Duy trì nhịp đập của Mê Công bằng cách nào?

Chuyển từ phát triển thủy điện sang năng lượng mặt trời chính là lời khuyên mà chuyên gia Brian Eyler và Courtney Weatherby đến từ Trung tâm Stimson dành cho Campuchia nếu quốc gia này muốn bảo vệ hồ Tonle Sap – ngư trường nước ngọt lớn nhất thế giới, nơi cũng được coi là nhịp tim của lưu vực Mê Công.

Hồ Tonle Sap, Campuchia (Ảnh: Teseum)

Mê Công thường được miêu tả bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Bản đồ cho thấy trên hành trình 4.500 km từ Himalaya ra biển, dòng sông chảy xuôi về phía tây nam Trung Quốc, sau đó hình thành biên giới qua Lào, Myanmar, Thái Lan trước khi chia cắt Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam.

Tuy nhiên, sông Mê Công có một điểm xuất phát khác: hồ Tonle Sap ở Campuchia. Mỗi năm, cuộc sống bắt nguồn từ hồ, chủ yếu dưới dạng một quần thể cá khổng lồ di cư đến các nhánh xa xôi của hệ thống sông cả ở thượng và hạ nguồn.

Cuộc di cư hằng năm cung cấp nguồn chất đạm thường ngày cho hàng chục triệu hộ gia đình trên khắp lưu vực. Trong khi tổng sản lượng đánh bắt từ ngư trường hoang dã ở tất cả các hồ và sông ở Bắc Mỹ là 160.000 tấn, mỗi năm hệ thống sông Mê Công sản xuất 2,6 triệu tấn. Riêng Tonle Sap đóng góp khoảng 500.000 tấn, bao gồm 75% lượng protein của người Campuchia, biến nó thành ngư trường nước ngọt lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên giàu có này đang bị đe dọa bởi việc xây đập ở thượng nguồn, hoạt động đánh bắt quá mức, sản xuất nông nghiệp thiếu kiểm soát và biến đổi khí hậu.

Người dân phân loại cá đánh bắt được từ hồ Tonle Sap (Ảnh: Julia Maudlin)

Vấn đề từ các con đập

Stimson gần đây đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu về tác động từ các hoạt động của con người ở góc độ rộng hơn, đồng thời cung cấp các lộ trình phát triển thay thế nhằm tối ưu hóa sự đánh đổi giữa nước, năng lượng và sản xuất lương thực. Những cách tiếp cận này bao gồm việc lập kế hoạch năng lượng và nước trên toàn lưu vực, đồng thời kết hợp sâu hơn các nguồn năng lượng tái tạo không phải là thủy điện vào tổng hòa năng lượng của Campuchia trong tương lai. Đây cũng là phương thức có thể giúp tránh được sự phân mảnh ngược dòng giữa hồ Tonle Sap và phần còn lại của hệ thống sông Mê Công. Bằng cách này, có thể duy trì được gió mùa hoạt động ổn định mỗi năm giúp đảo hướng dòng sông, làm thoát nước hồ và chuyển lượng nước gấp 70 lần cùng chất hữu cơ và cá trở lại hồ.

Điều này vô cùng quan trọng bởi lũ và thoát nước hàng năm của hồ hoạt động như nhịp tim bơm sự sống đi khắp lưu vực Mê Công. Tuy nhiên, quá trình này hiện đang bị đe dọa bởi việc xây dựng các đập thủy điện và thủy lợi thượng nguồn hồ Tonle Sap ở Campuchia, Lào, Việt Nam và Trung Quốc trong hiện tại và cả tương lai. Các con đập và công trình xây dựng khác ngăn chặn hoặc làm giảm dòng chảy sông Mê Công, qua đó giảm cả lượng nước, cá và chất dinh dưỡng đi vào Tonle Sap mỗi năm, đồng thời cũng hạn chế khả năng cá tìm thấy sinh cảnh ở thượng nguồn.

Tính riêng ở Campuchia, sự kết nối của 11.000 km thuộc hệ thống sông Mê Công/Tonle Sap tại nước này đã bị giảm 31% khi xây dựng hai đập thủy điện và sáu hồ chứa thủy lợi.

Một trong hai đập thủy điện đó là Hạ Sesan 2 với công suất 400 MW, nằm ngay ngã ba sông Sesan và Srepok, khi được hoàn thành năm 2017, con đập đã cắt đứt hơn 3.300 km chi lưu đến phần còn lại của hệ thống sông Mê Công và hồ Tonle Sap. Các thang cá được nhà phát triển đập – là công ty quốc doanh Huaneng Hydrolancang của Trung Quốc lắp đặt – không đủ khả năng chứa được lượng cá đáng kể đối với một hệ thống sông có tới 30 tấn cá đi qua mỗi giờ vào cao điểm mùa di cư.

Hơn nữa, ngay cả khi một số loài cá vượt qua thang để đẻ trứng ở thượng nguồn, trứng và cá bột bị xung lũ sông Mê Công hàng năm cuốn trôi về phía hồ Tonle Sap ở hạ nguồn có thể sẽ chìm xuống và chết sau con đập khi dòng sông chảy chậm. Đánh giá của Guy Ziv và các đồng nghiệp năm 2013 đã xem xét tác động của các đập phụ trên hệ thống sông Mê Công, xác nhận Hạ Sesan 2 sẽ làm giảm hơn 9% quần thể cá Mê Công.

Nghiên cứu của Stimson cho thấy các nhánh của sông Mê Công đang bị xây đập mà không có kế hoạch toàn diện. Các nhánh sông bị xây đập (chứ không phải dòng chính) có thể làm giảm 60% kết nối giữa hồ Tonle Sap và phần còn lại của hệ thống sông Mê Công. Hơn nữa, việc xây dựng các đập dòng chính gây tranh cãi tại Sambor và Stung Treng sẽ triệt tiêu kết nối với Tonle Sap, xóa bỏ nhịp tim của hồ.

Nhiều con đập đang hiện diện ở Campuchia đã sẵn sàng khởi động thông qua các thỏa thuận ghi nhớ hoặc thỏa thuận ưu đãi với các nhà phát triển đập của Trung Quốc. Các khoản đầu tư của Trung Quốc trong những năm tới có thể tạo ra hoặc phá vỡ dòng Mê Công của Campuchia cũng như khả năng tồn tại của Tonle Sap cùng hàng chục triệu người mà hồ nuôi sống.

Việc quyết định xây dựng các đập ở phía trên đập Hạ Sesan 2 của lưu vực sông Mê Công thuộc Campuchia có thể là một lựa chọn thực dụng để bảo vệ hồ Tonle Sap. Tuy nhiên, nghiên cứu của Trung tâm Stimson cho thấy làm thế nào điều này có thể tạo ra hơn 1.000 MW công suất bổ sung trong khi tác động ròng bằng không đối với kết nối và năng suất thủy sản của Tonle Sap? Lời khuyên đưa ra là không nên cân nhắc các dự án phát triển kiểu này trừ phi đáp ứng được nhu cầu tái định cư của các cộng đồng thiểu số vùng cao ở thượng nguồn đập Hạ Sesan 2, nhất là khi hồ sơ theo dõi tái định cư của Campuchia là không đầy đủ.

Dân làng ở phía đông bắc Campuchia – nơi bị ảnh hưởng bởi đập Hạ Sesan 2 – kỷ niệm Ngày Quốc tế Hành động vì các Dòng sông (Ảnh: International Rivers)

Vành đai năng lượng mặt trời của khu vực?

Thêm một khuyến cáo từ các chuyên gia đến từ Stimson là thay vì mở rộng thủy điện phía trên các đập, Campuchia nên tập trung đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở các tỉnh, Mondulkiri và Ratanakiri hoặc khai thác công suất gió, mặt trời và sinh khối trên toàn quốc.

Giá điện ở Campuchia cao bậc nhất khu vực Đông Nam Á, tới 0,25 USD mỗi KWh ở khu vực thành thị trong khi cư dân nông thôn thường phải trả hơn 80 cent. Phần lớn lãnh thổ Campuchia vẫn dựa vào nguồn điện bằng máy phát chạy dầu hoặc nhập khẩu từ Việt Nam hay Thái Lan. Áp lực giảm giá điện, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, đã đặt Campuchia vào những lộ trình mới để mở rộng tổng hòa phát điện.

