Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông ở Hà Nội: Tăng tiến độ triển khai

Biến đổi khí hậu khiến mưa, lũ diễn biến bất thường, lần đầu tiên hồ thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả đáy để bảo đảm an toàn hồ, đập. Mưa lớn cộng thêm lũ trái mùa từ rừng ngang đổ về làm mực nước sông Tích, sông Bùi vượt báo động III, dìm hàng nghìn ngôi nhà, hàng trăm héc ta hoa màu ở huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức ngập trong biển nước, thiệt hại lớn về tài sản, công trình hạ tầng của nhân dân và Nhà nước… Thực tế này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và triển khai Quy hoạch phòng, chống lũ cho từng tuyến sông trên địa bàn thành phố.

Gia cố đê sông Đáy đề phòng mưa lũ.

Tuân thủ đúng quy hoạch

Nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, TP Hà Nội có nhiều sông lớn chảy qua, mang lại lợi thế lớn cho Thủ đô trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng… Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi dày đặc cũng đặt ra những thách thức lớn cho Hà Nội trong công tác phòng, chống lũ lụt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ rệt, thời tiết cực đoan, dị thường diễn biến phức tạp… Để nâng cao năng lực phòng, chống lũ lụt, giảm thiệt hại thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều trên hệ thống sông Đáy. Đây là quy hoạch khung và là cơ sở để TP Hà Nội lập và điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, sử dụng đất, xây dựng công trình trong lưu vực sông…

Triển khai các quy hoạch trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã, đơn vị đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao. Hiện chỉ còn chờ ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội để hoàn chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND thành phố trước khi trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm, dự kiến tháng 11 tới. Để quy hoạch bảo đảm khả thi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức hội nghị và lấy ý kiến của các bộ liên quan; các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố; các tỉnh lân cận và đạt sự đồng thuận cao…

Bảo đảm tính bền vững

Trên cơ sở điều tra, khảo sát thực tế, khớp nối các loại quy hoạch, Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, thỏa thuận, cho phép nạo vét 8 bãi dọc bờ tả và bờ hữu sông Hồng… Sau khi điều tra, khảo sát các khu vực dân cư; căn cứ kết quả tính toán mô hình thủy lực hai chiều trên vùng bãi sông Hồng, sông Đuống, Hà Nội đề xuất di dời 2.204 hộ dân sinh sống ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, lòng sông co hẹp và có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra lũ lớn…

Bên cạnh đó, Hà Nội đề xuất xây dựng 7 tuyến giao thông kết hợp đê bao bảo vệ khu dân cư, khu đô thị vùng bãi, với cao trình bảo đảm chống lũ ở mức báo động II (tương ứng cao trình mặt đường ở Trạm thủy văn Hà Nội là 11m). Đó là các tuyến Chu Phan – Đại Độ, Tầm Xá – Xuân Canh, Chương Dương – Xuân Quan… với tiêu chuẩn đường giao thông cấp đô thị rộng 50m. Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch là 56.904 tỷ đồng, chia thành giai đoạn 1 đến năm 2025 là 27.100 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2025 là 26.800 tỷ đồng. Kinh phí sẽ huy động từ các nguồn: Ngân sách trung ương, địa phương, vốn ODA, vốn xã hội hóa…

Chấp thuận đề xuất trên của TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, đã giao các đơn vị liên quan xem xét, thỏa thuận, giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và triển khai quy hoạch. Trong giai đoạn triển khai quy hoạch, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị TP Hà Nội đặc biệt lưu ý việc xây dựng các tuyến đường kết nối phải bảo đảm nguyên tắc không gian chứa lũ. Đối với khu vực bãi sông không được phép xây dựng có thể sử dụng làm công viên cây xanh. Đối với khu vực cho phép xây dựng, cần nghiên cứu bảo đảm theo hướng an toàn.

“Ứng xử với các dòng sông, các địa phương nên tôn trọng nguyên tắc: Chỉnh trị để sông chảy theo hướng thuận, sau đó là cứng hóa theo hướng đã chỉnh trị, không nên tính toán theo hướng hiện trạng…”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý thêm.