Thủy điện chồng lấn mốc giới, gây tranh chấp gần 10 năm

ThienNhien.Net – Không chỉ quy hoạch phát triển tràn lan thủy điện nhỏ, việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai một số dự án thủy điện tại nhiều tỉnh phía Bắc cũng còn thiếu khả thi, gây phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh nguồn nước và tính mạng của người dân.

Hệ lụy từ việc quy hoạch ồ ạt trên là tình trạng tranh chấp mức nước và hành lang bảo vệ giữa các nhà máy thủy điện kéo dài suốt gần chục năm trời, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, khiến nhiều đoạn sông dường như bị “chết” do thủy điện “uống” cạn nước.

Tranh chấp nguồn nước giữa thủy điện Sông Miện 5 và thủy điện Thuận Hòa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tự ý dâng nước, gây chết người

Xưa nay, việc các nhà máy thủy điện xây dựng trên cùng một dòng sông, “uống” chung dòng nước là lẽ thường tình. Vậy nhưng, gần đây, một chuyện không hay đã xảy ra, cuốn hai doanh nghiệp lớn về thủy điện ở Hà Giang vào “tâm bão,” gây nhiều tranh cãi trong suốt nhiều năm qua.

Đó là việc tranh chấp mực nước, sử dụng hành lang bảo​ vệ giữa ​Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thuận Hòa) và Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Miện 5). Đây là hai thủy điện cùng “mọc” trên sông Miện (phụ lưu của sông Lô).

Trong một văn bản gửi lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa đã “tố” thủy điện Sông Miện 5 không tuân thủ mực nước dâng bình thường theo quy hoạch. Đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa cho biết, dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch bổ sung ngày 31/1/2013 với công suất thiết kế 38MW.

Theo quyết định phê duyệt này, mực nước hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa là 154,5m/157,5m. Còn mực nước dâng bình thường của Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 là 155m. Với các thông số mực nước dâng bình thường của hai dự án, nếu các bên tuân thủ đúng sẽ khai thác hài hòa, tối ưu thủy năng trên dòng sông, không ảnh hưởng đến nhau.

Tuy nhiên, ​​Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 đã tự ý dâng nước tại lòng hồ thủy điện lên 157-158m khiến mực nước dâng bình thường tại hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa lên mức 162-163m.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 cho rằng ​Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa và Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, đầu tư tăng quy mô, công suất nhà máy lên gấp 3 lần khi chưa được Bộ Công Thương chấp thuận, gây chồng lấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án xung quanh.

Cũng theo lập luận của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5, thì dự án thủy điện Thuận Hòa có công suất 13,5MW theo văn bản thẩm định 255/CV-NLDK ngày 14/1/2005 của Bộ Công Thương, Quyết định phê duyệt số 216/QĐ-UB ngày 19/1/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang.

Đến năm 2011, ​Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa và Sở Công Thương tỉnh Hà Giang trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng công suất. Sau đó, Bộ Công Thương yêu cầu phải kiểm tra sự phù hợp của dự án với quy hoạch các dự án thủy điện khác và mỏ sắt Tùng Bá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cần cập nhật các mực nước thiết kế hồ chứa thủy điện Sông Miện 5 phía dưới hạ lưu đang vận hành… Tuy nhiên, Sở Công Thương đã thẩm định, chấp thuận toàn bộ hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư, điều chỉnh tăng công suất lên 38MW.

Theo nội dung Quyết định số 976/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 có cao trình mực nước dâng bình thường là 155m, cao trình mực nước dềnh 159,8m. Ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ được duyệt theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2010 là 163m.

Tuy nhiên, trong quá trình tranh chấp, Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 chưa tiến hành cắm mốc, căng dây mốc ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ. Thực tế này dẫn đến việc Nhà máy thủy điện Thuận Hòa khi khảo sát, điều chỉnh thiết kế lên 38MW đã chồng lên vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5, gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn nghiêm trọng làm ba người chết.

Để giải quyết việc tranh chấp mực nước và hành lang bảo vệ hồ giữa Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa và ​Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5, từ năm 2014 đến nay, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhiều lần đứng ra làm “trọng tài” hòa giải, nhưng việc tranh chấp vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trao đổi với phóng viên về việc giải quyết tranh chấp trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: Xảy việc khiếu kiện giữa hai công ty trên là do quá trình đầu tư xây dựng đã có tác động đến môi trường, dự án chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Trước thực trạng ​này, ngày 3/8/2015, tại Tỉnh ủy Hà Giang, đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy cùng Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo của hai công ty. Qua đó, hai bên thỏa thuận duy trì mực nước dâng bình thường (mực nước vận hành) của Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 (bậc dưới) ở mức 158m, mực nước dềnh là 161m.

Vậy nhưng, tại buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào ngày 26/4/2017, ông Nguyễn Thanh Hải, đại diện Công ty Cổ phần thủy điện Thuận Hòa khẳng định, các nội dung liên quan đến việc tranh chấp vẫn chưa đi tới “hồi kết.” Lý do là mực nước dâng tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 vẫn cao hơn so với thiết kế cơ sở được phê duyệt hơn 6m; gây khó khăn cho việc thi công Nhà máy thủy điện Thuận Hòa.

