Tây Nguyên: Cần loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ

ThienNhien.Net – “Không chỉ tạm dừng xây dựng mới thủy điện trong 2 năm (2013-2014) mà cần phải loại bỏ hết các dự án thủy điện nhỏ và vừa ở Tây Nguyên”.

Ông Trần Viết Ngãi- nguyên là Trưởng Ban chỉ đạo về xây dựng các dự án thủy điện ở Tây Nguyên-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN nói như vậy khi trao đổi với NTNN.

Người dân Krông Nô (Đăk Nông) đắp đập trên sông để lấy nước khi thủy điện gây cạn kiệt dòng chảy 2/2013 (Ảnh: Dân Việt)

Thưa ông, Ban chỉ đạo Tây Nguyên vừa có kiến nghị Bộ Công Thương cần tạm dừng việc xây mới thủy điện ở Tây Nguyên trong 2 năm (2013-2014) để tập trung giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội; đồng thời rà soát lại quy hoạch, loại bỏ các dự án thủy điện không khả thi và có tác động xấu về môi trường. Quan điểm của ông như thế nào về kiến nghị này?

– Không phải tạm dừng mà nên dẹp bỏ hết tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên. Theo quy hoạch phát triển bền vững ngành năng lượng và điện thì đến năm 2017 sẽ kết thúc tất cả các dự án thủy điện, sẽ chỉ còn các dự án thủy điện lớn, hiệu quả mới được triển khai xây dựng, các dự án thủy điện nhỏ và vừa sẽ bị vứt bỏ hết vì chúng ta không cần các dự án này nữa.

Tại sao chúng ta lại không cần các dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, thưa ông?

– Bởi thủy điện nhỏ và vừa không chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng điện phát. Mùa khô các dự án thủy điện này không có nước để phát điện, mùa mưa thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không cần mua điện của các nhà máy này vì lượng nước về hồ thủy điện của EVN rất tốt. Nên mới xảy ra tình trạng các chủ dự án thủy điện vừa và nhỏ hiện nay đang “khóc” vì làm thủy điện thua lỗ. Chưa kể, đa số các ông chủ này đều là tư nhân, không có kiến thức làm thủy điện đã để xảy ra vỡ đập, phá vỡ môi trường, tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng…

Nhưng các dự án thủy điện nhỏ và vừa đều đã được thẩm định cấp phép rồi mới được xây dựng, thưa ông?

– Bộ Công Thương chỉ làm nhiệm vụ quy hoạch tổng thể thủy điện vừa và nhỏ. Riêng với các dự án thủy điện có công suất nhỏ thì các địa phương được phân cấp và có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch.

Thực tế, những người làm công tác thẩm định, phê duyệt thủy điện nhỏ tại các địa phương đều không có kiến thức, chuyên môn, trình độ, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản lý, tư vấn, thiết kế thủy điện. Do vậy, họ đã làm thủy điện một cách dễ dãi, nóng vội. Đến chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ cũng không có kiến thức, kéo theo đầu tư công trình chất lượng kém.

Vậy với nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên hiện còn đang dang dở và đã được duyệt theo quy hoạch thì nên làm thế nào, thưa ông?

– Dự án dang dở nếu chứng minh được thực sự có hiệu quả thì vẫn cho làm tiếp, không thì cũng nên loại bỏ luôn. Tôi chỉ ví dụ nên dừng tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở dòng sông Sê San. Còn gì nữa đâu mà đầu tư thủy điện, nếu làm tiếp tôi khẳng định là chỉ có thua lỗ, phá sản.

Thủy điện, kể cả thủy điện bậc thang của sông Sê San nên dừng đi. Nguyên lý của sông là nước chảy từ cao xuống thấp. Sông Sê San đã có quá nhiều các dự án thủy điện rồi, khai thác hết ở các dự án thủy điện lớn rồi, dự án nhỏ không còn nước chảy nữa mà làm thủy điện.

Vì không đem lại hiệu quả kinh tế nữa nên phải dẹp bỏ tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên, thưa ông?

– Đúng là như vậy. Các dự án thủy điện lớn từ 30 MW trở lên, đem lại hiệu quả thì EVN đều đã làm hoặc đang triển khai hết rồi. Các dự án nhỏ dưới bậc thang hiệu quả thì các chủ đầu tư cũng đã làm giờ nếu triển khai tiếp các dự án thủy điện nữa thì chỉ có lỗ.

Ông Đỗ Đức Quân – Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, đã có 155 dự án thủy điện và 72 vị trí thủy điện tiềm năng với tổng công suất 800 MW tại khu vực Tây Nguyên bị loại khỏi quy hoạch. Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xây dựng hàng loạt dự án thủy điện tại Tây Nguyên giai đoạn sau 2015.

Chúng ta đừng thấy cứ có sông, có suối là có thể làm thủy điện rồi tìm mọi cách huy động vốn để đầu tư mà chẳng tính đến hiệu quả kinh tế của dự án. Nhãn tiền đã cho thấy nhiều dự án thủy điện làm xong không biết bán điện cho ai, bán bằng cách nào và với mức giá ra sao.

Chưa kể, chất lượng các công trình thủy điện nhỏ hiện nay không chỉ ở Tây Nguyên, đang ở mức đáng báo động, gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế lẫn xã hội và đang bị người dân lên án.

Dẹp bỏ hết các dự án thủy điện thì an ninh năng lượng và điện cho đất nước có được đảm bảo, thưa ông?

– Sản lượng điện phát của thủy điện nhỏ không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện nên có hay không thủy điện nhỏ cũng không làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Chúng ta đang hướng đầu tư các nguồn điện khác có hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!