Chung tay sẵn sàng ứng phó với thiên tai

ThienNhien.Net – Tối 21/5 tại Thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã dự Chương trình “Chung tay sẵn sàng ứng phó với thiên tai”, kỷ niệm ngày truyền thống phòng tránh thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân tiếp tục phát huy các sáng kiến thiết thực, các hành động cụ thể cùng chung tay ứng phó với thiên tai”. Ảnh: Xuân Tuyến

Chương trình do Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Cục Cứu hộ cứu nạn – Bộ Tổng tham mưu (Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn), Bộ Tư lệnh Quân khu V và các cơ quan có liên quan tổ chức nhân ngày truyền thống phòng tránh thiên tai 22/5.

Được chia thành 3 phần với các chủ đề “Gian nan cuộc chiến ứng phó với thiên tai”, “Nhân lên những việc làm đẹp, thiết thực”, “Sẵn sàng ứng phó với thiên tai”, khán giả và các vị khách mời đã cùng nhau đánh giá lại mức độ tàn khốc của thiên tai trong năm qua, cùng nhìn lại những tấm lòng nhân ái giúp nhau trong khó khăn, những nghị lực phi thường của người dân vùng lũ và cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay hành động chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Cách đây 71 năm, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương ngày nay. Ngày 21/3/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định lấy ngày 22/5 hằng năm là “Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam” khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở nước ta; động viên cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với địa hình tự nhiên trải dài trên 15 vĩ độ và đường bờ biển dài trên 3.200 km. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều thiên tai, bão, lũ… Đặc biệt, khu vực miền Trung nơi người dân quanh năm luôn phải gồng mình chống chọi với thiên tai dồn dập.

Thiên tai không chỉ cản trở tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung mà còn gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Riêng đợt mưa lũ liên tiếp, bất thường ở miền Trung cuối năm 2016 đã làm ít nhất 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương, hơn 316.000 căn nhà bị ngập, gần 82.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại với thiệt hại ước tính lên đến trên 8.500 tỷ đồng.

Khi thiên tai xảy ra, người dân vùng bị thiệt hại luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước, của đồng bào và chiến sĩ cả nước, của kiều bào ta ở nước ngoài, của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần quan trọng giúp nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai giảm bớt khó khăn, dần khôi phục, ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Trong những năm qua, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã trao trên 11.000 suất quà cứu trợ khẩn cấp; xây dựng 87 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai ở các vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ; trồng hơn 100 ha rừng ngập mặn phòng hộ bảo vệ đê biển; tập huấn và tổ chức các đội xung kích cứu hộ cứu nạn cấp thôn, xã gắn với hỗ trợ xây dựng công trình phòng tránh thiên tai…

Đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí hỗ trợ nhân dân các địa phương bị thiên tai qua Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung. Ảnh: Xuân Tuyến

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương các hoạt động hiệu quả, nghĩa tình, hỗ trợ trực tiếp, thiết thực người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra của nhân dân cả nước, các tổ chức, đơn vị, trong đó có Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung thời gian qua.

Sáng kiến thiết thực, hành động cụ thể

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường. Do đó, công tác phòng chống thiên tai sẽ ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi cần có sự chủ động vào cuộc quyết liệt hơn với tinh thần trách nhiệm cao nhất của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức liên quan, trong đó có Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ….nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, kỹ năng chủ động phòng tránh và thích nghi với thiên tai.

“Cần hỗ trợ người dân tiếp cận được nhanh nhất, kịp thời nhất các thông tin dự báo, diễn biến thiên tai để chủ động phòng tránh, nhất là quan tâm đầu tư các trạm quan trắc để cảnh báo sớm mưa lũ ở các tỉnh miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các địa phương tập trung rà soát, chủ động di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rủi ro cao về thiên tai, nhất là vùng ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất gắn với xây dựng các công trình cộng đồng kết hợp phòng tránh thiên tai tại các vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ; hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà tránh lũ, các công trình, phương tiện chủ động phòng tránh thiên tai ngay tại gia đình.

Đại diện Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trao 1.000 áo phao, 1.000 phao tròn, 300 phao bè cho Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung để trao cho nhân dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai. Ảnh: Xuân Tuyến

Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường bảo vệ, khôi phục và trồng mới rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn và phòng hộ ven biển; quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều để chủ động phòng ngừa, hạn chế thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai, trong đó lực lượng quân đội đóng vai trò nòng cốt. Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng quân đội, công an cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn, các tổ chức, đoàn thể làm tốt hơn công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

“Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân tiếp tục phát huy các sáng kiến thiết thực, các hành động cụ thể cùng chung tay ứng phó với thiên tai”, Phó Thủ tướng nói.