Phương pháp định giá tài nguyên nước

ThienNhien.Net – Tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm trước nhu cầu sử dụng tăng cao cũng như do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc định giá tài nguyên nước rất quan trọng nhằm thấy rõ giá trị kinh tế của nước, dù là giá trị sử dụng hay giá trị phi sử dụng.

Tài nguyên nước

Theo các nghiên cứu, nước bao phủ 69% trái đất. Tuy nhiên, 97,5% nước trên Trái Đất là nước muối, chỉ 2,5% còn lại là nước ngọt, nhưng khoảng 69% lượng nước này tồn tại ở dạng và các ở các. Phần còn lại không đóng băng được tìm thấy chủ yếu là nước dưới đất (gần 30%). Lượng nước mặt ở các sông hồ chỉ chiếm 0,3% trong số 2,5% này. Tổng lượng nước mặt trên thế giới hay ở các sông hồ ê trên là 93 nghìn km3. Trong khi nước dưới đất có trữ lượng khoảng hơn 10 triệu km3, gấp hơn 10 lần so với lượng nước mặt.

Đối với tài nguyên nước ở Việt Nam, tổng lượng nước mặt bình quân năm ở Việt Nam khoảng 830 tỉ m3 trong đó hơn 60% nguồn nước mặt được sản sinh ở nước ngoài, chỉ có khoảng 309 tỉ m3 mỗi năm trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, vào mùa khô lượng nước mặt chỉ đạt khoảng 20 – 30% lượng nước mặt của cả năm. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất chưa kể các hải đảo ước tính khoảng 60 tỷ m3/năm. Trữ lượng nước ở giai đoạn tìm kiếm thăm dò sơ bộ mới đạt khoảng 8 tỷ m3/năm (khoảng 13% tổng trữ lượng).

Ngoài ra, nước mặt phân bổ không đồng đều theo khu vực cũng như theo mùa. Mùa khô thì thiếu nước gây ra hạn hán, mùa mưa lại thừa nước gây ra lũ lụt. Nếu kể cả nước mặt và nước dưới đất trên phạm vi lãnh thổ thì bình quân đầu người tại Việt Nam đạt 4.400 m3/người/năm (thế giới là 7.400 m3/người/năm).

Theo chỉ tiêu đánh giá của Hiệp hội tài nguyên nước quốc tế IWRA (quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người thấp hơn 4.000 m3/người/năm thì bị xem là quốc gia thiếu nước) thì Việt Nam sẽ là quốc gia thiếu nước trong tương lai rất gần.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Một số phương pháp định giá cơ bản

Đứng trước tình hình nước ta sẽ thiếu nước hoặc do bị phụ thộc vào lượng nước được sản sinh từ nước ngoài hoặc do những thay đổi của khí hậu toàn cầu, trong những năm gần đây, rõ ràng việc định giá tài nguyên nước thực sự trở nên cần thiết để qua đó xác định được giá trị của nó, áp dụng các công cụ kinh tế giúp các nhà quản lý cũng như là những người sử dụng nhận thức rõ về giới hạn của tài nguyên nước và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số phương pháp định giá tài nguyên nước:

Định giá theo nhu cầu sử dụng

Giá trị kinh tế của nước được tính cho 2 nhóm hay hộ sử dụng nước chính gồm:

Hộ gia đình sử dụng nước cho sinh hoạt: Lượng nước sử dụng cho sinh hoạt được tính trên 2 cách hoặc theo mức khoán đầu người sử dụng theo ngày theo tiểu chuẩn của Tổ chức Liên Hợp quốc là 20 – 50 lít/ngày. Hoặc theo đồng hồ đo nước tiêu dùng của cả hộ gia đình và nhân với một đơn giá của một đơn vị sử dụng (thường tính là số tiền/m3).

Với mức khoán theo đầu người thì số người trong gia đình và đặc biệt là độ tuổi khác nhau của các thành viên sẽ được tinh mức khoán sử nước bình quân hàng ngày khác nhau. Giá tính toán cho lượng nước tiêu thụ được áp dụng thep phương pháp sẵn lòng chi trả để tránh bị hạn chế dùng nước hay còn là phương pháp WTP ( Willingness to pay)

Hộ sản xuất sử dụng nước trong công nghiệp: Trong nhóm hộ sản xuất này, thủy điện cần một khối lượng nước rất lớn để tạo ra điện và một số ngành công nghiệp khác cũng sử dụng một lượng lớn nước để làm mát. Nước sử dụng trong công nghiệp được coi là đầu vào sản xuất (vốn hoặc năng lượng). Thông thường, các doanh nghiệp sẽ cố gắng giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao nâng cao hiệu suất đầu ra.

