Buôn bán ĐVHD núp bóng trang trại thú tại Trung Quốc và Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, hàng nghìn động vật hoang dã nguy cấp như gấu, rắn, hổ đang bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ và giết thịt. Số lượng hổ nuôi nhốt hiện nay còn nhiều hơn bên ngoài tự nhiên. Hành động man rợ này liệu có thể chấm dứt?

Hiện bị nhốt tại Lào, con hổ này có thể đáng giá 50.000USD trên thị trường chợ đen. (Ảnh: AFP/Getty)

Một con hổ đi lại chậm chạp trong lồng, rên rỉ thê lương. Con thứ hai ngủ im trong góc, còn con thứ ba đang nhìn một cách trống rỗng vào những song sắt. Cạnh đó là một chiếc lồng với ba con hổ khác, tiếp theo là một dãy lồng con, mỗi chiếc nhốt ít nhất một con. Chúng sẽ chẳng còn được sống thêm mấy chốc.

Những con hổ trên là tài sản của Tập đoàn Kings Romans, cùng với một sòng bạc, chuỗi khách sạn, khu săn bắn, sới chọi gà, đấu bò tót và một trung tâm mua sắm kiểu Chinatown. Cách đây 10 năm, một công ty Hồng Kông đã ký hợp đồng thuê hơn 30 km2 đất tại phía tây bắc tỉnh Bokeo với chính phủ Lào để phát triển Khu Kinh tế Đặc biệt Tam giác vàng này.

Hầu hết các thương vụ trong Khu thương mại miễn thuế trên thuộc sở hữu của người Trung Quốc, nhân viên người Trung Quốc và được bảo kê cũng bởi người Trung Quốc.

Các nhà bảo tồn đã nhiều lần nhấn mạnh, “sở thú” tồi tàn này thực chất là trang trại nuôi thú giết thịt trá hình, là mắt xích quan trọng trong thị trường buôn bán động vật hoang dã. Chúng tiến hành giao dịch hổ với những tổ chức tương tự tại Thái Lan, xẻ thịt thú bất hợp pháp để lấy xương, thịt và nhiều bộ phận khác.

Hổ nhồi bông. (Ảnh: Independent)

Hổ, gấu, rắn và vô sốcác loài vật khác, hầu hết đang trong tình trạng nguy cấp, bị nuôi nhốt trong các trang trại rải khắp Đông Nam Á. Các loài động vật hoang dã bị săn bắt trái phép, bị nuôi nhốt hoặc nuôi thả, sau đó bị đem đi buôn bán một cách bất hợp pháp. Các cơ sở này là một bộ phận của ngành công nghiệp lậu thuế, với lợi nhuận chỉ thua kém buôn bán ma túy, vũ khí, và buôn người.

Không nhiều du khách đến thăm Kings Romans. Cảm giác về một “thị trấn ma” đến từ những cửa hiệu bịt kín ván che, những khu xây dựng dở dang và những tấm poster sự kiện đã cũ. Thế nhưng, nhà hàng tại đây vẫn phục vụ những món ăn đắt tiền như chân gấu, thịt tê tê hay thịt hổ áp chảo, dùng với rượu hổ – một loại rượu gạo ngâm với một số bộ phận hổ như dương vật, xương, hay thậm chí toàn bộ khung xương trong nhiều tháng. Giá của loại rượu này là 20USD một cốc nhỏ, còn giá một đĩa thịt hổ là 45USD.

Da hổ hoang dã và nuôi nhốt được bán tự do tại Tam giác Vàng. (Ảnh: Independent)

Cạnh đó, khoảng nửa tá cửa hàng trang sức và dược phẩm bày bán những chiếc răng, vuốt hổ với giá cắt cổ, cùng với sừng tê giác được trạm trổ hoặc tán bột, da và ngà voi.

Năm 2015, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA – London) và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV – Việt Nam) đã lật tẩy việc bán thực phẩm, thuốc men và trang sức làm từ hàng loạt động vật cần được bảo vệ như hổ, báo, tê giá, gấu và voi tại khu kinh tế đặc biệt này. Động thái này đã khiến chính phủ Lào quyết định khám xét và tiêu hủy vài miếng da hổ trước truyền hình. Thế nhưng, theo bà Debbie Banks (EIA), không có nhiều thay đổi sau “nỗ lực làm màu” trên.

Cũng lạnh lẽo hoang tàn giống như phần còn lại của tổ hợp thương mại, vườn thú Kings Romans chủ yếu là nơi nhốt thú trong lồng. Phần lớn những con thú đều có dấu hiệu căng thẳng do bị nhốt quá lâu như liên tục đập đầu không kiểm soát. Nhân viên sở thú thì mất dạng.

Khoảng 700 con hổ đang bị nuôi nhốt tại Lào. Hàng nghìn con khác được cho rằng bị bắt giữ trên khắp Đông Nam Á. Khoảng 5.000 – 6.000 bị nhốt trong khoảng 200 trung tâm nuôi giống tại Trung Quốc. Trong khi chỉ còn chưa tới 4.000 con thú thuộc họ mèo lớn tồn tại trong tự nhiên, kém xa số lượng bị nuôi nhốt trong các trang trại, sở thú.

Mùa thu năm ngoái, tại một hội thảo quốc tế về buôn bán động vật nguy cấp, các quan chức chính phủ Lào đã công nhận nạn nuôi nhốt động vật hoang dã đang gia tăng, và cam kết sẽ đóng cửa các trang trại hổ trong nước. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.Điều này vốn đã được khẳng định bởi đại diện Ủy ban Ngoại giao California vào năm 2015, khi cho rằng Lào chính là điểm nóng buôn bán động vật hoang dã trái phép của toàn thế giới. Chính phủ Lào đến nay vẫn chưa hề phản hồi về bình luận trên.

Nuôi nhốt thương mại vẫn phổ biến

Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Cites) – vốn được kí kết bởi cả Trung Quốc và tất cả các quốc gia Đông Nam Á –hổ chỉ được nuôi nhốt với mục đích bảo tồn, không được giết mổ, không được nuôi trên quy mô thương mại làm ảnh hưởng đến hổ hoang dã. Thế nhưng, tại Lào và nhiều quốc gia châu Á khác, các nhà bảo tồn đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy mộtsố lượng lớn các trang trại, sở thú vẫn nuôi nhốt hổ nhằm mục đích thương mại.

200 trung tâm nuôi nhốt tại Trung Quốc đang giam giữ đến 6.000 con vật hoang dã. (Ảnh: Independent)

Năm 2016, ngôi đền Tiger Temple tại Thái Lan “nổi như cồn” với vụ việc các vị thầy tu tại đây bị buộc tội ngược đãi những con hổ và bán cho thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép. 40 xác hổ đông lạnh bị phát hiện sau đó, cùng với nhiều tấm da sống và các sản phẩm hoang dã khác.

Thái Lan hiện có khoảng 1.450 con hổ bị nuôi nhốt, phần lớn thu hút khách du lịch đến chụp ảnh, chơi đùa với hổ con và hổ mới trưởng thành,giống như ngôi đền Tiger Temple. Khi những con hổ đến độ tuổi sinh sản, khó có thể chơi đùa một cách an toàn, chúng bị bán vào chợ đen với giá khoảng 50.000USD, theo tiết lộ của Karl Ammann, phóng viên điều tra người Kenya hiện đang làm phóng sự về ngành công nghiệp nuôi nhốt hổ.

Các nhà bảo tồn cũng buộc tội các trang trại hổ tại Trung Quốc về những hành vi bất hợp pháp, mặc dù hai trong số các trang trại này nhận vốn đầu tư từ chính phủ. Luật pháp Trung Quốc cho phép buôn bán da hổ một cách hạn chế, và xương hổ đã bị cấm từ năm 1993. Thế nhưng, các trang trại vẫn tiếp tục cung cấp xương hổ để ngâm rượu, và da hổ hoang dã vẫn được bày bán dưới mác hổ nuôi nhốt.

Thực đơn bày ngoài cửa nhà hàng tại khu vực Chinatown, Khu Kinh tế Đặc biệt Tam giác Vàng, ngang nhiên quảng cáo các loại thịt thú rừng, bao gồm thịt hổ áp chảo. (Ảnh: Independent)

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết Việt Nam đã thu giữ một số xác hổ đông lạnh và xương hổ trong vòng 5 năm qua, phần lớn bị nghi có xuất xứ từ Lào. Cũng theo ông Mạnh, Việt Nam không cho phép nuôi nhốt thương mại hổ nhưng toàn quốc hiện có khoảng 130 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt. Tất cả các trang trại hổ đều được giám sát một cách cẩn trọng.

Gấu và mật gấu

Khoảng 10.000 con gấu bị nuôi nhốt một cách hợp pháp tại các trang trại Trung Quốc để lấy mật – một nguyên liệu cho các phương thuốc chữa bệnh truyền thống.

Không đếm xuể các loài vật khác – cá sấu, nhím, trăn, hươu sao… – đang bị nuôi nhốt khắp Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhiều người đồng tình, bao gồm cả quan chức nhà nước, tin rằng hoạt động này cần được cho phép và khuyến khích nhằm giảm bớt áp lực đối với động vật hoang dã.

Thế nhưng nhiều ý kiến phản bác lại lập luận vô căn cứ trên. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong khu vực như TRAFFIC, WCS đều khẳng định không có loài vật nào được hưởng lợi từ các hoạt động nuôi nhốt thương mại. Thậm chí, tương tự như những rủi ro từ việc cấp phép buôn bán ngà voi, cấp phép nuôi nhốt hổ và các loài nguy cấp khác càng làm gia tăng nhu cầu, làm khó khăn thêm cho các nỗ lực thực thi luật, và tạo cơ hội “rửa” các sản phẩm bất hợp pháp. Đây cũng là lý do vì sao các nước trên thế giới đang dần đóng cửa các thị trường ngà voi hợp pháp.

