Điểm sáng từ mô hình trang trại dưới biển

Mặc cho bao nhiêu nghi ngại, đến nay nhà kính dưới biển với tên gọi là khu vườn Nemo vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Năm 2012, một gia đình người Italy đã triển khai dự án trồng rau trong một nhà kính hình cầu đặt dưới biển. Mặc cho bao nhiêu nghi ngại, đến nay nhà kính với tên gọi là khu vườn Nemo vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nhà kinh Nemo trồng cây dưới biển. Ảnh: CNN

Ông Sergio Gamberini, chủ công ty thiết bị dưới nước Ocean Reef Group tại bờ biển Noli đã thực hiện ý tường độc đáo này bằng cách kết hợp hai niềm đam mê của mình lặn biển và làm vườn. Mục tiêu là mở rộng khả năng trồng trọt với tiềm năng đường bờ biển dài trên Trái Đất, đồng thời hướng tới ngành nông nghiệp bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ánh sáng mặt trời cây có thể hấp thụ, các nhà kính có trang bị đèn để bổ sung ánh sáng khi cần thiết. Ảnh: CNN.

Giống như phần lớn các nông trại thẳng đứng trong nhà, khu vườn Nemo sử dụng phương pháp thủy canh để lấy dinh dưỡng trong nước thay vì đất. Ngoài ánh sáng mặt trời cây có thể hấp thụ, các nhà kính có trang bị đèn để bổ sung ánh sáng khi cần thiết.

Ở độ sâu từ 6 đến 10m dưới nước, những loại cây được trồng trong vườn kính Nemo sẽ hoàn toàn tách biệt trước mọi mầm bệnh và sâu bệnh bên ngoài, trong khi chúng vẫn có thể phát triển từ nước ngọt qua quá trình ngưng tụ khử muối trong nhà kính. Bên cạnh đó, nhiệt độ tương đối ổn định của nước biển là môi trường lý tưởng cho sự sống của thực vật.

Ông Sergio Gamberini cho biết mọi thứ được giám sát từ trên cạn thông qua hệ thống camera và cảm biến, đồng thời các cài đặt có thể được điều chỉnh từ xa từ mọi nơi trên thế giới. Đến thời điểm thu hoạch, thợ lặn sẽ đi xuống, cắt nông sản, cho vào túi và thả nổi lên mặt nước.

Các loại cây lớn như bắp hay lúa mì được cho là không phù hợp để trồng trong mô hình này, bởi vì đường kính của các nhà kính chỉ khoảng 2 mét. Tuy nhiên, nhà kính Nemo phù hợp với 70 đến 100 cây có kích thước nhỏ hơn. Hàng trăm loại cây khác nhau, từ dâu tây đến cà chua, đậu và cả các loại thảo mộc đã được trồng thử nghiệm.

Nhà kính Nemo phù hợp với 70 đến 100 cây có kích thước nhỏ hơn. Ảnh: National Geographic.

Với mô hình phát triển nông trại mới, nhiều chuyên gia các lĩnh vực từ dược phẩm đến lương thực, thực phẩm đều đến Khu vườn Nemo để nghiên cứu. Một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Pisa kết luận húng quế được trồng theo phương pháp này có nồng độ tinh dầu cao hơn và chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của nhà kính đến môi trường biển, chủ khu vườn cho rằng nông trại thủy sinh thu hút sinh vật biển thay vì xua đuổi chúng: “Trong các nghiên cứu của chúng tôi, nông trại Nemo có nhiều cá hơn 58% so với môi trường xung quanh. Vì vậy, phục hồi số lượng sinh vật biển trong môi trường cũng là một ưu điểm từ phương pháp trồng cây dưới nước.”

Tuy nhiên trước sự biến đổi của thời tiết và khí hậu, khu vườn dưới biển đã gặp không ít thách thức. Năm 2019, một số nhà kính trong vườn Nemo đã bị một cơn bão mạnh phá hủy. Không chỉ vậy, ngoài khơi bờ biển Noli cũng không phải là một địa điểm hoàn hảo để tiếp nhận ánh sáng mặt trời.

Bên cạnh Gamberini, nhiều công ty khác trên thế giới cũng đang khám phá những lợi ích của đại dương đối với nông nghiệp. Tổ chức phi lợi nhuận GreenWave ở Bắc Mỹ đang thử nghiệm trồng rong biển và nuôi động vật có vỏ trên hệ thống giàn dưới nước. Công ty Sea6 Energy có trụ sở tại Bangalore đã tạo ra một máy kéo cơ giới hóa có thể trồng và thu hoạch rong biển dưới đáy đại dương.

Cẩm Tú (Nguồn: CNN)