Trước đây, cách tính giá trị kinh tế của nước chỉ đơn giản là sử dụng bao nhiêu nước đầu vào sẽ nhân với từng ấy với giá mua nước và cộng vào với các chi phí nguyên liệu đầu vào khác cùng chi phí phân công và các chi phí khác để ra giá thành sản xuất. Qua đó có thể tính toán giá trị của nước trên tổng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, với công nghệ ngày càng hiện đại, bản thân nước sử dụng trong mỗi doanh nghiệp nhiều khi được tái sử dụng nhiều lần làm cho giá trị kinh tế của nước tăng lên. Có thể tính toán giá trị kinh tế của nước đóng góp cho sản xuất qua hàm sản xuất như sau: Y = f (x1, x2, …,xn) trong đó: x là đại diện cho số lượng của vật liệu đầu vào i dùng để sản xuất ra Y sản phẩm.

Ngoài ra, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tổ chức lưu vực sông có vai trò quan trọng và có quyền lực thường quy định mức phí mà các ngành công nghiệp hoặc công ty là thành viên của tổ chức LVS phải trả khi dùng nước và gọi là phí nước công nghiệp (industrial water charge).

Định giá theo nguồn cung

Định giá theo dịch vụ cấp nước

Giá trị kinh tế của nước sẽ được tính vào 3 giai đoạn khai thác và xử lý nước như sau. Giai đoạn khai thác nước: Biểu phí (tariff) khai thác tài nguyên nước được quy định theo các văn bản pháp quy của Chính phủ và khác nhau giữa các vùng và các quốc gia. Ví dụ như ở Châu Âu sẽ căn cứ theo Chỉ thị khung châu Âu về nước ( Water Framework Directive)

Giai đoạn xử lý nước: Mỗi loại nước sau khi được khai thác sẽ cần phải được xử lý để có thể sử dụng làm nước sạch dùng cho sinh hoạt và sản xuất được. Nước ngầm sẽ cần ít chi phí nhất để xử lý thành nước sạch vì vậy, giá trị kinh tế của nó về mặt chi phí xử lý là cao nhất. Tiếp đó là đến xử lý nước mặt và cuối cùng là nước biển. Xử lý nước biển là đắt nhất vì đây lá quy trình xử lý theo phương pháp thẩm thấu ngược rất phức tạp.

Cấp nước đến các hộ sử dụng nước: Việc cấp nước đến hộ sử dụng được tính toán dựa trên các chi phí đầu tư về đường ống, trang bị đồng hồ đo và lượng điện sử dụng dùng để truyền tải nước đến các hộ sử dụng nước. Theo nghiên cứu, sản xuất chứa nước tại chỗ nhiều khi không tốn kém bằng các chi phí để truyền tải nước.

Phương pháp này rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng đang áp dụng cách tính này.

Định giá theo dịch vụ xử lý nước thải

Thu gom nước thải: Các quốc gia phát triển đều có hệ thống thu gom nước thải tập trung để đưa về nhà máy xử lý nước thải. Chi phí thu gom nước thải cũng khá tốn kém cho dù các hệ thống này cố gắng được thiết kế là để tự chảy là chính. Ở các quốc gia phát triển hoặc trong các khu công nghiệp ở các quốc gia thì chi phí xây dựng hệ thống thu gom và truyền tải nước thải về nhà máy xử lý nước sẽ do các hộ tiêu dùng nước bỏ ra. Tuy nhiên ở các quốc gia đang phát triển nhiều khi hệ thống này là do Nhà nước trợ cấp xây dựng.

Xử lý nước thải đổ bùn đất sau khi xử lý: Xử lý nước thải liên quan đến việc loại bỏ các chất thải rắn và các chất hữu cơ ra khỏi nước thải và được thực hiện qua nhiều cấp từ sơ cấp đến cao cấp. Các chi phí xử lý này được phân bổ cho các hộ sử dụng (sinh hoạt và công nghiệp) chỉ trả và thường được tính toán khác nhau dựa trên mức đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải của vùng thông qua sự giám sát của các chính quyền thành phố. Xử lý nước thải là một thị trường khá cạnh tranh ở các nước phát triển.

