Dịch muỗi tại TPHCM: Hậu quả tất yếu?

Vậy là năm thứ hai liên tiếp dịch muỗi bộc phát tại một số nơi trên địa bàn TP.HCM. Thậm chí năm nay, mật độ muỗi còn nhiều hơn năm 2007. Phải chăng đây là hậu quả tất yếu trong quá trình phát triển đô thị còn nhiều bất cập?

Nạo vét như làm… vệ sinh nhẹ

Một trong những nguyên cớ đầu tiên người ta nghĩ đến khi bộc phát “giặc” muỗi tại TP.HCM là do dòng chảy bị tắc nghẽn, nước tù đọng và trở thành môi trường lý tưởng để lăng quăng sinh sôi nảy nở.

Trong công văn số 114/SGTCC-CTN do Giám đốc Sở Giao thông Công chính (GTCC) ký hồi tuần trước gửi các cơ quan chức năng, “kênh rạch tù đọng” là nguyên nhân đầu tiên được Sở GTCC nêu lên và từ đó khuyến cáo các cơ quan hữu quan phải tăng cường nạo vét, khai thông dòng chảy kênh rạch thoát nước để cải thiện môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Vậy nhưng tình hình nạo vét cải tạo kênh rạch trên địa bàn thực tế diễn ra như thế nào? Cứ nhìn vào số liệu tổng hợp từ Phòng quản lý Cấp thoát nước-Sở GTCC thì sẽ rõ. Đặc thù của TPHCM là có nhiều sông, kênh, rạch, các sông, kênh, rạch này là trục thoát nước chính, là đầu ra cho các cửa xả. Thế nhưng việc thực hiện các dự án cải tạo kênh, rạch diễn ra quá chậm.

Chẳng hạn dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dù đã được duyệt dự án đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được công tác… giải phóng mặt bằng! Dự án cải tạo rạch cầu Sơn, cầu Bông đã có chủ trương đầu tư từ cách đây 8 năm nhưng đến giờ vẫn chưa xong khâu chuẩn bị đầu tư.

Thiết kế kỹ thuật dự án cải tạo rạch Tân Hóa-Lò Gốm đã được duyệt năm 2004 nhưng hiện vẫn chưa tìm được nguồn vốn
ODA để đầu tư… Chưa hết, bản thân công tác nạo vét sông-kênh-rạch còn gặp nhiều khó khăn chỉ vì tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch quá tràn lan, phổ biến.

Tất cả những điều này giải thích vì sao năm 2007 mặc dù Sở GTCC đã có nhiều cố gắng tổ chức nạo vét hàng loạt sông, kênh, rạch bằng nguồn vốn thu phí nước thải nhưng thực tế việc nạo vét ấy cũng chỉ mới mang tính làm… vệ sinh cho sông, kênh, rạch hoặc khai thông dòng chảy những điểm nghẽn cục bộ, tức là hoàn toàn chưa đáp ứng được quy mô so với yêu cầu thoát nước mà các sông, kênh, rạch này đảm nhận.

Nạo vét thì mới làm “ngoài da” như thế, còn duy tu cũng chẳng hơn gì. Bởi vì ngoài 1.000km/2.000km cống các loại do Sở GTCC quản lý là được duy tu bảo trì tương đối tốt, số còn lại được phân cấp cho các quận huyện quản lý thì rất lèng phèng. Lý do: nguồn kinh phí duy tu cấp cho quận huyện còn khiêm tốn, các đơn vị công ích quận huyện lại chưa cải tiến phương pháp nạo vét, nên không lạ khi việc thông thoáng hệ thống thoát nước do quận huyện quản lý cũng còn đầy hạn chế.

Ngoài ra, như thừa nhận của Sở GTCC, việc phối hợp giữa quận huyện với các Khu quản lý giao thông đô thị chưa thực sự tốt nên công tác nạo vét diễn ra chưa đồng bộ, thậm chí đã từng không ít lần có tình huống thượng lưu nạo vét nhưng hạ lưu thì chưa hoặc ngược lại. Như thế mà đòi hỏi dòng chảy phải thông thoáng thì e rằng hơi “bị” khó!

Vớt rác theo… sự vụ

Nhưng công bằng mà nói, “thói tật” xả rác tràn lan, vô tội vạ của một bộ phận không nhỏ người dân sống ven các sông, kênh, rạch TP cũng là “tội đồ” góp phần gây ra dịch muỗi. Còn nhớ khi mới bước vào mùa khô năm nay được chừng một tháng,
Phó giám đốc Vũ Tiến Đạt của Công ty Quản lý công trình cầu phà TP đã phải khẩn thiết gởi đơn đến một loạt UBND quận huyện yêu cầu hỗ trợ xử lý, ngăn chặn nạn người dân thường xuyên buôn bán, đổ rác xuống sông, kênh, rạch. Bởi vì qua công tác tuần tra hệ thống cầu, đơn vị này ghi nhận tại một loạt cầu như cầu Kinh Thanh Đa, cầu Đinh Bộ Lĩnh, cầu Trường Đai, cầu Chợ Cầu, hầm chui Tân Tạo… người dân vẫn ngày ngày tụ tập buôn bán, đổ rác thẳng từ trên cầu xuống sông, kênh, rạch vừa không đảm bảo an toàn giao thông, vừa làm mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Trước đây bên cạnh công tác nạo vét và duy tu, Sở GTCC cũng kiêm nhiệm luôn công tác vớt rác trên sông, kênh, rạch nhưng sau đó việc vớt rác được phân cấp sang cho Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện đảm trách.

Thế nhưng, toàn thành phố hiện chỉ có mỗi quận 8 là UBND quận giao thẳng công tác vớt rác trên sông, kênh, rạch cho Công ty Dịch vụ công ích quận còn nhiều quận huyện khác chỉ dừng lại ở tác nghiệp sự vụ, tức là chỉ khi nào có ô nhiễm nặng phát sinh trên địa bàn thì quận huyện mới huy động Công ty Dịch vụ công ích quận ra quân thu vớt. Ngay cả Công ty Dịch vụ công ích quận 8, cũng chỉ mới thường xuyên tổ chức vớt rác trên các tuyến kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ chứ cũng chưa quán xuyến hết được địa bàn quận.

Đã vậy khâu xử phạt lại chưa được các địa phương làm tốt, làm tới nơi tới chốn. Một chuyên viên Phòng quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận xét rằng trong khi rất nhiều sông, kênh, rạch toàn TP rác nổi lềnh bềnh, thậm chí có nơi rác ngập kênh rạch thì hầu hết các quận huyện chỉ xử phạt được mỗi năm 3-4 trường hợp đổ rác xuống sông, kênh, rạch.