Thủy lợi và tư duy thị trường

ThienNhien.Net – “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, câu tục ngữ trên đã nằm trong tiềm thức của người dân Việt Nam-người dân của một quốc gia có gốc nông nghiệp lúa nước và hiện còn tới 70% dân số sống ở nông thôn.

Khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khi hạn hán và xâm nhập mặn, lũ lụt đều diễn ra ở mức cực đoan, khốc liệt trong mấy năm gần đây thì người ta lại càng nhận thức được rõ vai trò mang tính sống còn của ngành thủy lợi, của nguồn nước. Vì thế, hôm qua, khi Quốc hội bàn để hoàn thiện dự thảo Luật Thủy lợi, dự kiến để được thông qua tại kỳ họp này thì vẫn có đến 25 đại biểu tham gia phát biểu, trong đó có những ý kiến tranh luận sôi nổi.

Ảnh minh họa

Trước đây, khi nói đến thủy lợi, người ta thường nghĩ ngay đến nông nghiệp, nghĩ đến chuyện lấy nước để canh tác nông nghiệp, chuyện đắp đê, ngăn lũ, phòng, chống thiên tai. Nhưng hiện nay, tính chất của nền kinh tế cũng như điều kiện nguồn nước đã khác trước, nhiều ngành, nhiều nghề bám lấy dòng sông, dòng suối, hồ chứa nước để phát triển (thủy điện, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch và các ngành sản xuất khác). Dòng chảy trên sông vừa là đầu vào, vừa là đầu ra của sản xuất. Hơn nữa, những dòng sông chính chảy vào nước ta không chỉ phục vụ nhu cầu của ta, mà còn đã được san sẻ rất nhiều cho nhu cầu của các nước ở thượng nguồn. Do vậy, nguồn nước không những ít hơn trước, mà chất lượng nước cũng là một điều đáng bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên xã hội hóa ngành thủy lợi, vì Nhà nước không thể đủ ngân sách bao cấp cho thủy lợi (bao gồm xây dựng, duy tu công trình thủy lợi, trả chi phí vận hành). Điều này là quá đúng, nhưng không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay. Bởi vì, muốn kêu gọi đầu tư thì phải làm cho nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận, cần phải xem dịch vụ thủy lợi là hàng hóa, từ đó tính giá dịch vụ, theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Thời gian vừa qua, Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, cho nông dân. Điều này có lợi cho người nông dân, nhưng lại không có lợi cho việc thu hút đầu tư xã hội hóa vào ngành thủy lợi. Hơn nữa, khi nông dân được bao cấp thủy lợi, sẽ ít có tâm thế để sản xuất tiết kiệm nước. Bởi vậy, nền nông nghiệp Việt Nam đang là một nền nông nghiệp lãng phí nước.

Nhưng, nếu chỉ định nghĩa những người sử dụng dịch vụ thủy lợi là ngành nông nghiệp, là những người nông dân thì rất khó để tính giá theo thị trường, tăng thêm nguồn thu cho ngành thủy lợi. Bởi nông nghiệp và nông dân là lĩnh vực, là đối tượng dễ bị tổn thương, nhìn chung thu nhập còn thấp, còn nghèo. Do đó, ngay trong dự thảo luật cũng đã thay thế việc miễn giảm thủy lợi phí bằng việc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho hộ nghèo; hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách; đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho cá nhân, hộ gia đình trồng cây lương thực và làm muối; hỗ trợ một phần cho cá nhân, hộ gia đình trồng rau, màu, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.

Chính vì vậy, phải tìm ra, chỉ ra những nguồn thu khác. Ví dụ như, các ngành kinh tế có sử dụng nước từ sông, suối để sản xuất, hay xả nước thải ra sông, suối thì sẽ phải trả tiền như thế nào? Giao thông vận tải đường thủy, du lịch thủy có nên được tính tiền thủy lợi không?… Những khoản thu này có thể do Nhà nước thu và Nhà nước điều tiết lại cho chủ đầu tư các công trình thủy lợi.