Đột phá công lý: Xét xử tội lỗi “tày trời” của tập đoàn Monsanto

ThienNhien.Net – Phán quyết của Tòa quốc tế Monsanto không có giá trị ràng buộc nhưng là án lệ quan trọng cho cuộc chiến pháp lý sau này với các hãng đa quốc gia.

Dưới đây là phần lược thuật một số thông tin từ trang web chính thức của Tòa quốc tế ở La Hay về Monsanto:

Hôm 18/4/2017, các thẩm phán chuyên nghiệp đã công bố các kết luận của họ tại La Hay (Hà Lan) về vụ tập đoàn Monsanto khét tiếng thế giới.

“Tội ác của một công ty xuyên quốc gia”

Ngày càng nhiều người trên thế giới ý thức được rằng Monsanto là hiện thân cho nền nông nghiệp công nghiệp hóa. Đối với họ, hình thức sản xuất hóa học của công ty này đã làm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy quá trình mất đa dạng sinh hoc, và góp phần đáng kể vào sự ấm lên toàn cầu.

Tập đoàn hóa chất nông nghiệp Monsanto là nỗi ám ảnh đối với nhiều người trên thế giới (Ảnh: directaction.org.au)

Kể từ đầu thế kỷ 20, công ty Monsanto có trụ sở ở Mỹ đã phát triển một số sản phẩm cực độc gây tổn hại lâu dài cho môi trường và gây ra tình trạng bệnh tật và tử vong cho hàng ngàn người.

Các sản phẩm chết người này bao gồm: (1) chất PCB – một trong 12 chất gây ô nhiễm hữu cơ lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người và động vật, (2) chất “2,4,5 T” – một acid chứa dioxin và là thành tố tạo nên chất khai quang – chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải ở Việt Nam thời chiến tranh, chất độc này tiếp tục gây ra các dị tật khi sinh và bệnh ung thư cho tới tận ngày nay, (3) chất diệt cỏ Lasso hiện đã bị cấm ở châu Âu, và (4) chất RoundUp – chất diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân của các scandal về sức khỏe và môi trường lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Thủ đoạn

Theo các nhà phê bình, Monsanto dựa vào chiến lược che giấu có hệ thống để phớt lờ các tác hại đối với con người và môi trường do các sản phẩm hãng này gây ra.

Các thủ thuật của Monsanto như sau: Tiến hành vận động hành lang các cơ quan quản lý và chính phủ, nói dối, tài trợ cho nghiên cứu khoa học giả, gây sức ép lên các nhà khoa học độc lập, thao túng giới truyền thông, v.v.

Theo Tòa xét xử vụ Monsanto thì lịch sử tập đoàn này tạo nên một giáo trình điển hình về việc thoát tội và miễn tội, làm lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia và ban lãnh đạo của chúng, đóng góp vào các khủng hoảng khí hậu và sinh quyển, đe dọa sự an toàn của hành tinh.

Hiện nay, theo pháp luật hiện có thì chưa thể truy tố hình sự một công ty như Monsanto hay ban lãnh đạo của nó vì các tội chống lại sức khỏe con người và sự nguyên vẹn của môi trường.

Mỗi năm, Monsanto chi những khoản tiền khổng lồ để bào chữa cho họ.

Tòa quốc tế về Monsanto – đột phá mới

Các phiên điều trần của tòa án này diễn ra ở La Hay (Hà Lan) từ 15-16/10/2016 nhằm đánh giá các cáo buộc chống lại hãng Monsanto và xác định các tổn hại do công ty xuyên quốc gia này gây ra.

Trong các phiên tòa, 5 vị thẩm phán quốc tế nổi tiếng đã nghe phần trình bày của 30 nhân chứng và chuyên gia từ 5 châu lục. Nhận định pháp lý của họ được công bố vào ngày 18/4 vừa rồi.

Mục đích chung của tòa như sau: Đạt một phán quyết (dù là mang tính biểu tượng) chống lại Monsanto, bằng một đội ngũ thẩm phán thực sư, sau các tiến trình thực chất tại một tòa quốc tế, từ đó đóng góp vào việc thiết lập các cơ chế quốc tế để mang lại công lý cho nạn nhân các công ty đa quốc gia.

Mục tiêu cụ thể của tòa là: (1) đánh giá vụ Monsanto và các thiệt hại do công ty này gây ra chiểu theo luật pháp quốc tế; (2) đánh giá hành xử của Monsanto trong mối quan hệ với tội diệt môi trường, đề xuất đưa tội này vào Luật Hình sự Quốc tế (Phong trào của các công dân toàn cầu đã kêu gọi đưa tội này vào luật hình sự quốc tế); và (3) xem xét sửa đổi Quy chế Rome, tạo cơ sở pháp lý để truy tố cả các thể nhân và pháp nhân bị nghi phạm tội này.

Các nhóm công tác của tòa đã nghiên cứu các tác động của Monsanto trong 6 lĩnh vực: (1) quyền được hưởng môi trường lành mạnh, (2) quyền được sống khỏe mạnh, (3) quyền được ăn, (4) tự do ngôn luận và nghiên cứu học thuật, (5) sự đồng lõa trong các tội ác chiến tranh, và (6) tội diệt môi trường.

Phiên điều trần của Tòa quốc tế Monsanto vào ngày 15/10/2016 (Ảnh: Tòa Monsanto)

Cơ sở pháp lý của tòa này là: (1) Các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Doanh nghiệp và Quyền Con người, được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 6/2011, và (2) Quy chế Rome thiết lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cung cấp thẩm quyền cho tòa này xét xử những đối tượng bị cáo buộc phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội xâm lược.

Các Nguyên tắc Hướng dẫn ban đầu nói trên chỉ rõ rằng các công ty phải tôn trọng tất cả các quyền con người, bao gồm quyền được sống, quyền được khỏe và quyền hưởng thụ một môi trường tự nhiên trong sạch.

Các thành viên của xã hội dân sự thuộc nhiều ngành nghề khác nhau có tri thức chuyên môn liên quan đến các vấn đề trong vụ xét xử đã chủ động tổ chức ra Tòa án này. Sinh viên một số trường đại học cũng đóng góp vào quá trình này.

Vụ Monsanto đóng vai trò như án điểm cho Tòa xét xử vấn đề này. Các kết luận của tòa vụ Monsantao cung cấp một hồ sơ pháp lý đầy đủ dùng làm án lệ cho các vụ khởi kiện sau này chống lại Monsanto và các công ty hóa học tương tự.

Nguồn: