Mở rộng quyền hạn điều tra của hải quan, kiểm lâm?

ThienNhien.Net – Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó, đáng lưu ý là những ý kiến đề nghị mở rộng quyền hạn điều tra của cơ quan Hải quan, Kiểm lâm…

Những bất cập sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự

Ngày 20/8/2004 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2004, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2006, 2009 (gọi chung là Pháp lệnh năm 2004).

Thực hiện quy định của Pháp lệnh năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức và hoạt động Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã ngày càng đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Ảnh minh họa: VnMedia
Ảnh minh họa: VnMedia

Từ năm 2005 đến tháng 6/2013, các cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 696.651 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; từ kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tự phát hiện hành vi phạm tội trong khi thi hành nhiệm vụ đã tiến hành khởi tố 612.017 vụ án hình sự với 955.088 bị can.

Riêng đối với cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát với điều tra theo tố tụng hình sự, khắc phục sự chia cắt giữa điều tra tố tụng và hoạt động nghiệp vụ trinh sát; hệ thống Cơ quan điều tra được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nhằm điều tra, đấu tranh có hiệu quả với từng loại tội phạm, do vậy, chất lượng, hiệu quả điều tra đã ngày càng được nâng cao. Hoạt động của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân đã thực hiện thẩm quyền điều tra theo quy định tăng thẩm quyền tại các Nghị quyết số 523/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 29/4/2004, Nghị quyết số 1036/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006, Nghị quyết số 293A/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 27/9/2007, Nghị quyết số 720/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 25/12/2008 và Nghị quyết số 781/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 13/5/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự cho các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Tòa án quân sự khu vực.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện đã đảm nhiệm giải quyết trên 88% số vụ án hình sự xảy ra, tạo điều kiện để Cơ quan điều tra cấp trên có điều kiện tập trung điều tra những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án khác thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Công an cấp huyện nhưng cần trực tiếp điều tra; đồng thời, tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tổng kết, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho Cơ quan điều tra cấp huyện. Bên cạnh đó, việc tổ chức Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động điều tra vụ án hình sự ngay từ khâu tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho đến khi kết thúc điều tra; tạo thuận lợi để Kiểm sát viên nắm vững nội dung, diễn biến, tình tiết của vụ án để thực hành quyền công tố tại phiên tòa, góp phần tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự, sau 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác điều tra hình sự trong tình hình mới. Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước, bộ máy các cơ quan tư pháp, các quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Pháp lệnh năm 2004 cũng chưa có quy định về quản lý thống nhất công tác điều tra hình sự nên đã dẫn đến tình trạng Bộ, ngành nào quản lý Cơ quan điều tra thì Bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn riêng, thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, về bổ nhiệm, miễn nhiệm Điều tra viên; không có cơ quan làm đầu mối thống kê báo cáo tình hình quản lý, tổ chức và kết quả hoạt động điều tra hình sự nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nên mở rộng quyền điều tra cho cơ quan hải quan, kiểm lâm?

Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 9 chương, 56 điều. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, có một số ý kiến như sau:

Có ý kiến đề nghị mở rộng quyền hạn điều tra của cơ quan Hải quan, Kiểm lâm theo hướng, bổ sung quyền bắt khẩn cấp, tạm giữ và quyền hạn điều tra đối với một số tội khác. Quán triệt chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 92-KL/TW, đồng thời, nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm và tính khả thi trên thực tế, dự thảo Luật không quy định quyền hạn của cơ quan Hải quan, Kiểm lâm theo hướng mở rộng nêu trên.

Có ý kiến đề nghị quy định cơ quan kiểm ngư, quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; nhưng dự thảo Luật không quy định vì Kết luận số 92-KL/TW không chỉ đạo bổ sung các cơ quan này là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mặt khác Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp đó là: “Phân biệt thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tố tụng”, “xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra theo hướng cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự, các cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và tiến hành một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách”.

Theo quy định, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù, những địa bàn, khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà khi vụ án hình sự xảy ra Cơ quan điều tra chưa thể tiếp cận ngay được.

Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống Cơ quan điều tra, nhất là Cơ quan Cảnh sát điều tra đã được tổ chức ở hầu hết đơn vị hành chính cấp huyện, tiến tới sẽ được tổ chức ở 100% đơn vị hành chính cấp huyện. Như vậy, có thể thấy, ở đâu có nhân dân ở đó có Công an và Cơ quan điều tra để làm nhiệm vụ điều tra, xử lý tội phạm, kể cả những khu vực biên giới, hải đảo. Hoạt động tư pháp hình sự nói chung và điều tra vụ án hình sự nói riêng có liên quan đến các quyền con người, cần do những cơ quan chuyên trách thực hiện để hạn chế các vụ án oan, sai, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, việc duy trì các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong bối cảnh hiện nay vẫn là cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động xác minh, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thuế, chứng khoán là hoạt động “tĩnh”, chủ yếu làm việc tại văn phòng, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu do đối tượng kiểm tra cung cấp, không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra tội phạm. Trụ sở của các cơ quan này nằm tại các khu vực trung tâm, nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì việc phối hợp và bàn giao người bị nghi là phạm tội và hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra có nhiều thuận lợi. Theo đó, không cần thiết giao cho các cơ quan này thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.