Nam: Dân chài bỏ nghề vì nước sông ô nhiễm nặng

ThienNhien.Net – Tình trạng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ nhiều tỉnh, thành đầu nguồn không được xử lý “dội” thẳng về Hà Nam gây ô nhiễm nặng nề, khiến cho hầu hết người làm nghề chài lưới trên các dòng sông của tỉnh phải bỏ nghề vì tôm cá đã cạn kiệt.

Theo Trung tâm Quan trắc phân tích Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Nam: Các con sông trên địa bàn tỉnh này đang bị ô nhiễm nặng và ngày càng trầm trọng. Điển hình sông Nhuệ vào mùa khô hoặc ít mưa thường xuyên có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, rất nhiều đợt dồn về hạ nguồn và hoà vào con sông Đáy, sông Châu, sông Duy Tiên… làm cho tôm, cá chết nổi trắng mặt nước.

Năm 2007, tỉnh Hà Nam có 5.350 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản thu hoạch hơn 14.565 tấn tôm cá, trong đó sản lượng nuôi trồng là 13.840 tấn và khai thác ở các vùng nước ngọt tự nhiên chỉ đạt 725 tấn.

Đến năm 2008, Hà Nam nâng diện tích nuôi trồng lên 6.200 ha và sản lượng tôm cá ước tính đạt 17.000 tấn, nhưng hầu hết là ở các khu khoanh nuôi, việc khai thác tôm cá ở các vùng tự nhiên như sông, kênh…trên địa bàn tỉnh là không đáng kể.

Nguyên nhân sản lượng khai thác thuỷ sản ở vùng nước ngọt tự nhiên đạt thấp là do các dòng sông, kênh mương… trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang bị ô nhiễm rất nặng, động vật thuỷ sinh ngày càng bị thu hẹp môi trường sống.

Nguồn lợi thuỷ sản cạn đã khiến cho hàng trăm hộ dân ở Hà Nam phải bỏ nghề. Điển hình nhất là làng chài Phù Vân, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý hầu hết các hộ dân nơi này trước đây sống bằng nghề chài lưới trên sông, nhưng đến nay đồng loạt phải bỏ nghề.

Hà Nam đã quy hoạch tổng số 73 suất đất, mỗi suất rộng 60m2 và bán với giá ưu đãi là 22 triệu đồng/suất giúp những hộ dân làm nghề chài của xã Phù Vân xây nhà và sinh sống ổn định. Đến đầu năm 2009 làng chài Phù Vân có gần 50 hộ đã xây được nhà ở khang trang, tỉnh Hà Nam tiếp tục hỗ trợ kinh phí để người dân học nghề, có việc làm mới để thoát khỏi cảnh “miễn cưỡng”sống lênh đênh trên sông nước.