Cải tiến Sách đỏ IUCN cần sáng tạo và chặt chẽ

ThienNhien.Net – Sách đỏ IUCN với hơn 86.000 loài cho đến nay đã hỗ trợ tích cực cho các nhà bảo tồn trong cuộc chiến chống lại nạn tuyệt chủng bằng cách đánh giá những mối đe dọa mà các loài động thực vật trên thế giới phải đối mặt. Phương thức đánh giá sẽ thay đổi mỗi khi xuất hiện những tiến bộ khoa học mới, đem lại nguồn dữ liệu chính xác hơn so với trước đó. Tuy nhiên,việc những thay đổi của Sách Đỏ cầnphải tuân thủ theo quy trình đánh giá nghiêm ngặt đã đượcphát triển hơn nửa thế kỷ qua, vốn là yếu tố giúp Sách Đỏ trở thành một tiêu chuẩn đánh giá đáng tin cậy và nhất quán.

Ảnh minh họa: Wikimedia Commons, licensed under CC BY-SA 4.0.

Một nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Biological Conservation khẳng định việc sử dụng nguồn dữ liệu khoa học quần chúng trong các đánh giá của Sách đỏ sẽ giúp xác định chính xác hơn vùng phân bổ các loài chim. Được thực hiện bởi Ramesh và các cộng sự vào năm 2017, nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu khoa học quần chúng từ website eBird để xác định lại vùng phân bổ của 18 loài chim tại dãy núi Western Ghats – một điểm nóng về đa dạng sinh học phía Tây nam Ấn Độ.

Theo các tác giả, vùng phân bổ thực sự của các loài này hẹp hơn rất nhiều so với đánh giá của Sách đỏ IUCN. Như vậy, vùng phân bổ trong Sách đỏ là không chính xác, và các mối đe dọa đối với 10/18 loài bị đánh giá thấp hơn so với thực tế.

IUCN cũng đồng tình với các tác giả nghiên cứu về tầm quan trọng của khoa học đại chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, Sách đỏ IUCN đã sử dụng nguồn dữ liệu khoa học quần chúng, bao gồm các website eBird, BirdTrack xeno-canto để lập bản đồ phân bổ các loài chim một cách chính xác nhất. IUCN cũng cho rằng cần tránh nhầm lẫn giữa hai định nghĩa thường sử dụng trong đánh giá mức độ nguy cấp của các loài. Trong nghiên cứu nói trên, các tác giả đã vô tình đánh đồng Diện tích cư trú (AOO) và Diện tích khu phân bố (EOO). So sánh hai chỉ số vốn dĩ chênh lệch lớn này và kết luận mức độ đe dọa cao hơn đối với các loài chim là không chính xác.

Nếu so sánh diện tích khu vực trong nghiên cứu trên với giới hạn chuẩn, chỉ 2 trong số 18 loài chim được đề cập đến có thể xếp hạng ở mức đe dọa cao hơn. Tuy nhiên để đủ điều kiện theo các tiêu chí đánh giá của Sách đỏ, các yếu tố về mức độ chia cắt sinh cảnh và suy thoái môi trường sống tự nhiên cũng cần đạt tới các giới hạn cụ thể. Vì vậy, mỗi loài sẽ được tiến hành đánh giá chi tiết hơn.

IUCN đang hướng tới tiếp tục cải thiện độ chính xác của dữ liệu thông qua phát triển các kĩ thuật giám sát mới, chẳng hạn như sử dụng dữ liệu viễn thám có độ phân giải cao làm cơ sở đánh giá mức độ suy giảm che phủ rừng.

Một nghiên cứu vào năm 2016 đã sử dụng các loại dữ liệu này để tính toán phạm vi môi trường sống thích hợp cho hơn 11.000 loài động thực vật, lưỡng cư trên toàn thế giới. Kết quả nghiên cứu sau đó được so sánh với các tiêu chí trong Sách đỏ IUCN và đưa ra một danh sách các loài có nguy cơ đe dọa cao sau khi đánh giá từng trường hợp.

Nghiên cứu này hiện đang giúp cập nhật Sách đỏ IUCN và sẽ được công bố trong vào năm tới. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng hợp tác với các kỹ sư tại Google Earth nhằm tạo mật mã cho các phân tích.

Một số nỗ lực khác bao gồm tự động cập nhật kết quả phân tích vào Sách đỏ, sử dụng hình ảnh vệ tinh cập nhật tình trạng phá rừng hàng năm, thông qua hợp tác chính thức giữa Công cụ theo dõi rừng toàn cầu (GFW) và IUCN, BirdLife International cùng các đối tác khác của Sách đỏ.

Các phương pháp tiếp cận tương tự cũng đang được Trung tâm Nghiên cứu Liên hợp của Ủy ban Châu Âu áp dụng đối với hoạt động viễn thám đất ngập nước. IUCN gần đây đã kêu gọi thêm đầu tư chocác hoạt động giám sát đa dạng sinh học tại chỗ, bao gồm các dự án khoa học quần chúng như website eBird.

Kết luận từ nghiên cứu của Ramesh và các cộng sự còn bảo thủ trong đánh giá nguy cơ tuyệt chủng khi đánh giá nghiêm trọng hơn về nguy cơ tuyệt chủng, mặc dù vậy đánh giá quá mức còn hơn là coi nhẹ nguy cơ. Cách tiếp cận này có thể phù hợp khi nguồn lực cho bảo tồn không hạn chế như hiện nay. Tuy nhiên, với một số lượng lớn các loài bị đe dọa nghiêm trọng, cần tập trung nguồn lực có hạn để bảo vệ các loài thực sự bị đe dọa. Đồng thời, cách tiếp cận bảo-tồn-quá-mức cũng sẽ làm giảm độ tin cậy đối với các nỗ lực bảo tồn.

Để đảm bảo công bằng và để các nguồn lực được phân bổ hiệu quả, điều quan trọng là các loài cần được đánh giá một cách nhất quán và nghiêm ngặt theo Sách đỏ IUCN. Đối mặt với một làn sóng tuyệt chủng đang gia tăng, cách tiếp cận sáng tạo song đồng thời cũng phải chặt chẽ là quan trọng hơn bao giờ hết.

Công Anh/ Theo Mongabay