“Vỡ trận” chống dịch sốt xuất huyết

ThienNhien.Net – Với gần 16.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp tử vong, TP Hà Nội đang đứng trước thực trạng đáng báo động khi mỗi tuần có thêm từ 1.000 đến 2.500 ca mắc mới

Liên tiếp những chiến dịch vệ sinh môi trường, tìm diệt bọ gậy (lăng quăng) và phun hóa chất diệt muỗi diện rộng để “hạ hỏa” sốt xuất huyết (SXH) song dường như việc khống chế dịch bệnh này tại Hà Nội vẫn rất khó khăn.

Về quê… trốn dịch

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, do SXH bùng phát nên phần lớn người dân ở TP Hà Nội đã sợ và có ý thức đề phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, một số khu vực do có nhiều người lao động nghèo, sinh viên sinh sống, nơi ở tạm bợ, chật chội nên việc phòng chống dịch vẫn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Chấn (ngụ khu tập thể Học viện Báo chí, quận Cầu Giấy) cho biết nơi ông ở rất ẩm thấp, mỗi khi mưa lớn là ngập. Những người sống ở đây ai cũng nơm nớp khi dịch SXH bùng phát.

Tại ngõ 282 Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), một lán công nhân ngoại tỉnh đến làm nghề tự do và sinh sống nhiều năm phải dự trữ nước ở bể xi măng không có nắp. Ngoài ra, nước thải ứ đọng rất nhiều chỗ, tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh sản.


TP Hà Nội liên tục tổ chức các đợt vệ sinh môi trường để phòng dịch sốt xuất huyết (Ảnh: Ngọc Dung)

Anh Phạm Văn Quý (quê Nam Định) cho biết trước đây, cả lán có vài chục công nhân nhưng do sợ “dính” SXH nên nhiều người đã về quê. Theo anh Quý, khu vực này rất nhiều muỗi nhưng về cách phòng bệnh thì chỉ biết mắc màn khi ngủ. Những ngày qua, UBND phường đã tuyên truyền phòng chống dịch nhưng vẫn chưa phun thuốc diệt muỗi. “Ở đây điều kiện sinh hoạt chỉ có vậy, còn bệnh nào “gọi” thì người ấy “dạ” thôi!” – một công nhân khác lo ngại.

Tại các khu vực dịch SXH bùng phát như đường Hào Nam, hồ Linh Quang (quận Đống Đa), mật độ dân cư cao, không khí ẩm ướt, hồ nước ngập rác… tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, dù được tuyên truyền hướng dẫn nhưng rất ít người diệt bọ gậy trong nhà để phòng bệnh.

Ông Đặng Quang Trung (cụm 5, tổ dân phố 12, quận Hà Đông) cho biết gia đình thường xuyên dọn dẹp, loại bỏ hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước để hạn chế muỗi đẻ trứng nhưng không hiểu sao trong nhà vẫn rất nhiều muỗi. Theo ông Đặng Dũng – Tổ trưởng tổ dân phố 13, quận Hà Đông – khu vực này đã có 9 bệnh nhân SXH nhưng mới có đợt 2 phun hóa chất diệt muỗi. Trong khi đó, một số người dân ở đây cho rằng việc tuyên truyền và huy động lực lượng vào cuộc diệt muỗi, bọ gậy, phòng chống dịch bệnh SXH chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.

Phun thuốc bằng ô tô

Cuối tuần qua, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại phường Quang Trung, quận Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã tận mắt chứng kiến việc triển khai các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi còn gặp nhiều khó khăn. Còn quá nhiều dụng cụ chứa nước hoặc đọng nước có ổ bọ gậy trong nhà dân. Tại cụm 5, tổ 12, phường Quang Trung có 2 nhà dân khóa cửa đi vắng nhiều ngày, bên trong cây cối um tùm, nhiều muỗi và các ổ bọ gậy.

“Trước hết, phải vận động từng hộ gia đình, từng người dân diệt bọ gậy trong nhà mình, kiểm tra tất cả vật dụng, không để nước đọng, muỗi sinh sản. Đối với nơi công cộng, cần huy động tổ xung kích của các tổ dân phố, phường, xã vào cuộc, để từ nay đến ngày 17-8 – đợt 1 của chiến dịch – có 100% hộ gia đình và các nơi công cộng xử lý, không cho bọ gậy phát triển. Với cơ chế một tuần muỗi sinh sản và nở một lần, đợt 2 sẽ thực hiện vào tuần sau, phun liên tục từ nay đến ngày 15-9” – ông Quý cho biết.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thời gian qua, TP Hà Nội chống dịch chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Giải pháp trước tiên là phun hóa chất từng nhà dân để “hạ hỏa” dịch bệnh. Những nơi đông dân di cư sinh sống, có các công trình xây dựng thì phun hóa chất bằng ô tô ngoài đường, ngoài môi trường, tại trường học, chợ, bệnh viện… Trước tình trạng Hà Nội bị SXH bủa vây, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh miền Bắc hỗ trợ ngành y tế thủ đô cả về ô tô phun hóa chất và nhân lực chống dịch.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội, hiện 9 máy phun thuốc diệt muỗi có vòi phun khổng lồ được mượn từ các địa phương lân cận đã được đưa về Hà Nội. Từ ngày 14-8, TP Hà Nội sẽ tổ chức phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng bằng các máy này.

Lo dịch bùng phát mạnh vào năm học mới

Sáng 13-8, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và phun thuốc diệt muỗi phòng chống SXH tại chợ, trường học, cơ sở y tế, các hộ dân trên địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Hiện trên địa bàn quận Đống Đa đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc SXH (tăng 21,6 lần so với cùng kỳ năm 2016). Quận Đống Đa đã thành lập 250 tổ triển khai vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Trước nguy cơ dịch SXH có thể bùng phát mạnh khi bước vào năm học mới, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương phối hợp với các trường học trên địa bàn thực hiện tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi.