Gian nan thoát nghèo!

ThienNhien.Net – Dù chi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho xóa đói giảm nghèo nhưng tỉ lệ hộ nghèo ở Quảng Nam cũng như nhiều tỉnh khác vẫn còn rất cao. Thất bại từ các mô hình giảm nghèo do không biết người nghèo cần gì.

Những năm qua, bên cạnh các chương trình, chính sách của trung ương, tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều nghị quyết, triển khai hàng loạt đề án với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng bắt tay chăm lo, giúp dân xóa đói giảm nghèo (XĐGN)…

Kỳ vọng thoát nghèo bền vững

Trong các chính sách XĐGN tác động sâu rộng ở tỉnh Quảng Nam có thể kể đến như Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17-8-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng Tây giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND ngày 19-9-2012 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi; Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021…


Đời sống của người dân miền núi ở tỉnh Quảng Nam còn nhiều khó khăn

Cùng với các nghị quyết, đề án, chương trình giảm nghèo của trung ương và của tỉnh Quảng Nam, hàng ngàn tỉ đồng đã được “đổ” vào công tác XĐGN. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng kinh phí phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo ở tỉnh Quảng Nam khoảng 1.890 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí đã phân bổ từ ngân sách nhà nước và kinh phí huy động hơn 731 tỉ đồng. Còn tính riêng số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giảm nghèo khu vực miền núi từ năm 2013-2016, tỉnh Quảng Nam đã chi tổng cộng 6.102 tỉ đồng.

Dù chi cho XĐGN hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng tỉ lệ hộ nghèo ở tỉnh Quảng Nam vẫn còn rất cao. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2016, tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn 45.330 hộ nghèo (chiếm 11,13% dân số, giảm 1,77% so với năm 2015) và 24.808 hộ cận nghèo (chiếm 6,09%, giảm 0,12% so với năm 2015). Trong đó, một số huyện miền núi có số hộ nghèo chiếm trên 50% dân số như Nam Trà My (64,4%), Nam Giang (52,3%).

“Ném tiền qua cửa sổ”

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua, trước khi thông qua Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND, những bất cập trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt ở khu vực miền núi đã được đưa ra mổ xẻ. Theo các đại biểu, các chính sách đã triển khai đều có chung mục tiêu giảm nghèo bền vững nhưng trên thực tế ít đem lại hiệu quả. Một số chính sách có giai đoạn thực hiện ngắn, đầu tư còn trùng lắp về mục tiêu, đối tượng; nội dung đầu tư hỗ trợ, thực hiện một cách đại trà, không khảo sát kỹ nhu cầu thực sự của người nghèo.

Điển hình như ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình. Đây là xã đặc biệt khó khăn với trên 18% hộ nghèo, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi để giảm nghèo. Vào năm 2015, xã Bình Lãnh được phân bổ hàng chục con bò giống sinh sản từ Chương trình 135 của Chính phủ để cấp cho hộ nghèo với kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Thế nhưng, trong tổng số 62 hộ được cấp bò giống, đến nay có 17 hộ đã bán bò. Ông Nguyễn Tấn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh, giải thích thời điểm đó, do không có kinh nghiệm nên xã đã mắc thiếu sót trong việc khảo sát đối tượng, nhiều trường hợp già cả không có khả năng chăn dắt, làm chuồng trại vẫn được đưa vào danh sách nhận bò. Hơn nữa, địa phương cũng không được các cơ quan của huyện hướng dẫn nên đã thực hiện cấp bò đại trà cho các hộ nghèo của xã. Hậu quả là nhiều hộ gia đình không có điều kiện chăn nuôi, sau một thời gian phải bán bò.

Đúng như thừa nhận của lãnh đạo xã Bình Lãnh, do cấp bò sai đối tượng nên mô hình này không mang lại hiệu quả. Điển hình như hộ ông Phạm Nhào (thôn 2, xã Bình Lãnh). Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Nhào vẫn nằm trong danh sách được hỗ trợ bò sinh sản từ Chương trình 135. Thời điểm đó, con bò sinh sản mà vợ chồng ông Nhào nhận trị giá 10 triệu đồng, vợ chồng ông phải đối ứng thêm 2 triệu đồng để nhận bò về chăm sóc. Do tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông nhiều lần bị bò kéo ngã, có lúc suýt gãy chân do bị bò giẫm. Con cái, hàng xóm can ngăn, sau gần 1 năm chăm sóc, vợ chồng ông đành bán lại con bò này với giá chưa đến 10 triệu đồng, chấp nhận lỗ hơn 2 triệu đồng cùng công chăm sóc.

Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, cho rằng phải thay đổi chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ cái gì nên đối thoại với người nghèo. “Chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã đi “quá đà”, ví như công trình xây dựng hố xí hợp vệ sinh cho người nghèo, nhà nước cũng làm thay cho dân. Nguồn hỗ trợ nếu không hiệu quả chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ” – ông Ca nói.

Kỳ tới: Năm triệu đồng, sao thoát nghèo!

Giảm nghèo không sát với thực tế

Ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, đánh giá trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam rất quyết liệt trong công tác giảm nghèo; từ các chương trình, mô hình XĐGN, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện đề án khuyến khích thoát nghèo từ năm 2017-2021 với tổng kinh phí 623 tỉ đồng, với mục đích khuyến khích các hộ đăng ký thoát nghèo. Tỉnh Quảng Nam cũng đang cử 180 điều tra viên tiến hành khảo sát đời sống của 28.627 hộ nghèo tại 102 xã thuộc 9 huyện miền núi của tỉnh.

“Thời gian qua, ở một số địa phương áp dụng các phương pháp giảm nghèo không sát với thực tế nên không phát huy hiệu quả. Chính vì thế, tỉnh Quảng Nam tiến hành khảo sát từng hộ dân cụ thể để nắm bắt kỹ hơn về nhu cầu thực tế của họ nhằm chỉnh sửa các nội dung chưa phù hợp” – ông Triều nhấn mạnh.