Sóng ngầm Sông Lô – Kỳ 3: Minh bạch hóa thông tin

Người dân bức xúc cho rằng, tàu cuốc khai thác cát khiến nhiều diện tích soi bãi bị sạt lở. Thế nhưng, ông Phạm Văn Tính, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang) lại cho rằng, tàu chỉ neo đậu trên khu vực mỏ được cấp phép, chứ không khai thác (?).

Lợi nhuận cao, các đơn vị khai thác cát, sỏi không ngần ngại phá vỡ những quy định của pháp luật. Người dân không còn cách nào khác, sau những kiến nghị lên xã, lên huyện, thậm chí lên tỉnh, nhưng không được giải quyết thấu đáo, thì họ mất kiểm soát, dùng mọi thứ có trong tay để chống đối lại việc thác cát, sỏi kia. Ban đầu là yêu cầu, sau thì chửi bới, ném đá rồi dẫn đến việc đốt tàu khai thác cát, thậm chí là hành hung công nhân vận hành tàu khai thác cát, sỏi.

Hàng trăm ha đất nông nghiệp mầu mỡ dọc hai bờ dọc Sông Lô thuộc địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc bị xóa sổ (Ảnh: TTXVN)

Tại Phú Thọ, hẳn dư luận chưa quên, ngày 7/4/2016, tại thôn Long Châu, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã có một phen náo động, bởi việc người dân nơi đây tự ý bắt giữ một tàu cuốc, một phao cẩu của Công ty Thái An, sau đó dùng xăng đốt luôn tàu cuốc.

Theo người dân ở đây, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do những chiếc tàu này thường xuyên hút, nạo vét trộm cát sỏi trên dòng sông Lô thuộc địa phận của thôn, gây sạt lở bờ bãi, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Mặc dù người dân đã cảnh báo nhiều lần, nhưng đơn vị này vẫn tiến hành khai thác cát, khiến người dân vô cùng bức xúc và đã để xảy ra sự việc trên.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân của sự việc này là do trong mấy năm gần đây, việc khai thác khoáng sản dưới lòng sông dẫn đến việc sặt lở đất đai hoa màu của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp sinh hoạt khu dân cư. Dân cho rằng đơn vị khai thác cát sỏi đã khai thác cả ngày cả đêm, ngoài vị trí mỏ được cấp phép và lấn sang địa giới của xã Vĩnh Phú.

Bên cạnh việc khai thác quá mức cho phép, theo phản ánh của một số hộ dân ở khu 1, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một số doanh nghiệp còn dọa nạt người dân quanh khu vực khai thác, ngang nhiên thuê “đầu gấu” đến để dằn mặt người dân. Nhiều hộ dân có đất soi bãi buộc phải bán cho doanh nghiệp, bởi nếu không bán thì đất cũng bị sạt lở mất.

Tại Tuyên Quang, tình trạng người dân bức xúc tụ tập phản đối các doanh nghiệp khai thác cát sỏi cũng xảy ra. Điển hình là ngày 8/8/2017,  người dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn cho rằng, đơn vị này khai thác cát sỏi gần bờ, gây sạt lở đất nông nghiệp, nên đã đốt chiếc tàu cuốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại dịch vụ Toàn Thắng.

Ông Nguyễn Hữu Minh, thôn Vân Giang, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Tàu cuốc khai thác cát sỏi này làm sạt lở rất nhiều diện tích đất soi bãi của chúng tôi. Người dân chúng tôi rất là bức xúc, rất nhiều lần chúng tôi gọi tàu sang để đàm phán, nhưng mà các anh ấy vẫn cố tình khai thác. Thậm chí, cũng đã có những lần chúng tôi tổ chức dân ra đuổi tàu, nhưng mà cũng chỉ được một vài hôm các anh ấy lại hoạt động lại”.

Người dân bức xúc, cho rằng tàu cuốc khai thác cát khiến nhiều diện tích soi bãi bị sạt lở, thế nhưng đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, ông Phạm Văn Tính, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản lại cho rằng tỉnh đã tạm dừng việc khai thác tàu cuốc, đơn vị này chỉ neo đậu trên khu vực mỏ được cấp phép, chứ không khai thác (?).

Mỗi ngày hàng loạt sà lan đưa cát về vùng xuôi tiêu thụ (Ảnh: TTXVN)

Nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự đang hiện và bài toán phát triển hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích chính đáng của người dân vẫn là câu hỏi lớn cần giải đáp từ các cơ quan chức năng.

Trao đổi với những người dân ở gần khu vực được cấp mỏ cát, đa số đều mong muốn, sau khi được cấp thẩm quyền cấp phép, các doanh nghiệp nên công bố công khai giấy phép khai thác khoáng sản đến người dân trong khu vực. Đặc biệt là công khai về vị trí mỏ, diện tích mỏ, số lượng và chủng loại các phương tiện đăng ký khai thác, trữ lượng khai thác, trong quá trình khai thác phải có phao báo chỉ giới… để người dân tham gia giám sát việc chấp hành của doanh nghiệp.

Hơn bao giờ hết, công tác quản lý khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát sỏi nói riêng cần được siết chặt hơn nữa, cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Để dân là cầu nối, và trực tiếp giám sát cho chính quyền, thì các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đối với những khu vực giáp ranh, các tỉnh có liên quan cần xây dựng phương án phối hợp nhằm đảm bảo việc khai thác khoáng sản được diễn ra nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.