Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát bất thường

Quan chức y tế toàn cầu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về đậu mùa khỉ – một loại bệnh truyền nhiễm virus phổ biến ở Tây và Trung Phi – xuất hiện tại châu Âu và nhiều nơi khác.

Từ những ca bệnh đầu tiên tại Anh, chỉ sau vài tuần, gần 100 ca mắc đậu mùa khỉ ở 14 quốc gia đã được xác nhận. Ngoài ra, 50 trường hợp khác đang chờ điều tra và nhiều khả năng sẽ được báo cáo khi hoạt động giám sát toàn cầu mở rộng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ khác thường này.

Cuộc họp khẩn do nhóm Cố vấn Chiến lược và Kỹ thuật về các mối đe dọa truyền nhiễm có khả năng thành dịch và đại dịch (STAG-IH), thuộc WHO, tổ chức hôm 20/5.

Hôm 21/5, Reuters đưa tin Israel báo cáo trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa ở khỉ. Theo Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky – Ichilov, ca mắc là một người đàn ông khoảng 30 tuổi trở về sau chuyến du lịch ở Tây Âu.

Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết sẽ mua vaccine, chủ yếu dành cho nhân viên y tế, để ngăn ngừa bệnh lây lan thêm. Ông không đề cập đó là loại vaccine nào.

“Đây không phải là đại dịch, nó không giống như virus corona”, ông nói thêm.

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm thế nào?

Hôm 19/5, một quan chức y tế công cộng Mỹ nói rằng rủi ro về bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm này đối với công chúng là thấp.

Bệnh đậu mùa khỉ là loại virus gây ra các triệu chứng như sốt, đau nhức và phát ban. Đậu mùa khỉ là họ hàng của bệnh đậu mùa – vốn đã được xóa sổ vào năm 1980, nhưng thường nhẹ hơn, đặc biệt là chủng virus Tây Phi có tỷ lệ tử vong khoảng 1%. Quan chức giấu tên cho biết thêm hầu hết người mắc sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 2-4 tuần.

Theo BBC, cho đến nay, bệnh đậu mùa khỉ khá dễ đoán. Virus đến từ động vật hoang dã, và có khả năng là loài gặm nhấm hơn là khỉ. Một người nào đó tới các khu rừng nhiệt đới ở Tây và Trung Phi tiếp xúc với sinh vật mang bệnh và virus đã lây sang người. Da họ phát ban, nổi mụn nước và sau đó đóng vảy.

Các chuyên gia tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay lây lan qua tiếp xúc da thịt gần gũi, thân mật với người đang nổi phát ban. Do đó, có thể dễ ngăn chặn sự lây lan khi đã xác định được ca bệnh.

“Covid-19 lây lan qua đường hô hấp và có khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ thì không như vậy”, tiến sĩ Martin Hirsch của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ cho biết.

Đây là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ bất thường và chưa từng có. Điều này khiến các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về căn bệnh hoàn toàn ngạc nhiên, và luôn là điều đáng ngại khi một loại virus thay đổi hành vi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các đợt bùng phát gần đây là lạ thường bởi chúng xảy ra ở những quốc gia virus không thường xuyên lưu hành. Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là nơi phát hiện hầu hết ca bệnh. Các nhà khoa học đang tìm hiểu nguồn gốc của các ca bệnh hiện tại và liệu virus có thay đổi điều gì hay không.

Các quan chức WHO lo ngại phát hiện thêm nhiều ca nhiễm khi mọi người tụ tập và tham gia lễ hội, tiệc tùng và kỳ nghỉ trong những tháng hè sắp tới ở châu Âu và các nơi khác.

“Chúng ta đang ở trong một tình huống rất lạ, đó là điều ngạc nhiên và lo lắng”, giáo sư Peter Horby – Giám đốc Viện Khoa học Đại dịch của Đại học Oxford – nói.

Trong khi giáo sư nói rằng đây “không phải là Covid-19 thứ 2”, ông Horby nói “chúng ta cần phải hành động để ngăn chặn virus” cắm sâu trong cộng đồng vì đây là điều chúng ta thực sự cần tránh.

“Đây không phải là thứ chúng tôi từng thấy trước đây, quả là điều bất ngờ”, tiến sĩ Hugh Adler – người từng điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ – đồng tình.

Có hai phương án đang nhận được nhiều sự quan tâm: Virus đã thay đổi hoặc virus cũ tìm được môi trường thích hợp vào đúng thời điểm để phát triển.

Bệnh đậu mùa khỉ là loại virus AND nên không đột biến nhanh như Covid-19 hoặc cúm. Phân tích di truyền cho thấy các trường hợp hiện tại liên quan rất chặt chẽ với virus tìm thấy từ năm 2018 và 2019. BBC cho rằng còn quá sớm để khẳng định, nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy đây là biến chủng mới.

Nhưng virus không nhất thiết phải đột biến mới gây bùng dịch, sau khi thế giới chứng kiến đợt bùng phát lớn bất ngờ của cả virus Ebola và Zika trong thập niên qua. Giáo sư Adam Kucharski từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết: “Chúng tôi từng nghĩ rằng Ebola rất dễ kiểm soát”.

Làm thế nào để phòng tránh mắc bệnh?

Việc chủng ngừa bệnh đậu mùa diện rộng trong quá khứ sẽ mang lại một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Mặc dù vậy, thế giới vẫn sẽ ghi nhận thêm các ca mắc căn bệnh này.

“Bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh hơn so với bệnh đậu mùa, nhưng chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu nó sẽ lan rộng”, tiến sĩ Adler nói.

Vương quốc Anh bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế bằng vaccine đậu mùa. Chính phủ Mỹ cho biết họ có đủ vaccine đậu mùa lưu trữ trong Kho dự trữ Quốc gia Chiến lược (SNS) để tiêm chủng cho toàn bộ dân số.

Người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết có những loại thuốc kháng virus cho bệnh đậu mùa cũng có thể sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa khỉ trong một số trường hợp nhất định.

Các quan chức y tế nói rằng mọi người nên tránh tiếp xúc gần với người có nốt phát ban hoặc không khỏe. Đối tượng nghi ngờ bản thân bị mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly và đi khám.

“Virus không có gì lạ và bất ngờ”, Angela Rasmussen – nhà virus học tại Tổ chức vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan ở Canada – cho biết.

Bà Rasmussen cho biết một số yếu tố bao gồm nhu cầu du lịch toàn cầu tăng cao cũng như biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh sự xuất hiện và lây lan của virus. Thế giới cũng cảnh giác hơn về những đợt bùng phát mới dưới bất kỳ hình thức nào sau đại dịch Covid-19, bà nói.

Tình huống hiện tại khác với khi thế giới phát hiện Covid-19. Bệnh đậu mùa khỉ là loại virus đã được biết đến chứ không phải là loại virus mới, và đã có vaccine và phương pháp điều trị.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan chậm hơn Covid-19, triệu chứng cũng dễ nhận biết hơn: Nốt phát ban đặc biệt và gây đau đớn, so với cơn ho dễ nhầm lẫn với bất cứ bệnh nào khác của Covid-19. Do đó, việc truy vết ca tiếp xúc gần và tiêm chủng cho người có nguy cơ mắc bệnh cũng dễ dàng hơn.