Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”!

ThienNhien.Net – Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng.

Thông tin trên được chia sẻ tại “Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai”, vừa được Bộ Công Thương phối hợp với Ban kinh tế Trung ương và Viện kinh tế Việt Nam tổ chức.

Phát triển năng lượng còn những hạn chế

Theo ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương, quan điểm xuyên suốt của Đảng là phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, một thực tế được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn là, quá trình phát triển năng lượng được nhận định còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư.

Đặc biệt, hệ thống lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng còn lớn. Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp, sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả. Phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”

Trước tình trạng này, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Ngô Đông Hải cho rằng, bên cạnh hệ thống giải pháp đồng bộ, cần quan tâm đến việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phải gắn chặt với những chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết đại hội lần thứ XII của Đảng. Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Một vấn đề nữa cũng được Phó trưởng Ban Kinh tế Trung Ương nêu ra là quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu sẽ có tác động mạnh đến chính sách giá năng lượng, xóa bỏ độc quyền…

Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia được Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương công bố, dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng theo nhiên liệu, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam năm 2020 khoảng 71,337 KTOE, tăng lên 137,834 KTOE vào năm 2035.

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 40 tỷ USD. Giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 108 tỷ USD.

Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao

Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Thiên nói, Việt Nam đang duy trì, phát triển nền nông nghiệp chạy theo sản lượng. Mỗi tấn gạo chất lượng cao có thể bán giá bằng 10 tấn gạo chất lượng thấp. Nhưng để sản xuất ra 10 tấn lúa gạo chất lượng thấp đó, Việt Nam phải tiêu tốn nhiều hơn các loại nguyên liệu đầu vào như diện tích đất trồng, nước, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bơm nước, xay xát, chuyên chở…

“Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn tài nguyên, tiêu tốn năng lượng ô nhiễm môi trường… Hiện lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%…”, ông Thiên nói.

Cũng theo ông Thiên, Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng. Do vậy, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Cùng với đó, thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí…

Trước vấn đề này, ông Thiên, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế trung ương cần đặt Chiến lược Phát triển nhiệt điện than trong tổng thế chiến lược cơ cấu ngành để giải quyết. Nếu còn tách rời khả năng giải quyết một cách thuyết phục sẽ khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đông Hải cũng chia sẻ, nhìn bài toán năng lượng phải từ hai phía, nghĩa là hướng tới thị trường năng lượng minh bạch, đầy đủ. Đi cùng với đó cũng phải tính đến yếu tố giá tiêu thụ năng lượng như thế nào. Vì vậy, cần phân định nhiệm vụ công ích với chiến lược phát triển để có giải pháp phù hợp hơn.

Đưa ra ý kiến tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chiến lược năng lượng cần phải đặt trong chiến lược về công nghệ thì mới giải quyết được sự căng thẳng trong cung và cầu năng lượng. Cùng với đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành “cổ điển” tiêu tốn tài nguyên và năng lượng. Hướng tới hệ thống năng lượng sạch và an toàn với trục chính là các nguồn năng lượng tái tạo.