“Theo kế hoạch, đến đầu tháng 4/2017 sẽ hoàn thành việc thi công nhà máy, nhưng do tranh chấp nên cơ quan chức năng đã gia hạn thêm sáu tháng. Hiện tại, bậc dưới (khu vực lòng hồ thủy điện Sông Miện 5) đang tích nước cao hơn so phê duyệt. Việc tự ý tích nước, xây cao trình đập lên cao không đúng thiết kế, sai trắng trợn nhưng đến nay vẫn tồn tại,” ông Hải nói.

Trước băn khoăn của phóng viên về kết quả giải quyết tranh chấp, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định, trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện giữa các chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Sông Miện 5, tỉnh cũng… rất đau đầu.

“Để giải quyết việc này, mới đây, tôi đã trực tiếp giao đồng chí Hạnh (Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang) đi vào kiểm tra, nhưng khi kiểm tra Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 lại tích nước đảm bảo mực nước dâng. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra rút lui, mực nước lại được tích cao hơn. Đây cũng là vì lợi ích của doanh nghiệp,” ông Sơn nói.

Nhà máy thủy điện Tiên Thành xây dựng trên sông Bằng Giang, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Đổi” 10 năm tranh chấp lấy… 3,7 tỷ đồng

Cùng tham vọng làm giàu từ thủy điện, ngay từ năm 2006, tỉnh Cao Bằng đã có chủ trương xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Thuận (huyện Nguyên Bình) thiết kế với công suất 20 MW và Thủy điện Tiên Thành (huyện Quảng Uyên) với công suất 15 MW, nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên và thế mạnh của tỉnh trên sông Bằng Giang.

Tuy nhiên, do tranh chấp nguồn nước trong quá trình thi công, nên hai thuỷ điện này đã phải “dậm chân tại chỗ,” để giải quyết vướng mắc. Nguyên nhân của việc này là, khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Thuận và đưa vào vận hành, mực nước dâng của hồ thủy điện này sẽ ngập lên thân đập cũng như Nhà máy thủy điện Tiên Thành.

Để giải quyết sự việc trên, ngày 4/12/2012, Bộ Công Thương có Văn bản số 11687/BCT-TCNL gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng với nội dung điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Hòa Thuận và yêu cầu nghiêm túc thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo cũng như kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án thực hiện đúng nội dung đã cam kết và sớm điều chỉnh quy hoạch các dự án.

Trên cơ sở đó, hai bên đã đi đến thống nhất là Nhà máy thủy điện Hòa Thuận chấp thuận hạ mực nước dâng xuống 3m so thiết kế ban đầu và giảm công suất phát điện từ 20 MW xuống 17,4 MW (đã được Bộ Công Thương phê duyệt) và chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Tiên Thành chi trả cho thủy điện Hòa Thuận… 3,7 tỷ đồng tiền bồi thường.

Từ đó đến nay, sau rất nhiều cuộc họp, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp do Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức, hai thủy điện đã thi công trở lại. Ghi nhận của phóng viên vào những ngày cuối tháng 4/2017 cho thấy, cả hai công trình thủy điện Tiên Thành và Hòa Thuận đều đang gấp rút thi công và dự kiến phát điện vào năm 2018.

Tuy nhiên, khi được hỏi về quy trình xây dựng, đại diện Công ty cổ phần sông Đà 7.09 (chủ đầu tư thủy điện Tiên Thành) cho hay do mới mua công trình thủy điện này từ chủ đầu tư cũ nên vẫn thiếu một số giấy tờ theo quy định, đặc biệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Đáng chú ý là trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thành lập đoàn thanh tra đối với hai dự án và kết luận thanh tra tại Văn bản số 337/KL-UBND ngày 12/2/2015 cho thấy: Dự án thủy điện Hòa Thuận vi phạm 14 sai phạm và dự án thủy điện Tiên Thánh 19 sai phạm, trách nhiệm này trước hết thuộc về hai chủ đầu tư.

Đặc biệt, kết luận thanh tra nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng xây dựng dự án nhưng chưa được cấp phép trên địa bàn huyện thì Ủy ban Nhân dân hai huyện có dự án (là Quảng Uyên và Phục Hòa) phải chịu trách nhiệm; việc dự án thủy điện Tiên Thành chưa làm các thủ tục thu hồi đất, giao đất xây dựng công trình nhưng đã triển khai xây dựng, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân cấp huyện.

Mặt khác, Kết luận thanh tra cũng nêu rõ các thông số của dự án chưa phù hợp với quy hoạch như công suất, mực nước dâng bình thường nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, không thực hiện thẩm tra đầu tư đối với dự án thủy điện Tiên Thành, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương…

Sau một thập kỷ trải thảm đỏ thu hút đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ, giờ đây, phần lớn dự án thủy điện nhỏ tại hai tỉnh Hà Giang, Cao Bằng vẫn nằm trên giấy. Hàng loạt dự án khác đã được thi công thì chậm tiến độ, phải tạm dừng xây dựng. Thậm chí, có những dự án được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều năm nay vẫn đang bỏ hoang vì chủ đầu tư có năng lực thuộc loại yếu kém.

Bài tiếp: Ngổn ngang công trình ánh sáng chậm tiến độ, bỏ hoang giữa rừng