Sau vụ cháu bé 13 tuổi bị hổ vồ tại Thanh Hóa: Chặn việc “núp bóng” nuôi nhốt bảo tồn để buôn bán hổ

ThienNhien.Net – Các vấn đề pháp lý trong hoạt động nuôi nhốt hổ dường như chưa bao giờ hết “nóng” trong những năm gần đây. Nhiều vụ việc hổ tấn công làm chết, bị thương người cũng xảy ra rải rác ở các cơ sở nuôi nhốt hổ trong khắp cả nước, đã đến lúc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ dưới danh nghĩa bảo tồn.

Rất cần sự chuyển giao các cá thể hổ nuôi nhốt về các Trung tâm bảo tồn của Nhà nước. Ảnh: ENV

Đối tượng buôn bán động vật hoang dã được giao nuôi nhốt hổ!?

Ngày 28/5/2017, sau buổi tổng kết năm học, em Mai Văn Chiến và hai bạn cùng lớp rủ nhau tới trang trại nuôi hổ trên địa bàn xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân chơi. Khi hai bé trai trèo lên tường rào để xem hổ, bất ngờ một con trong đàn vồ trúng chân bé Chiến khiến phần bắp thịt và nhiều mạch máu bị đứt.  Em Chiến được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Bác sĩ hội chẩn đánh giá, vết thương nặng và phức tạp nên tiếp tục chuyển ra Viện Bỏng Quốc gia điều trị.

Trang trại nuôi hổ nơi xảy ra vụ việc đặt tại cồn thôn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, do ông Nguyễn Mậu Chiến (48 tuổi) làm chủ. Ông này đưa đàn hổ về nuôi nhốt từ năm 2006.

Đến năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giao Nguyễn Mậu Chiến nuôi thí điểm vì mục đích nghiên cứu bảo tồn 12 cá thể hổ bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp tại cơ sở của đối tượng ở địa phương.

Đến năm 2012, ông Chiến mới được Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép cho nuôi nhốt hổ có thời hạn 5 năm, và tính đến ngày 22/5/2017 thì giấy phép trên đã hết hạn.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 27/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt giữ một vụ buôn bán, vận chuyển 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã (ĐVHD) khác, các đối tượng đã khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến.

Đến tháng 5/2017, đối tượng Chiến đã bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu, Bộ Công an khởi tố, bắt giam do tình nghi tham gia đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia. Trang trại nuôi hổ hiện do người thân ông Chiến trông coi.

Cũng từ đây, nhiều nghi vấn nổi lên về cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến thực chất chỉ đóng vai trò “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm bảo tồn hổ như giấy phép mà cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã cấp?

“Núp bóng” nuôi nhốt để buôn bán hổ? 

Theo thống kê trong năm 2007, cả nước có 5 cơ sở được phép nuôi nhốt hổ, hiện nay con số đó đã lên đến 13 cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân (không bao gồm các vườn thú và trung tâm cứu hộ thuộc sự quản lý của Nhà nước).

Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về điều kiện thành lập cũng như quy định trong quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác. Chính điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng việc nuôi nhốt hổ để hợp pháp hóa các cá thể hổ buôn bán bất hợp pháp.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Tổ chức Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), hàng năm ENV đều có chương trình ghi nhận số liệu, chụp ảnh tư liệu về các loài động vật ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được nuôi trong các trang trại ĐVHD và các khu du lịch sinh thái trên cả nước.

Qua chương trình kết hợp với kinh nghiệm nhận dạng động vật qua hình thái, ENV nhận thấy sự khác biệt của một số cá thể hổ qua các năm tại trang trại của ông Nguyễn Mậu Chiến. Cho đến nay, ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12/2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh mới hoặc chết đi).

Tuy nhiên, trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng, ENV cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy các đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt đã có nhiều thay đổi. “Số lượng tổng đàn thì không thay đổi, nhưng có sự thay đổi về những cá thể hổ riêng lẻ tại cơ sở nuôi nhốt này” – bà Hà cho biết thêm.

Với tình trạng nuôi nhốt hổ như hiện nay, ENV cho rằng Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Nhà nước chỉ nên cấp phép cho những cơ sở có dự án bảo tồn cụ thể, được các cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Đối với các cơ sở không có dự án bảo tồn, nên có những cách quản lý cá thể hổ như gắn chip, triệt sản cho những cá thể hổ bị nuôi nhốt bởi chúng không có giá trị nhiều cho công tác bảo tồn.

Việc cấp phép nuôi nhốt hổ hay các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ nên giới hạn vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục cho các cơ sở đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng địa phương kiên quyết thu hồi giấy phép nuôi nhốt hổ của những cơ sở có nghi ngờ liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp hoặc không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật.