Phạt Công ty TNHH xử lý chất thải VN 1,6 tỉ đồng, quá bằng nương tay?

ThienNhien.Net – Với mức tiền bị Tổng cục môi trường (Bộ TNMT) xử phạt gần 1,6 tỉ đồng, có thể nói Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) là doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực môi trường nặng nhất từ trước đến nay ở VN. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, dù mức phạt kỷ lục nhưng xem ra, cơ quan chức năng vẫn… nương tay đối với DN này.

Phạt 1,6 tỉ đồng cho 5 hành vi vi phạm

Công ty VWS có địa chỉ tại quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. VWS hoạt động từ tháng 12.2005, với ngành nghề kinh doanh chính là thu gom, xử lý, tái chế và chôn lấp các loại chất thải rắn sinh hoạt. VWS đã xây dựng “Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước” trên diện tích mặt bằng 128ha. Vừa qua, qua kiểm tra, xác minh, Tổng cục môi trường đã phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường của DN này.

VWS không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định, cụ thể: VWS không xây lắp, cải tạo các module xử lý nước rỉ rác với tổng công suất là 6.080m3/ngày đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, VWS chỉ có các module xử lý nước thải với công suất thiết kế là 4.280m3/ngày đêm của Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 3.000 tấn/ngày; không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải cho Dự án nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày. Từ đó, dẫn tới VWS hiện phải lưu giữ trái quy định 700.000m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh nghiêm trọng.

Hành vi vi phạm thứ 2 là VWS không thực hiện một trong các nội dung “báo cáo đánh giá tác động môi trường” (viết tắt ĐTM) và yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM (không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2). Hành vi vi phạm thứ 3 là VWS không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (Cty đã chôn lấp rác đạt công suất trên 3.000 tấn/ngày từ tháng 3.2015, nhưng chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định).

Tiếp theo, VWS xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000m3/ngày (24h) đến dưới 1.200m3/ngày (24h). Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000m3/ngày (24h) đến dưới 2.500m3/ngày (24h). Tổng hình thức xử phạt chính đối với VWS cho 5 hành vi vi phạm trên gần 1,6 tỉ đồng.

Một góc khu xử lý rác thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM). (Ảnh: Đ.A)

Vẫn còn nương tay?

Vi phạm của VWS là rất rõ; tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, khi đối chiếu với các quy định của luật pháp, vẫn cho thấy việc xử phạt của cơ quan chức năng đối với đơn vị này, dường như vẫn còn… nhẹ tay. Tại hành vi vi phạm thứ nhất, sau khi tiếp nhận và nâng công suất xử lý rác từ 3.000 tấn/ngày lên khoảng 5.500 tấn/ngày như hiện nay, lẽ ra VWS phải đồng thời cải tạo, xây lắp thêm các module xử lý nước rỉ rác cho tương đồng với công suất rác tăng thêm. Trái lại, viện lý do trong ĐTM không có nội dung nâng công suất xử lý nước thải ngay sau khi nâng công suất rác, nên VWS chưa vội xây lắp, cải tạo các module xử lý nước rỉ rác.

Điều này dẫn đến hậu quả vào các tháng mùa mưa năm 2015, nước rỉ rác gia tăng, phát sinh mùi hôi, ô nhiễm cả một vùng.v.v… Dù nhiều lần tuyên bố tìm giải pháp xử lý nước thải, nâng công suất xử lý từ 4.280m3/ngày lên 6.280m3/ngày theo đúng cam kết trong ĐTM. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện VWS còn nhiều tồn tại. Dù tăng công suất xử lý rác từ tháng 11.2014 thêm 2.000 tấn/ngày và nâng tổng công suất xử lý rác hơn 5.000 tấn/ngày (hiện nay là 5.500 tấn/ngày), nhưng đến tháng 4.2016, VWS mới hoàn thành xây dựng lớp lót đáy của ô chôn lấp số 3 và đang chuẩn bị mặt bằng mặt bằng, tập kết vật tư xây dựng module mở rộng của nhà máy xử lý nước thải MBR.

Trái ngược với tuyên bố của VWS tại văn bản số 16219/VB-VWS ngày 5.10.2016 rằng nhà máy xử lý nước thải mở rộng công suất 2.000m3/ngày “hoàn tất việc xây dựng và bắt đầu chạy thử nghiệm đầu tháng 2.2017” (?).

Trong khi đó, một nguồn tin cho biết, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, một module của hệ thống hoá lý đang bị sự cố dừng hoạt động, nên hệ thống chỉ xử lý được công suất thực tế là 2.200m3/ngày đêm. Mặt khác, VWS nói nước thải sau xử lý được tái sử dụng để tưới cây, rửa đường và tái sử dụng trong sản xuất; thế nhưng, cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại hệ thống MBR đang xả ra ngoài môi trường. Việc VWS báo cáo nước thải tại hệ thống này được tái sử dụng hoàn toàn là không đúng với thực tế…

Bên cạnh đó, việc VWS tiếp tục chứa nước thải – rỉ rác trong ô chốn lấp số 2 mà không lưu giữ ở hồ tập trung, là hành vi thực hiện không đúng ĐTM được phê duyệt. Đồng nghĩa VWS vận hành dự án khi chưa có các biện pháp xử lý nước thải và ứng phó sự cố môi trường theo quy định..

Nghị định 155/2016/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. và khoản 2, Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định rất rõ: Ngoài các hình thức xử phạt bằng tiền, còn có hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động có thời hạn” từ 3 – 9 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính khi “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với sức khoẻ con người, môi trường…

Đối chiếu với trường hợp vi phạm của VWS, lẽ ra Bộ TNMT phải đình chỉ hoạt động của VWS mới đúng quy định của Nghị định 155 và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, ở đây, Bộ TNMT chỉ xử phạt bằng tiền (1,6 tỉ đồng), nhưng không đình chỉ hoạt động của VWS, xem ra Bộ TNMT vẫn còn… nương tay.