Cơ hội lớn nhất để đa dạng hóa tổng hòa năng lượng của Campuchia và không phát triển quá mức thủy điện nằm ở các nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện. Trên 65% diện tích Campuchia có mức độ chiếu xạ mặt trời trên 1.800 KWh/1 m2 nên tổng tiềm năng năng lượng mặt trời là 8.000 MW – rất đáng kể nếu đặt cạnh tiềm năng thủy điện là 10.000 MW. Theo nghiên cứu của ADB, tiềm năng gió của Campuchia có thể lên tới 6.500 MW.

Năm 2017, ADB công bố hỗ trợ cho nhà máy điện mặt trời quy mô thương mại đầu tiên ở Campuchia với công suất 10 MW và tiếp tục thông báo mời thầu nhà máy 100 MW vào tháng 6/2018. Kể từ đó, đầu tư năng lượng mặt trời đã trở thành chủ đề nóng. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 1/2019, Thủ tướng Hun Sen gặp gỡ nhà phát triển đập Huaneng Hydrolancang và ký thỏa thuận cho các dự án năng lượng mặt trời thay vì dự án thủy điện mới.

Trong khi Campuchia chưa đặt ra các mục tiêu khó khăn cho phát triển năng lượng mặt trời, các quy định và hướng dẫn mới trở nên khá rõ ràng với các nhà đầu tư. Ví dụ, những cơ sở dùng nhiều điện như các khu chung cư, nhà máy và các khu phức hợp lớn có thể lắp đặt năng lượng mặt trời (trên 5 MW) trong khi duy trì kết nối với lưới điện quốc gia.

Nhà máy xi măng Chip Mong Insee ở Kampot gần đây đã được lắp đặt 9,8 MW năng lượng mặt trời trên nóc nhà và lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên đất của công ty. Công ty điện lực Campuchia (Electrical du Cambodge) cũng đang xúc tiến mua năng lượng mặt trời từ các nhà sản xuất tư nhân. Điều này có thể dẫn đến mức độ phát điện phân tán cao trên cả nước và khuyến khích đầu tư cá nhân vào năng lượng mặt trời. Việc xây dựng Bộ luật môi trường quốc gia cũng dự kiến ​​sẽ hỗ trợ các hệ thống năng lượng mặt trời hộ gia đình và giảm thuế cho các công ty sử dụng năng lượng mặt trời.

Bên cạnh luật lệ, đất đai là thách thức lớn để phát triển thêm năng lượng mặt trời. “Nhượng địa kinh tế” cho các nhà đầu tư nước ngoài, hầu hết là người Trung Quốc, từ lâu đã gắn liền điều tiếng thu hồi đất. Một vài khu đất ưu đãi đã bị thu lại do thiếu sự phát triển và các quy trình phân phối lại của chính phủ, một số khác vẫn nằm im vì giá hàng hóa nông nghiệp thấp trong những năm gần đây. Một phần của những khu đất bỏ hoang này lẽ ra nên được sử dụng cho các nhà máy điện mặt trời, đặc biệt là những khu đất ở gần khu vực có nhu cầu điện cao.

Có một thực tế là hầu hết các khu đất đai này đều nằm ở khu vực nhận được bức xạ mặt trời cao, thuận lợi cho việc triển khai quang điện mặt trời.

Với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác phát triển, hầu hết các quốc gia trong khu vực Mê Công đang chú trọng đến năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo phi thủy điện. Mặc dù tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc giảm phát thải các-bon ngày càng được hiểu rõ, vai trò của năng lượng tái tạo phi thủy điện trong cải thiện các dịch vụ hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu như nước và đánh bắt cá nước ngọt vẫn bị đánh giá thấp.

Báo cáo của Trung tâm Stimson cho thấy Campuchia có thể phát triển ngành điện như thế nào với tầm nhìn cấp lưu vực để không chỉ bảo tồn nghề cá của hồ Tonle Sap mà còn cung cấp một lộ trình cho nước này vươn lên thành quốc gia trong các nỗ lực bảo tồn và bền vững.

Nhật Anh (Theo chinadialogue)

Nguồn: