Cục Trồng trọt yêu cầu khắc phục thiệt hại cây cao su do bão số 2

ThienNhien.Net – Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đánh giá sơ bộ của các địa phương ngày 16/7, bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành trồng trọt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, đặc biệt là đối với cây cao su.

Để khắc phục thiệt hại do bão gây ra, Cục Trồng trọt vừa có công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh trên chỉ đạo các địa phương trên địa bàn triển khai một số biện pháp để khôi phục diện tích cây cao su bị thiệt hại do bão.

Cụ thể, đối với vườn cao su kiến thiết cơ bản có cây bị nghiêng do gió bão, người dân cần tiến hành dựng lại và chống bằng cọc gỗ hoặc tre/dây thừng và bồi đắp thêm đất vào gốc cây và lèn chặt, kết họp đào rãnh thoát nước cho vườn.

Đối với cây gãy cành, Cục Trồng trọt đề nghị các đơn vị cơ sở hướng dẫn người dân tiến hành cưa vát 30 độ bỏ cành gẫy, bôi nước vôi pha loãng lên vết cắt. Cây cao su gẫy thân ở độ cao trên 2 – 2,5m người dân cần tiến hành cưa phía dưới vết gẫy, xử lý vết cắt như trên.

Đối với vườn cây cao su kiến thiết cơ bản tuổi 1 đến 3 bị đổ gãy mất khoảng người dân cần trồng dặm bằng cây cao su có nhiều tầng lá. Chú ý phòng trừ bệnh héo đen đầu lá cao su sau bão.

Đặc biệt đối với cao su đang kinh doanh, người dân cần tạm ngừng khai thác, tập trung chăm sóc phục hồi vườn cây, căn cứ tình hình sinh trưởng của cây cần bón phân bổ sung hoặc phun phân qua lá để cây phục hồi sinh trưởng, khi cây phát triển ổn định trở lại tiếp tục tiến hành khai thác mủ.

Bộ đội Sư đoàn 968 giúp người dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị chống lại vườn cây cao su bị nghiêng đổ do bão số 10. (Ảnh: Hồ Cầu/ TTXVN)

Đồng thời đối với vườn có cây bị nghiêng trên 20 độ do ảnh hưởng của bão, người dân cần tiến hành cắt bớt lá, dựng lại và chống bàng cọc gỗ hoặc tre/dây thừng, bồi đắp thêm đất vào sốc và lèn chặt. Lưu ý biện pháp này cần triển khai sớm, khi đất đã khô khó dựng lại và cây dễ bị chết.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho biết, đối với diện tích cao su có từ 40 đến 70% số cây gẫy đổ ngang thân cách mặt đất dưới 2 – 2,5 m, người dân cần khôi phục vườn cây hoặc thanh lý để trồng lại cao su hoặc chuyển sang cây trồng khác. Diện tích cao su có trên 70% số cây gẫy đổ ngang thân cách mặt đất dưới 2 – 2,5m thì người dân cần thanh lý để trồng lại cao su hoặc chuyển cây trồng khác.

Vị đại diện này cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp với các công ty cao su trên địa bàn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá lại cơ cấu giống, các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng. Qua đó, các đơn vị thực hiện tổng kết các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn trồng, chăm sóc, khai thác bảo vệ cao su đặc thù cho vùng chịu ảnh hường của bão để hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất cao su trong những năm tới.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, tính đến 7 giờ sáng hôm nay (17/7) bão đã làm 96 nhà, trường học bị tốc mái; 590ha lúa bị ngập úng, đổ gãy; 980ha hoa màu bị đổ gãy, hư hỏng; 1.023 cây lâm nghiệp và cây xanh đô thị bị đổ gãy; 110m kênh mương bị sạt đổ; 33 cột điện bị đổ.

Tại tỉnh Nghệ An, tính đến 5 giờ sáng ngày ngày hôm nay (17/7) bão đã làm 1 người chết, 2.751 nhà, quán (kiốt) bị tốc mái, trên 2.000ha vừng bị đổ; 300ha dưa hấu bị ngập; 350ha keo bị đổ và hàng nghìn cây xanh bị đổ. Mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 7 giờ 30phút sáng ngày hôm nay (17/7) bão đã làm một nhà dân và 45 ki​ốt bị sập đổ; 31 nhà dân, 4 trường học và ​một trụ sở ủy ban nhân dân xã bị tốc mái; 8 cột điện bị đổ; 607ha lúa và 290ha hoa màu bị ngập úng, nhiều cây cối bị gãy đổ; 4 tàu bị chìm trong khu vực tránh trú bão.