Hiện tại, việc thu gom xử lý nước thải ở Việt Nam chủ yếu là do Nhà nước hỗ trợ và người dân không phải chi trả dịch vụ này.

Tính giá trị của nước bằng phương pháp lượng giá cảnh quan môi trường

Có thể sử dụng phương pháp lượng giá cảnh quan môi trường để tính giá trị kinh tế của tài nguyên nước cùng với các tài nguyên liên quan khác tạo ra cảnh quan này. Với phương pháp không thể tách riêng được giá trị kinh tế của nước mà chỉ có thể thấy tổng giá trị cảnh quan trong đó có tài nguyên nước đóng góp lên giá trị của cảnh quan đó.

Ví dụ: cảnh quan hồ Ba Bể, Hồ Núi Cốc… có cả tài nguyên nước và tài nguyên rừng, hệ sinh thái bao gồm trong đó. Để lượng giá cảnh quan môi trường, người ta thường áp dụng phương pháp “Chi trả phí du lịch” (TCM) để tính giá trị cảnh quan.

Đối với phương pháp này, cần phải tính được một số tham số sau: Tỉ lệ lượng khách du lịch, ước lượng chi phí du lịch (chi phí đi lại, chi phí thời gian và chi phí khác).

Để có thể xác định được giá trị cảnh quan du lịch thì phải thiết lập được mối tương quan giữa tỷ lệ du khách và chi phí du lịch theo vùng và đường cầu du lịch như sau: Coi tỷ lệ du khách của mỗi vùng (VR) là biến độc lập và tổng chi phí trung bình cho cả chuyến đi của du khách là (TC) là biến phụ thuộc, nghiên cứu đã tiến hành phân tích hồi quy tương quan theo 2 dạng: Hồi quy đường thẳng tuyến tính VR = a + bTC.

Dựa trên hàm hồi quy (dạng đường thẳng) thể hiện mối quan hệ giữa lượng khách du lịch và chi phí du lịch theo vùng, nghiên cứu đã tiến hành xây dựng đường cầu về du lịch cho các điểm nghiên cứu.

Trong phương pháp TCM, phần diện tích nằm phía dưới đường cầu được sử dụng để ước lượng giá trị cảnh quan của điểm du lịch. Bằng cách nội suy kéo dài đường cầu du lịch để tìm ra các điểm cắt của chúng với trục tung (trục tổng chi phí) và trục hoành (trục lượng khách) có thể dễ dàng tính được diện tích tam giác được tạo bởi đường cầu du lịch và các trục của đồ thị.

Ngoài ra còn cần tính toán mức sẵn lòng chi trả (WTP) của du khách cho bảo vệ cảnh quan thông qua phỏng vấn bằng bản hỏi. Các du khách phỏng vấn đều được hỏi về mức sẵn lòng của họ cho việc chi trả để duy trì và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên theo năng lực kinh tế và thu nhập của họ. Mức sẵn lòng trả của du khách được coi là một sự “định giá” giá trị cảnh quan của điểm du lịch theo ý kiến cá nhân của khách tham quan.

Tính giá trị của nước trong sản xuất qua dấu chân nước và nước ảo

Nước ảo là nước cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, và dấu chân nước là một chỉ số đa chiều, không đo đếm, chỉ là lượng nước sản xuất ra một đơn vị sản phẩm mà nó có thể cho biết dấu chân nước ở vùng nào, nguồn nước nào dược sử dụng và thậm chí là khi nào nước được sử dụng. Ta có thể tính được dấu chân nước của một cá nhân, một doanh nghiệp, cộng đồng…

Ngày nay, hiện tượng nhập hàng hóa từ các quốc gia khác về tiêu dùng trong nước được gọi là “nhập siêu nước ảo”. Ngược lại với việc xuất khẩu hàng hóa sang nước khác được gọi là “xuất siêu nước ảo”. Nhiều quốc gia khan hiếm nước đang tích cực nhập siêu nước ảo vì họ đã tính được giá trị kinh tế của nước ảo và dấu chân nước trong quá trình sản xuất và quyết định nhập siêu nước ảo để bảo vệ tài nguyên nước ngày càng khan hiếm.

ThS. Nguyễn Đức Vinh, Đại sứ quán Thụy Điển