Chọn cây trồng hiệu quả trên đất dốc

ThienNhien.Net – Sau khi báo Tin tức Cuối tuần số 26 đăng chuyên đề “Tây Bắc canh tác bền vững trên đất dốc”, nhiều ý kiến của nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp đã phản ánh: Với đặc thù ở các tỉnh miền núi thường có độ dốc lớn, tận dụng lợi thế này nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc đã đưa những cây trồng có lợi thế vào trồng có hiệu quả.

Tiến sỹ Đặng Văn Thư, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Tiếp cận nông nghiệp sinh thái

Xói mòn và rửa trôi là những mối đe dọa thường xuyên đối với đất dốc và vùng nhiệt đới ẩm, gây nên sự mất dinh dưỡng và độ phì của lớp đất mặt, dẫn đến sự axít hóa trong đất. Những tác động này thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn nếu như đất canh tác không có thảm thực vật che phủ hoặc là đất bị đốt cháy trước mùa mưa. Với việc trồng cây chè trên đất dốc, ngoài việc quan tâm đến kỹ thuật, trồng cây che bóng, trồng chè trên đường đồng mức là một trong những cách làm hiệu quả.

Canh tác lúa nương trên vùng đất dốc ở xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Những kết quả thu được cho thấy, quản lý đất dốc bằng tiếp cận nông nghiệp sinh thái là hướng đi tất yếu trong quản lý và sử dụng đất dốc bền vững. Thực tế, việc áp dụng các biện pháp này đã làm tăng đáng kể năng suất của các loại cây trồng trên đất dốc, giảm xói mòn và đa dạng hóa thu nhập cho nông dân, trong khi vẫn bảo tồn nguồn tài nguyên và cải thiện môi trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo và đạt được mục tiêu an ninh lương thực cho miền núi.

Chè là một cây trồng sống nhiều năm và đời sống kinh tế của cây chè kéo dài. Do vậy, những biện pháp canh tác cơ bản ban đầu trong khâu trồng mới như: Làm đất, xác định khoảng cách mật độ, xây dựng hệ thống đường đi lại, vận chuyển, phương thức trồng… đều phải được chú ý toàn diện và đầy đủ ngay từ khi lập quy hoạch thiết kế, những biện pháp cơ bản này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và các biện pháp quản lý chăm sóc về sau.

Chè là cây công nghiệp dài ngày, kéo dài 30 – 40 năm, tùy theo điều kiện canh tác. Cây chè là cây sinh trưởng tương đối mạnh, cho sinh khối lớn, trồng trên đất dốc ngoài ý nghĩa về kinh tế ra, còn che phủ đất và thực tế chứng minh ở những nương chè đã khép tán, hiện tượng rửa trôi, xói mòn là rất ít. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp như trồng chè theo đường đồng mức, trồng xen cây che bóng… đối với nhiều vùng đất dốc ở tỉnh Phú Thọ cho thấy hiệu quả rõ nét. Qua đó, có thể khẳng định, cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn một số tỉnh miền núi như Lai Châu, Phú Thọ.

Ông Nguyễn Công Nông, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang: Hướng tới liên kết sản xuất lớn

Những năm gần đây, cây mía đóng vai trò quan trọng và là cây trồng chính của tỉnh Tuyên Quang. Do thực hiện tốt việc liên kết “4 nhà” cây mía đã đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp.

Để tiếp tục phát triển cây mía và ngành mía đường theo hướng hiệu quả, bền vững, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế theo hướng tập hợp liên kết thành tổ chức sản xuất dịch vụ đủ lớn để tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ mía đường theo lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường, gắn lợi ích giữa nhà máy – hộ trồng mía – hộ dịch vụ, bảo đảm hài hòa lợi ích và phát triển bền vững. Phát triển quy mô sản xuất nguyên liệu phù hợp gắn với khả năng tiêu thụ của nhà máy; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh đồng bộ tăng năng suất, chất lượng mía. Cụ thể trong những vụ tới tỉnh Tuyên Quang chuyển đổi hết giống cũ bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng tiểu vùng, có sức chống chịu sâu bệnh cao…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích trồng mía lên trên 15.500 ha; doanh thu mía nguyên liệu toàn tỉnh đạt trên 1.100 tỷ đồng; năng năng suất bình quân 80 tấn/ha; nộp ngân sách gần 93 tỷ đồng. Điều này góp phần đưa sản xuất hàng hóa nông nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi.

Bà Phạm Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai: Cần có chính sách đủ mạnh

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đầu tư và phát triển các sản phẩm đặc hữu và các chuỗi nông sản khác nhau trồng trên đất dốc, đất đồi rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, quế được coi là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, không chỉ là cây giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây để làm giàu với đa lợi ích, đa tác dụng.

Đề án quy hoạch phát triển cây quế đến năm 2025, toàn tỉnh Lào Cai sẽ có khoảng 25.000 ha quế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển cây quế như hiện nay, không ai có thể chắc chắn rằng, sẽ không có bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra trong tương lai, đặc biệt là trong trường hợp vỡ quy hoạch trồng quế. Thời gian tới Lào Cai cần đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất quế hữu cơ với sự hỗ trợ của tổ chức phát triển Hà Lan, Công ty cổ phần Techvina liên kết với các nhóm nông dân để xây dựng chuỗi liên kết mô hình sản xuất sạch, an toàn và bền vững.

Ngoài ra, Lào Cai sẽ cải tạo hệ thống tưới tiêu, nâng cấp đường giao thông nông thôn và kết nối vùng sản xuất với tuyến quốc lộ đảm bảo vận chuyển sản phẩm được thuận lợi. Xây dựng các cơ sở thu mua, sơ chế và chế biến tại vùng quy hoạch để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Theo quy hoạch mạng lưới chế biến cây quế trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2025, Lào Cai xây dựng 3 nhà máy tại 3 huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn. Trong đó, dự kiến giai đoạn 2020 – 2025, huyện Văn Bàn xây dựng 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế với công suất 40 tấn tinh dầu/năm nhằm tiêu thụ nguyên liệu lá cành quế cho các xã của huyện Văn Bàn và phía Tây Nam huyện Bảo Yên.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng các mô hình công nghệ cao trong sản xuất, lựa chọn giống tốt đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển giao công nghệ khuyến nông và đào tạo tập huấn cho các hộ nông dân, chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Hình thành các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội… cùng nhau phát triển.

Đồng thời, hỗ trợ các mô hình điểm về kinh tế hợp tác liên kết 4 nhà để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định, củng cố xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản chế biến. Xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và phân phối, bán lẻ trong các chuỗi ngành hàng, tạo dựng lòng tin vào hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Gắn kết du lịch với giới thiệu và quảng bá sản phẩm, từng bước thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn: