Trung Quốc xử lý mạnh tay đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Tân Hoa xã đưa tin Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc ngày 27/6 đã thông qua “Luật Phòng chống và Kiểm soát Ô nhiễm môi trường nước (sửa đổi)” với những quy định khắt khe hơn về chế độ trách nhiệm và công tác giám sát của chính quyền các cấp, đồng thời xử phạt nặng tay hơn đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nước.

Luật sửa đổi quy định chính quyền từ cấp huyện trở lên phải công bố rộng rãi thông tin với người dân về chất lượng nước uống ít nhất là một lần trong mỗi quý.

Những đơn vị cung cấp nước uống không phù hợp với tiêu chuẩn quy định sẽ bị xử phạt lên đến 200.000 nhân dân tệ (khoảng 32.000 USD) và bị đình chỉ hoạt động cho tới khi hoàn thành công tác khắc phục sai sót.

Những cá nhân và đơn vị xây dựng đường ống xả thải tại các khu vực có nguồn nước uống được bảo vệ sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 1 triệu nhân dân tệ.

Tàu bè neo đậu trên một con sông ở Thượng Hải, Trung Quốc (Nguồn: AFP/TTXVN)

Luật mới cũng hướng dẫn chính quyền các địa phương xây dựng các cơ sở xử lý nước và rác thải tại khu vực nông thôn, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn đối với hoạt động sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu.

Một điểm mới của luật sửa đổi là chính thức luật hóa “chế độ Trưởng sông.” Theo quy định mới, chức vụ Trưởng sông do lãnh đạo Đảng và chính quyền chủ chốt ở các cấp nắm giữ.

Trách nhiệm của các Trưởng sông là tổ chức và chỉ đạo công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước, bao gồm các hoạt động như bảo vệ nguồn nước, quản lý hệ thống đường ống dẫn nước, phòng chống và kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn hệ sinh thái.

Các Trưởng sông hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ được thưởng, còn những người không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý hành chính và mất cơ hội thăng tiến.

Luật Phòng chống và Kiểm soát Ô nhiễm nguồn nước được Trung Quốc ban hành vào năm 1984 và đã trải qua hai lần sửa đổi trước đây vào năm 1996 và 2008. Luật mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Cùng ngày, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) cho biết chính quyền các địa phương của nước này trong 5 tháng đầu năm 2017 đã tiến hành điều tra và xử lý 13.478 vụ việc vi phạm luật và các quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, tăng tới 201% so với cùng kỳ năm 2016, với tổng số tiền phạt lên đến hơn 510 triệu nhân dân tệ (khoảng 74,58 triệu USD), và 995 vụ việc trong số đó đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra làm rõ.

An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông là 4 địa phương dẫn đầu toàn quốc về công tác điều tra và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường với trên 1.000 vụ việc ở mỗi tỉnh.

Trong khi đó, thành phố Thiên Tân và Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây bị phê bình vì thiếu nỗ lực trong công tác trấn áp những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

MEP cũng biểu dương tỉnh sáng kiến của tỉnh Phúc Kiến trong việc sử dụng thiết bị bay không người lái để điều tra về các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn: