Liên hệ bí ẩn giữa bão mặt trời và cái chết của hàng chục cá voi khổng lồ

ThienNhien.Net – Chỉ trong năm 2016 có gần 30 trường hợp cá voi mắc cạn trên các bãi biển, điều đáng chú ý là các con cá voi này đều còn trẻ và khỏe mạnh.

Năm 2016, có 29 con cá voi bị mắc kẹt trên các bãi biển ở Đức, Hà Lan, Anh và Pháp. Trong đó, chỉ riêng ở Anh có 6 con bị thủy triều đẩy lên các bãi biển.

Những kiểm tra sau này đều cho thấy chúng không mắc bệnh tật gì và có nhiều con cá bị mắc cạn đến từ những vùng biển sâu và ấm hơn như khu vực Azores ở phía Đông Đại Tây Dương.

Cá mắc cạn trên một bãi biển ở Đức. (Ảnh: EPA)

Trước đây đã có nhiều giả thiết cho lí do gây ra cái chết của những sinh vật biển khổng lồ, bao gồm cả ngộ độc, biến đổi khí hậu, thậm chí hệ thống dò âm thanh từ các tàu ngầm hạt nhân cũng được xét đến.

Tuy nhiên, theo Dailymail, các nhà nghiên cứu nhận định có sự liên hệ giữa việc hàng loạt cá mắc cạn đầu năm 2016 với cơn bão Mặt trời xảy ra vào tháng 12/2015.

Bão Mặt trời hay gió Mặt trời là một luồng các hạt điện tích được giải phóng từ Mặt trời. Bão Mặt trời được xem là nguyên nhân dẫn đến bão từ làm rối loạn từ trường của Trái đất và hiện tượng Bắc cực quang làm ảnh hưởng đến khả năng định hướng của cá voi.

Cá voi được cho là loài định hướng bằng từ trường của Trái đất. Thông thường, những con cá từ 10-15 tuổi sẽ tìm đường đến vùng cực vì tại đó có rất nhiều mực, thức ăn yêu thích của chúng. Sự gián đoạn địa từ do bão Mặt trời gây ra có thể khiến chúng đi sai đường về những vùng nước cạn.

Những tia do bão Mặt trời giải phóng chứa rất nhiều hạt tích điện và bức xạ gây thay đổi từ trường trong bán kính lên tới 460 km. Tại những khu vực thông thường, khi lỡ lạc hướng thì cá voi có thể dành nhiều ngày bơi để sửa sai. Tuy nhiên tại các vùng như giữa Scotland và Na Uy, chỉ cần chúng bơi lạc hướng 1-2 ngày thì đã quá muộn để quay lại do bị mắc kẹt.

Hội đồng quận East Lindsey lấp thi thể các con cá voi bị mắc cạn trên biển. (Ảnh: PA)

Điều này xảy ra nhiều hơn ở những con cá nhỏ tuổi do chúng chưa học được cách thích nghi với sự gián đoạn từ trường ở những vĩ độ cao.

Từ trường có thể mạnh hơn ở nơi này và yếu hơn ở nơi khác và cá voi thông thường có thể đọc được những khác biệt này. Tuy nhiên trong những năm đầu đời các con cá thường ở vùng vĩ độ thấp, nơi sự gián đoạn từ trường do Mặt trời gây ra yếu, khiến chúng thiếu kinh nghiệm về hiện tượng trên.