Cửu đỉnh Huế – Bộ sách ảnh đa dạng sinh học bằng đồng của Việt Nam (Kỳ I)

ThienNhien.Net – “Nhất ngôn cửu đỉnh” là câu thành ngữ nói về đạo đức của người quân tử, một lời nói nặng như núi, vững như đỉnh. Cửu đỉnh là chín cái đỉnh đồng, không chỉ là đồ vật trong truyền thuyết cổ xưa của thời Tam đại mà nay vẫn còn hiện hữu ở Hoàng thành Huế.

Cửu đỉnh Huế là 9 cái đỉnh đồng lớn được đặt trước sân Thế miếu nhà Nguyễn trong Hoàng thành Huế. Theo lệnh của vua Minh Mạng việc đúc Cửu đỉnh được khởi công từ mùa đông 1835 và khánh thành năm 1837. Trong chỉ dụ đúc đỉnh có ghi: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật, cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”.

Hàng 9 chiếc đỉnh trước Hiển Lâm Các trong Hoàng thành Huế

Việc “vẽ hình mọi vật” và  “khắc rõ tên hiệu” làm cho các hình ảnh động thực vật trên Cửu đỉnh không chỉ là hình trang trí đơn thuần mà thực sự là một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về đa dạng sinh học.

Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên các đỉnh đồng của nhà Nguyễn ở Huế có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài. Các loài động thực vật do vậy đều có thể nhận dạng dễ dàng qua các hình khắc đồng trên Cửu đỉnh.

Các hình trên Cửu đỉnh được sắp xếp theo một thứ tự nhất định và được chia thành các nhóm cảnh, vật. Tham khảo qua một số tài liệu nghiên cứu thì thấy nếu như các tác giả xếp nhóm các họa tiết núi sông, thuyền bè, súng đạn, tinh tú tương đối rõ ràng thì việc phân nhóm những loại động thực vật trên Cửu đỉnh hiện nay không thống nhất.

Tuy nhiên, việc phân nhóm các hình ảnh đều phải tuân theo nguyên tắc chính là đảm bảo mỗi nhóm vật có 9 hình, mỗi hình phải nằm trên mỗi đỉnh khác nhau. Bởi vì con số 9 là con số tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu về thời gian, cũng như thể hiện toàn bộ không gian (9 châu, bao gồm 8 phương và 1 trung tâm) thống nhất.

Cây lúa nếp trên Nhân đỉnh

Để hiểu được sự phong phú và độc đáo của loài động thực vật Việt Nam thể hiện trên Cửu đỉnh bài viết này xin đề xuất một cách phân nhóm các hình ảnh động thực vật trên Cửu đỉnh Huế, có khác so với các tác giả hiện nay, nhưng đảm bảo được nguyên tắc phân nhóm đã nêu.

Thực vật trên Cửu đỉnh

Hoa Hải đường trên Nghị đỉnh
54 họa tiết các loài thực vật có thể chia thành 6 nhóm. Các loài cây được liệt kê theo thứ tự gặp trên các đỉnh lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh:

Cây lương thực và cây lấy sợi: Lúa tẻ, Lúa nếp, Đậu xanh, Dâu, Đậu ván, Đậu tương, Lạc, Đậu trắng, Bông.

Rau và cây gia vị: Hành, Hẹ, Kiệu, Nghệ, Cải, Hương nhu, Gừng, Tía tô, Tỏi.

Cây lấy quả: Mít, Bòn bon, Xoài, Cau, Mơ, Đào, Nhãn, Lê, Vải.

Các loài hoa: Hoa tử vi, Hoa sen, Hoa nhài, Hoa hồng, Hoa hải đường, Hoa dã quỳ, Hoa sói, Hoa dâm bụt, Hoa ngọc lan.

Các loại gỗ: Lim, Ngô đồng, Huống, Kiền kiền, Hoàng đàn, Sao, Bách, Thông, Sơn ta.

Dược liệu và hương liệu: Trầm hương, Kỳ nam, Đậu khấu, Tô hạp, Quế, Sa nhân, Tổ yến, Trầu không, Sâm ta.

 Trên Cửu đỉnh 6 nhóm cây đã khái quát tính đa dạng và giá trị thực tế của hệ thực vật ở nước ta. Những loại cây thân thuộc như cây lúa, cây đậu, cây bông là nguồn cung cấp “cái ăn, cái mặc” thiết yếu cho người Việt. Các loại rau và gia vị cũng không thể thiếu trong bữa ăn người Việt như rau cải, củ hành, củ gừng, củ tỏi.

Từ lâu người Việt đã biết nuôi trồng và đánh giá cao giá trị của các loài hoa, trang điểm cho sân vườn, nhà cửa, như hoa sen, hoa hồng. Thậm chí những loài hoa dân dã nhất, mọc ở bờ rào, vườn nhà cũng được nhắc đến như hoa nhài, hoa sói, hoa dâm bụt.

Gỗ Ngô đồng trên Nhân đỉnh

Trên Cửu đỉnh cũng khắc họa rõ nét những loại cây lấy gỗ quý của các miền rừng núi nước ta. Cứng như gỗ Lim, thơm và nhẹ như gỗ Thông. Những cây Bách trầm hùng của miền Bắc núi cao, những cây Sao dầu cao thẳng của miền Nam khô nóng. Tất cả đều được thể hiện một cách tinh xảo trên Cửu đỉnh Huế.

Bên cạnh đó, không thể không nói tới nhóm cây làm thuốc và làm hương trong hệ thực vật nước ta. Trầm hương, kỳ nam là những báu vật hiếm có, được dùng làm hương thơm trong các nghi lễ cúng tế lớn. Tổ yến, một dược liệu đặc biệt của miền Nam Việt Nam.

Rồi Sâm ta, nay được gọi với tên Sâm Ngọc Linh, loài cây quý hiếm vào loại đầu bảng trong Sách đỏ Việt Nam, có công dụng bồi bổ cơ thể và chữa bệnh chẳng kém gì hồng sâm Hàn Quốc. Quế, Sa nhân là những cây thuốc “đầu vị” trong nền y học dân tộc. Cả cây Trầu gắn liền với quả cau, miếng trầu truyền thống của người Việt cũng có mặt trên Cửu đỉnh.

Kỳ nam trên Nhân đỉnh

Việc đưa những hình ảnh từ những loài cây rất đời thường như lúa, đậu tới những loài cây quý hiếm như trầm hương, nhân sâm vào Cửu đỉnh, nơi thể hiện bộ mặt đất nước, thể hiện vương quyền của triều đình, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các loài thực vật đối với con người Việt Nam.