Quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ về việc sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Theo đó, kinh phí quản lý được trích tối đa 0,5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm, tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 (bao gồm cả tiền lãi thu được từ số tiền bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chậm trả và lãi tiền gửi từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng), để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ.
Số tiền còn lại sau khi trích kinh phí quản lý, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều tiết cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mức chi hoạt động nghiệp vụ, chi quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp pháp luật chưa có quy định mức chi, Quỹ căn cứ khả năng tài chính xây dựng mức chi phù hợp, quyết định việc chi tiêu và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về cơ chế tài chính của Quỹ: Quỹ thực hiện theo cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành.

Về sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh): Kinh phí quản lý được trích tối đa 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực nhận trong năm, để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ và hỗ trợ chi phí quản lý đối với các đơn vị, tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao hỗ trợ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ chi trả (nếu có). Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Kinh phí dự phòng được trích tối đa 5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực nhận trong năm.

Về sử dụng tiền đối với chủ rừng, dự thảo quy định, chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.

Chủ rừng là tổ chức không khoán bảo vệ rừng hoặc khoán một phần diện tích, phần diện tích còn lại chủ rừng tự bảo vệ thì toàn bộ số tiền nhận được tương ứng với diện tích rừng tự bảo vệ được coi là nguồn thu của chủ rừng, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức.

Dự thảo cũng đề xuất về công khai tài chính. Cụ thể, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, các đơn vị, tổ chức được giao hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi trả, chịu trách nhiệm công khai danh sách đối tượng được chi trả, số tiền được chi trả, kế hoạch chi trả hàng quý, hàng năm theo Quy chế dân chủ tại cơ sở bằng các hình thức sau: Niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại nơi họp cộng đồng dân cư thôn, bản hoặc nơi công cộng thuận lợi nhất để người dân tiện theo dõi; thông báo bằng văn bản, hệ thống truyền thanh của xã, thôn, bản hoặc công bố trong hội nghị nhân dân của xã, thôn, bản.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.