Ác mộng nhiệt điện than (Kỳ 1): “Xuất khẩu” ô nhiễm

ThienNhien.Net – Trung Quốc dự kiến xây dựng hơn 700 nhà máy điện than mới trong thập kỷ tới. Đáng lo ngại là phần lớn dự án tập trung ở châu Á, trong đó có cả Việt Nam

Việc Trung Quốc tuyên bố ngừng xây dựng hơn 100 dự án điện than mới trong năm nay cho thấy nước này quyết tâm chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường như thế nào!

Thảm họa đối với hành tinh

Tuy nhiên, sự tích cực của các ngân hàng và các nhà thầu Trung Quốc trong những dự án xây dựng nhà máy điện than ở nước ngoài lại đang phản ánh một bức tranh khác!

Báo cáo mới công bố trong tháng 7 của Tổ chức Môi trường Urgewald (trụ sở ở Berlin – Đức) cho thấy các doanh nghiệp (DN) của nền kinh tế số 2 thế giới sẽ xây dựng hơn 700 nhà máy điện than mới trong thập kỷ tới. Đáng chú ý, ngoài phần lớn dự án tập trung ở châu Á, có những quốc gia chưa từng sử dụng than đá trước đây cũng đang bị “lôi kéo” vào vòng xoáy phụ thuộc loại nhiên liệu hủy hoại môi trường này, như Ai Cập và Malawi. Cũng theo báo cáo, tổng cộng 1.600 nhà máy điện than mới được lên kế hoạch xây dựng trên 62 quốc gia sẽ tăng công suất điện than của thế giới lên 43%.

Trung Quốc là “tác giả” chính của cuộc bùng nổ các nhà máy điện than ở châu Á (Ảnh: GreenPeace)

Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo những kế hoạch xây dựng nhà máy điện than bùng nổ ở châu Á sẽ là “thảm họa đối với hành tinh”. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Tổ chức Market Forces (Mỹ), Julien Vincent, cảnh báo một số nước chủ chốt ủng hộ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đang làm xói mòn nó bằng cách “di cư” lĩnh vực điện than ô nhiễm ra nước ngoài. Trong đó, “đội quân” những nhà máy mới nói trên nhiều khả năng sẽ khiến những mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris trở nên bất khả thi. Thỏa thuận này có hiệu lực từ năm 2020, nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Lo ngại về khói mù và biến đổi khí hậu đã thúc đẩy Bắc Kinh chuyển hướng sang tiêu thụ năng lượng tái tạo. Nhưng thay vào đó, ở nước ngoài, Trung Quốc đang tiến hành một chiến lược hoàn toàn khác.

Điển hình là Tập đoàn Shanghai Electric – một trong những hãng thiết bị điện lớn nhất của Trung Quốc – vừa công bố các kế hoạch xây dựng những nhà máy điện than ở Ai Cập, Pakistan và Iran với tổng công suất 6.285 MW, gấp gần 10 lần công suất các nhà máy điện than được hãng này lên kế hoạch xây dựng ở Trung Quốc. Tổng Công ty Kỹ thuật năng lượng Trung Quốc không có dự án điện than mới nào trong nước nhưng lại đang xây dựng các nhà máy điện than có công suất lên tới 2.200 MW ở Việt Nam và Malawi.

Tính “tái định cư” cả thép

Giáo sư về phát triển toàn cầu tại ĐH Boston (Mỹ), Kevin P. Gallagher – chuyên gia về đầu tư năng lượng của Trung Quốc ở nước ngoài – cho rằng một trong những lý do đằng sau sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực điện than ở nước ngoài là bởi một số ngân hàng quốc tế như WB và Ngân hàng Phát triển Châu Á ngưng rót vốn vào lĩnh vực này do các tác hại môi trường.

Theo công bố của ĐH Boston, từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho vay hơn 43 tỉ USD cho các dự án điện than ở nước ngoài. Nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến Chính sách Khí hậu tại Mỹ cho thấy các DN Trung Quốc có kế hoạch đầu tư thêm 72 tỉ USD nữa cho lĩnh vực này. “Kể từ năm 2013, các khoản đầu tư vào điện than ra nước ngoài của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tăng 40%” – GS Gallagher nói.

Dù vậy, câu chuyện không đơn giản chỉ dừng lại ở sự thay đổi chủ đầu tư! Theo Bloomberg, các nhà máy điện than do Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài trong giai đoạn 2001-2015 có tổng lượng phát thải CO2 tương đương 11% lượng phát thải của toàn bộ nước Mỹ – nước có mức phát thải lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Trong khi đó, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy gần 60% công nghệ được các công ty Trung Quốc sử dụng trong những dự án điện than ở nước ngoài trong giai đoạn 2001-2016 thuộc diện lạc hậu và mức phát thải ô nhiễm rất cao. Chưa hết, bài toán “tái định cư” các nhà máy ô nhiễm này ở nước ngoài còn được Trung Quốc áp dụng cho cả những ngành công nghiệp hủy hoại môi trường khác, như ngành thép – vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp ô nhiễm và ít lợi nhuận nhất của nước này.

Có điều, không chỉ Trung Quốc muốn chuyển các dự án điện than ra nước ngoài. Theo The New York Times, cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn dỡ bỏ các giới hạn thời người tiền nhiệm Barack Obama đối với hoạt động tài chính của Mỹ cho các dự án than đá nước ngoài như một phần của chính sách năng lượng tập trung vào xuất khẩu.

Trong khi đó, Tập đoàn National Thermal Power của Ấn Độ đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới có tổng công suất 38.000 MW ở Ấn Độ và Bangladesh. Còn Tập đoàn Marubeni của Nhật tham gia vào các công ty liên doanh để sản xuất điện than với tổng công suất 5.500 MW tại 4 nước gồm Myanmar, Việt Nam, Philippines và Indonesia. Nền kinh tế số 2 châu Á cũng thúc đẩy năng lực sản xuất điện than trong nước nhằm bù đắp lượng thiếu hụt do thảm họa hạt nhân Fukushima gây ra.

Nhà thầu Trung Quốc thâu tóm

Theo Urgewald, trong số 20 DN lớn nhất tham gia lĩnh vực xây dựng nhà máy nhiệt điện than, có 11 cái tên đến từ Trung Quốc. Tổng cộng các DN Trung Quốc đứng sau kế hoạch mở rộng điện than trên toàn thế giới từ 340.000-386.000 MW. Với một nhà máy điện than công suất 500 MW tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn than mỗi năm, đủ thấy mức độ tàn phá môi trường của nó.

Cũng vì lý do này, kể từ tháng 11-2016, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia châu Âu, đã nhất trí hạn chế cung cấp tài chính cho phần lớn các nhà máy điện than nước ngoài. WB cũng chấm dứt đổ tiền cho những dự án điện than mới ở các nước phát triển vào năm 2013. Ngược lại, Trung Quốc tuy là một thành viên của WB nhưng không nằm trong OECD nên vẫn “giữ khoảng cách” với chính sách này.

Kỳ tới: Dè chừng “vết xe đổ” của phương Tây