Kings Romans cũng tổ chức những trận chọi gà và đấu bò tót. (Ảnh: AFP/Getty)

Hàng loạt con vật bị bắt từ tự nhiên nhưng lại được gắn mác “động vật được nuôi nhốt”. Tại Chengdu, Trung Quốc, 1/3 trong tổng số 285 con gấu được cứu hộ từ các trang trại nuôi gấu lấy mật bị tàn tật, dấu hiệu cho thấy chúng bị đánh bẫy trong môi trường tự nhiên.

Một cuộc điều tra năm 2008 bởi các quan chức Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) phát hiện một nửa trong số 78 trang trại bị điều tra có nhập lậu động vật từ tự nhiên. Năm 2016, thêm 26 trang trại bị phát hiện có dính líu đến các hoạt động nhập lậu động vật hoang dã.

Nạn buôn bán thú cưng là một mặt khác của vấn đề. Indonesia hàng năm xuất khẩu hơn 4 triệu con vật thuộc loài bò sát và động vật có vú nhỏ được gắn mác nuôi nhốt – trong đó hàng nghìn con vật được đưa đến Mỹ mỗi tuần. Thế nhưng, theo WCS, không một trang trại bò sát nào tại Indonesia có cơ sở vật chất cho việc nhân giống. Hiển nhiên, những con vật bị đem đi buôn bán trên bị bắt từ tự nhiên.

Mặc dù các trang trại động vật hoang dã mới nổi lên từ những năm 1990, số lượng bị nuôi nhốt ngày càng tăng vọt. Hổ đã tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên tại Campuchia, Lào và Việt Nam, trong khi chỉ còn lại khoảng 50 con tại Trung Quốc.

Số phận nào dành cho những con hổ?

Tháng 9 năm ngoái, trong một cuộc họp Cites, đại diện chính phủ Lào đã tuyên bố quyết định đóng cửa các trang trại hổ. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế hiện đang nỗ lực tư vấn cho các cơ quan hữu quan của Lào hướng thực hiện quyết định trên.

Thế nhưng, xử lý hơn 700 trang trại nuôi hổ thực sự là một vấn đề nan giải. Giết những con hổ sẽ tạo nên làn sóng truyền thông không mong đợi, nhưng thả tất cả về tự nhiên cũng không phải cách làm an toàn trong bối cảnh con mồi cho hổ không còn nhiều, những con hổ thiếu kĩ năng sinh tồn và không sợ con người. Trong khi đó, nuôi giữ chúng cũng là một gánh nặng khi mỗi con sẽ tiêu tốn hàng nghìn USD tiền thức ăn mỗi năm, và chúng có thể sống tới 20 năm.

Năm 2002, tình trạng tương tự đã từng xảy ra ở Việt Nam khi chính phủ tuyên bố không cấp phép cho các trang trại nuôi gấu và buôn bán mật gấu. 15 năm sau, 1.200 con gấu vẫn tiếp tục sống với chủ cũ, phần lớn trong điều kiện kinh khủng – những chiếc lồng chỉ to hơn cơ thể chúng một chút, bệnh tật lây lan, thiếu thức ăn và nước uống. Tất nhiên, mật gấu vẫn tiếp tục được thu hoạch một cách phi pháp.

Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) hiện đang duy trì một trung tâm cứu hộ gấu gần Hà Nội, nơi sinh sống của 160 con gấu được cứu hộ từ các trang trại nuôi nhốt. Thế nhưng trung tâm này chỉ được phép nuôi 200 con gấu. Kể cả khi con số này được gia tăng, Animals Asia cũng không thể đủ nguồn lực và không gian để có thể giúp những con gấu còn lại tại Việt Nam. Ông Tuan Bendixsen, giám đốc tổ chức cho rằng một phần trách nhiệm phải thuộc về chính phủ.

Ngược lại với Lào, kể từ năm 1992, Trung Quốc đang cố gắng xin Cites cho phép buôn bán các sản phẩm từ hổ nuôi nhốt. Trong cuộc họp Cites gần nhất, đề xuất này đã bị từ chối mặc cho nỗ lực từ đại diện quốc gia này.

Các nhà bảo tồn tin rằng cần có áp lực quốc tế để thuyết phục chính phủ các quốc gia châu Á đóng cửa các trang trại nuôi nhốt hổ, gấu và nhiều động vật hoang dã khác. Nhưng vẫn còn một thực tế đáng buồn rằng, có tới 5.000 con hổ đang được nuôi làm thú cảnh.

Minh Anh (Theo Independent)