Khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững

ThienNhien.Net – Sáng 19-6, tại Hạ Long, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững đã chính thức khai mạc. Tham dự khai mạc có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; TS Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC; đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín.

Phát biểu khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trong hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững. Trước bối cảnh phát triển bền vững đang là chủ đề được quan tâm tại các diễn đàn du lịch thế giới nói chung và khu vực APEC nói riêng, Đối thoại là cơ hội để các nền kinh tế cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác, hội nhập trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì đối thoại.

Bộ trưởng nhấn mạnh, du lịch luôn là một ưu tiên hợp tác của APEC ngay sau khi Diễn đàn này được thành lập vào năm 1989. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016 ngành du lịch đã đóng góp 1,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. APEC đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, trong đó tập trung vào việc phát triển du lịch có trách nhiệm và xây dựng môi trường bền vững cho cạnh tranh du lịch là một trong những định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch APEC.

“Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, ngành du lịch APEC có nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy, chúng ta cần hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân về việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học. Hơn bao giờ hết, hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm đạt được phát triển bền vững và bao trùm vì người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Quang cảnh hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển du lịch bền vững.

Phát biểu tại đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cũng cho rằng: Sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững được tổ chức tại thành phố Hạ Long là cơ hội lớn để ngành du lịch Việt Nam trong đó có du lịch Quảng Ninh tiếp cận, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác quan trọng, là nơi hấp dẫn, thu hút du khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. “Chắc chắn rằng, tại hội nghị này, sẽ có nhiều vấn đề lớn, quan trọng được đặt lên bàn nghị sự để chúng ta có những quyết sách đúng cho phát triển du lịch bền vững -mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

TS Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC 

TS Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững. Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC  cho rằng, mục tiêu để phát triển nền kinh tế của 21 thành viên APEC đều hướng tới việc cải thiện mức sống của người dân địa phương. Để phát triển du lịch bền vững thì vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Thêm vào đó, các nền kinh tế cần tập trung vào các lợi thế địa phương đồng thời chú trọng việc bảo vệ môi trường hơn nữa. Thúc đẩy du lịch không chỉ là gia tăng lượt khách đến mà phải làm sao cho cuộc sống người dân tại mỗi nền kinh tế tốt hơn nữa. Đây là điều cốt lõi mà APEC hướng tới.

Đại biểu các nước dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Dự kiến, các nhà lãnh đạo du lịch APEC sẽ thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC, khuyến khích Nhóm công tác du lịch: Tập trung vào sự bền vững và toàn diện về xã hội, kinh tế và tài chính trong các hoạt động trong tương lai khi du lịch là ngành có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra các cơ hội đối với các nền kinh tế APEC; thúc đẩy kết nối nhằm tăng cường tăng trưởng toàn diện thông qua việc tạo điều kiện để du lịch phát triển tại nhiều khu vực địa lý hơn nữa ở các nền kinh tế; cân nhắc việc thành lập mạng lưới các điểm đến du lịch phát triển đồng bộ, bền vững, toàn diện giữa các nền kinh tế; hợp tác với các diễn đàn khác trong APEC và các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan nhằm chia sẻ các điển hình tốt, thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ trong phát triển du lịch bền vững, nhấn mạnh các điển hình tốt của các nền kinh tế về phương pháp theo dõi và đo lường nhằm phát triển du lịch bền vững giữa các nền kinh tế.

Hợp tác du lịch trong APEC chính thức được khởi đầu từ năm 1991 cùng sự hình thành của Nhóm Công tác Du lịch APEC (TWG). Năm 2000, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ nhất tổ chức tại Hàn Quốc đã thông qua Hiến chương Du lịch APEC, một văn kiện quan trọng mang tính định hướng và tạo nền tảng cho hợp tác du lịch APEC. Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC họp 2 năm/lần, mỗi Hội nghị đều ra Tuyên bố thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo du lịch APEC nhằm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là công cụ tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, tạo điều kiện phát triển.

Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4 tại Hội An năm 2006. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch APEC”. Việt Nam tham gia thường xuyên, tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 09 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 03 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC. Năm 2017 đã được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc chọn là Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố chính thức vào tháng 1-2017 tại Madrid, Tây Ban Nha. Trong thời gian qua, các nền kinh tế và các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển.