Sông Cái mùa nước cường

ThienNhien.Net – Làng tôi nằm kề bên con sông lớn nhất của Đại Việt xưa. Tên chữ của sông là Hồng Hà, nhưng dân làng tôi từ tấm bé cho đến bạc đầu quen gọi là sông Cái.

Thấy bảo sông Cái có từ hàng triệu năm nay và phù sa của nó đã bồi đắp nên vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ, trong đó có đồng làng tôi. Đồng làng tôi trước kia mênh mông, thẳng cánh cò bay, hai ba thập niên nay co thắt lại. Giờ làng lên phường rồi, cánh đồng bao la xanh mướt khi mạ bén chân và vàng sẫm khi vào vụ gặt giờ lô nhô nhà cao tầng, vài mảnh ruộng còn lại bị bóp nghẹn loe hoe như mảnh tã rách của trẻ con nghèo. Lắm lúc đi giữa đồng mà nhớ đồng đến thắt ruột.

Còn với dòng sông Cái, ra Tết, tháng Giêng hai mùa nước cạn, sông thót lại chỉ còn dòng chính. Bãi giữa phù sa nổi lên mịn màng, nâu bóng. Tôi lẫm chẫm theo mẹ lội qua rẻo nước nhỏ như thắt lưng ra bãi nhói ngô, gơ dây rau lang. Tháng tư, tháng năm mùa nước cường, mỗi chiều về, khi thì ngồi bần thần bên gảnh đỉnh chờ phao câu động, rình con cá chép tức trứng vật đẻ ở mấy cành rong bên bờ, nâng cần lôi chú bống sông tham mồi, quyết không nhả kể cả lúc bị giật lên đã bung bênh, ngọ nguậy giữa không trung, khi thì lặn ngụp ì oạp trên mặt sông đầy bọt vớt củi rều trôi từ vùng thượng du xuống.

Hồi tôi bé thì như đã thành lệ của đất trời, năm nào cũng như năm nào tuy có năm vơi, năm đầy, nhưng sông Cái vào mùa nước cường thường vào cuối tháng ba, qua tháng tư rồi vào giữa rằm tháng năm ta, đúng ngày chính hội của làng Chèm là vào đỉnh mùa cường sông Cái.

Vào ngày đó, làng tiến hành nghi lễ quan trọng hàng đầu của hội là lễ mộc dục. Đám trai tân khỏe mạnh dưới sự cầm chịch của bô lão qua tiếng trống thúc giục, mang chum, bơi thuyền ra giữa sông Cái lấy nước mang về tắm cho Thành hoàng làng. Lòng sông Cái căng nứt, nước rập rềnh mấp mé mặt đê. Mỗi khi có gió mạnh, hay một chiếc tàu đi qua làm nổi sóng lên khiến làn nước đỏ au, đặc quánh phù sa lại tràn qua con đê xỏa xuống mặt đường cái quan. Sau hội làng, nước sông xuống đôi chút, mặt sông êm ả hơn. Hình như sông cũng xả hơi, đợi bão về để rộ lên đợt cường mới.

Chiều chiều mẹ đi gánh nước sông hay nhìn ráng chiều vàng xuộm hay đỏ quạch cùng những làn chớp loang loáng phía Tây thượng nguồn để ước đoán liệu bão, giông ngày một, ngày hai có đến để nhắc bố tôi, cậu tôi chằng néo lại cột nhà. Đận ấy, mẹ tôi thường bảo “chưa qua rằm tháng tám thì đừng nghĩ bão đã hết, nước sông vẫn có thể  lên. Năm nay cây nhãn bên bà Ba sai như thế kia mà”.

Làng bên sông, sự thay đổi của dòng sông Cái có tác động rất lớn đến cuộc sống con người. Rồi cũng chẳng biết từ bao giờ người làng tôi còn biết mối liên hệ thần kỳ, mật thiết giữa mùa nhãn và mực nước sông. Xóm nhà tôi có cây nhãn nhà bà Ba mọc giữa kè đá, ngay bên bờ sông. Năm nào vào mùa cường, thấp thì nước phủ ngập gốc cây, cao thì nước rềnh đến lưng chừng cây. Những chùm quả mầu nâu nhạt, căng mọng sắp được trẩy, xập xòa trên mặt nước nâu đậm.

Cây nhãn nhà bà Ba nghe nói có từ thời quân Cờ Đen tập trận ở dốc cầu Binh. Dân làng còn lưu truyền câu chuyện, mấy vụ đầu nhãn bói lính quấn cạp rằng đen, trắng rằn ri ở bắp chân, dựa cờ đuôi nheo đen sì vào thân cây, lấy giáo nhọn chọc quả nhãn chia nhau ăn. Chả biết thực hư thế nào, chỉ biết thân cây nhãn phải 3 đứa trẻ nối vòng tay nhau ôm không xuể, ngang thân có một cái hốc to sâu hoáy các cụ bảo đó là dấu tích vết giáo đâm. Vì là cây nhãn cổ thụ lưu niên như vậy, nên dân xóm tôi thường nhìn nhãn sai hay thưa để biết nước sông Cái năm này lên to hay vừa để liệu mọi đường.

Nhãn thì một năm ăn quả, một năm giả cành. Có khi đầu mùa hoa bói trĩu ngọn, nhưng khi tụ quả lại lơ thơ. Vậy mà sự trùng hợp của nhãn sai hay thưa lại khá đúng với mực nước cao thấp khi sông Cái vào mùa cường. Nhãn năm nào ăn quả y như rằng nước sông Cái lên to hơn hẳn năm nhãn giả cành….

Vậy mà có dễ khoảng hai, ba mươi năm nay dường như sự được hay mất mùa nhãn cũng không còn gắn liền với mực nước sông Cái nữa. Hình như sông Cái không còn mùa nước cường. Ngay cả vào ngày chính hội tháng năm ta, mặt nước sông không còn căng phình làm đê đôi bờ như chực nứt. Dòng sông không còn sự mênh mông, sung mãn. Nhìn sang bờ bên kia đâu còn xa ngái. Làng bên ấy hết rồi vời vợi, thoang thoáng qua làn sương, mà lộ ra mồn một như một chị nhà quê ra tỉnh đôi hôm rồi về đã lộ sự vô duyên học đòi.

Từ đê nhìn xuống, cây nhãn bà Ba trước kia to lớn, xum xuê gần gụi với sông Cái là thế, giờ teo tóp, cằn cỗi và đứng xa vời lẻ loi hẳn với mặt nước giờ đã lễnh loãng, nhạt nhòa phù sa. Ấy là chưa kể giữa dòng sông đã co thắt lại vì khan nước ngay khi đáng ra có đỉnh cường tháng năm lại nhô lên đường kè bằng đá. Thấy bảo là dự án của mấy ông, bà nào lắm tiền cạp lên để chuẩn bị xây rì sọt, rì siệc gì đó giữa lòng sông. Nhìn kè đá nằm chềnh ềnh giữa mặt nước, dân làng tôi thấy mắt thì chướng mà lòng dạ thì nao nao nỗi buồn không rõ vì sao ?

Tưởng sẽ chẳng bao giờ thấy nước cường sông Cái nữa. Ai dè, khi cành vải tu hú sân sau đình làng tôi đã nhu nhú quả non xanh mướt và chập chờn tiếng ve chiều thì chỉ lãng đi, bỗng một hôm ra sông chợt thấy mình như trở lại những năm tháng của một thời con trẻ khi thấy mặt sông bỗng trở lại hình ảnh thân quen ngỡ  đã vĩnh viễn mất đi. Dòng sông lại mênh mông, đôi bờ lại ngút ngát xa ngái. Những con sóng nâu hồng vừa xoáy thành những chốt sâu hoắm vừa rít lên tiếng nước rộn ràng. Trên mặt nước nổi lềnh bềnh những đám bọt vàng nhạt chứa trứng của đủ loại cá vào mùa vật đẻ cùng những bè củi rều giơ cành khô, lá sót lên trời.

Ai có dè đâu sông Cái năm nay lại có mùa nước cường. Người thì bảo vì mấy thủy điện lớn xả nước. Kẻ thì nói tại năm nay lũ mạn ngược nhiều, rừng đã trọc, sông đã đổi dòng…

Dân làng nhìn nước mà mừng. Mùa cường lâu lắm mới quay lại. Cá ngạnh, cá nheo, cá bống, cá quất sẽ về theo. Phù sa từ muôn xa sẽ theo con nước xuôi để tháng Giêng, tháng Chạp khi sông Cái vào đông rút xuống, bãi giữa sông lại nổi lên mịn màng, mưng mẩy cho dân làng tôi ra nhói ngô, gơ dây lang, trồng kê, trồng khoai tây. Vụ khoai, củ năm nay chắc sẽ nhiều. Khoai đất lạ, mạ đất sông mà lại…

Tôi đi trên đê xưa, thấy mặt sông mà lòng thơ thới. Chợt có tiếng ai đó vọng lại:

– Gớm cây nhãn già nhà cụ Ba năm nay sai quá cơ. Thảo nào năm nay sông Cái lại được mùa cường. Cơ man nào là nước.

Mùa nước cường sông Cái năm Đinh Dậu

“Sau mấy chục năm mới lại thấy nước sông Hồng lên cao”

“Những năm 1980, cứ mỗi mùa mưa bão là cư dân khu vực ven sông Hồng – mà người ta quen gọi là “dân khu bãi” –  luôn thấp thỏm vì lụt lội. Ngoài việc cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn thì sau lụt là nỗi lo dịch bệnh bùng phát, tài sản, đồ đạc bị hư hại. Ngày ấy đê sông Hồng vẫn là con đê đất chứ chưa phải bức tường bê tông của con đường gốm sứ như bây giờ. Vì thế mỗi khi nước ngập trắng, “dân khu bãi” lại phải bồng bế nhau lên mặt đê dựng lều ở tạm chờ nước rút. Còn người dân các quận ven đê như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng thì cũng như ngồi trên lửa vì chỉ sợ đê vỡ. Kể từ khi có thủy điện Hòa Bình, rồi thủy điện Sơn La, việc trị thủy con sông dữ này coi như đã hoàn thành. Người dân đã có thể yên tâm sinh sống.

Sau mấy chục năm, bây giờ chúng tôi mới lại có dịp nhìn thấy con nước sông Hồng lên cao như hiện nay, tuy nhiên cũng khó có thể đạt tới mức báo động 3 như hồi thế kỷ trước”.

Bà Nguyễn Thị Dung (Cán bộ hưu trí Tổ dân phố số 3, khu phố 1, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

“Vẫn nhớ cơn bão số 3 năm 2016 khiến nhà dân đổ ụp xuống sông”

“Giờ đây nói đến lũ lụt ở các xóm ven sông, những thanh  niên thế hệ sau này khó có thể hình dung được. Mặc dù hiện không còn cảnh ngập úng như trước kia, nhưng mỗi khi nước lên cao, các hộ sống gần mép sông vẫn phải đối mặt với nỗi lo lở đất, sập nhà.

Chúng tôi vẫn nhớ cơn bão số 3 hồi tháng 8-2016 đã khiến nhà của mấy hộ dân ở ngõ 975 đường Bạch Đằng đổ ụp xuống sông Hồng. Những gia đình cạnh đó tuy nhà chưa mất, nhưng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi các vết nứt trên tường đã xé dọc, chạy ngang. Nói như vậy để thấy, khi có thiên tai bão lũ  các cơ quan chức năng cần có những biện pháp giúp người dân phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại. Với mực nước sông Hồng dâng cao như hiện nay,  thì nỗi lo của cả trăm hộ dân sống ở xóm bãi  ngày càng lớn”.

Ông Phan Minh Quân (Ngõ 105 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)