Dự án Kênh Gà-Vân Trình: Thế giới không ai làm sân golf ở thượng nguồn

ThienNhien.Net –  “Cần đi theo hướng du lịch xanh chứ không thể đưa hóa chất lên đầu người dân như làm sân golf ở thượng nguồn thế được”, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói.

Phương án nạo vét sâu không khả thi

Suối nước nóng Kênh Gà – động Vân Trình hiện là khu vực nằm trong không gian chiến lược quy hoạch trọng điểm phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình. Khu du lịch này có tổng diện tích khoảng 2.900ha được xây dựng trên phạm vi 7 xã thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình.

Dự kiến, dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình sẽ phức hợp nhiều hạng mục như: Khu hồ nước trung tâm; hệ thống các sân gofl, công trình nghỉ dưỡng, khách sạn; kết nối với suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình…

Đáng nói, trong tổng số gần 2.900ha của dự án, hầu hết đều nằm trong vùng thoát lũ của sông Hoàng Long, bao gồm khoảng 1.900ha đất ngoài đê (thuộc vùng tràn lũ của sông Hoàng Long) và khoảng gần 1.000ha đất trong đê (thuộc vùng xả lũ sông Hoàng Long). Trong đó, khu vực vùng lõi ước chiếm khoảng 1.485ha, diện tích xây dựng của dự án là 500ha, còn lại là khu vực diện tích đất tự nhiên của vùng lõi.

Các chuyên gia cho rằng, việc tiến hành dự án này sẽ khiến vùng trữ lũ mất đi, gây nên hiểm họa khôn lường mỗi mùa mưa bão.

Theo đánh giá của Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thủy lợi), khi tiến hành dự án này, tổng dung tích trữ lũ bị mất đi khoảng 8 – 12 triệu m3 và mùa lũ đến, nước sẽ dâng cao, gây áp lực lớn. Một trong các giải pháp được đưa ra là mở rộng và nạo vét đoạn sông hạ du nhằm tăng khả năng thoát lũ từ sông Hoàng Long ra sông Đáy.

Theo đó, với kịch bản dung tích trữ lũ mất đi 12 triệu m3, cần phải mở rộng sông Hoàng Long đoạn từ Bến Đế tới Gián Khẩu (chiều dài khoảng 14km) thêm 130 – 180m, kết hợp với nạo vét lòng dẫn, chi phí ước tính sẽ lên tới 600 – 900 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, đây là khu vực trữ lũ cho sông Hoàng Long, bảo vệ trực tiếp cho huyện Nho Quan và Gia Viễn của Ninh Bình. Lâu nay, ngành thủy lợi đã nhiều lần xem xét, tính toán và quyết định phải trữ lũ chứ khó áp dụng phương án khác, bởi sông Hoàng Long hẹp, dốc nên khi có lũ xả xuống rất mạnh, hai bên dân cư ở rất đông. Để thoát được khối lượng nước khổng lồ đó phải cần đến vùng trữ lũ chứ việc nạo vét không thể giải quyết được vấn đề gì

Theo ông Hồng, phương án nạo vét sâu khó khả thi, bởi dòng chảy mà nạo vét sâu xuống cục bộ sẽ như cái hồ chứa chứ không thoát được lũ. Hơn nữa, bây giờ mà làm thì lại phải thu hồi đất của dân, sẽ đụng đến Luật Đất đai. Do đó, chỉ có thể trữ lũ chứ khó có thể mở rộng.

Ông Vũ Trọng Hồng cũng chia sẻ, khi ông làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, chưa bao giờ có ý kiến nào xin phép mở rộng cửa thoát lũ. Vấn đề này Nhà nước phải xem xét, liệu có đủ tiền mà di dân không khi làm mất sinh kế của họ ở vùng thượng du?

“Trước khi lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đồng ý với phương án nạo vét sâu, mở rộng lòng sông để thoát lũ thì cần xem lại lịch sử việc lập quy hoạch phòng, chống lũ ở đây để hiểu rõ được vấn đề, tránh sai lầm”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.

Khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà – Vân Trình (Ninh Bình)

Không đâu làm sân golf thượng nguồn

Được biết, dự án Kênh Gà – Vân Trình có hạng mục sân golf. Điều này cũng dấy lên không ít lo ngại trong giới chuyên gia về ô nhiễm môi trường cho dân cư hạ du.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, các nước trên thế giới đều cấm làm sân gold ở thượng nguồn. Sân golf phải thường xuyên phun hóa chất để chống mối mọt, sâu bọ, khi mưa xuống, hóa chất này vào nguồn nước như bị rải chất độc. Con sông với biết bao người dân sinh sống mà lại làm sân gold ở thượng nguồn thì rất khó chấp nhận.

“Tại các nước, sân golf đều làm cạnh các hồ nhân tạo mà chủ yếu phục vụ cho đánh golf chứ không bao giờ làm cạnh hồ cấp nước. Ngày tôi còn làm thứ trưởng, tôi đã phản đối một dự án sân golf ở sông Đuống, bởi nếu làm thì Hải Phòng chịu ô nhiễm nặng nề, sau đó dự án này phải dừng lại”, ông Hồng kể.

Theo ông Hồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần vào cuộc đánh giá tác động môi trường. Dự án thép Cà Ná Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng, trong đó có lý do môi trường, huống gì là một sân golf.

“Cần đi theo hướng du lịch xanh chứ không thể đưa hóa chất lên đầu người dân như làm sân golf ở thượng nguồn thế được”, ông Hồng nói.

Nên làm du lịch sinh thái

Gợi ý về việc làm khu du lịch sinh thái, chuyên gia này cho rằng các nước tiên tiến phát triển du lịch ven sông theo kiểu hướng sinh thái, rất đẹp, rất hiệu quả. Chúng ta có thể làm sân bóng, khu vui chơi, chèo thuyển (thậm chí không cho dùng thuyền máy, chỉ dùng thuyền chèo tay).

Nhiều quốc gia cũng khuyến cáo chúng ta nên làm du lịch sinh thái chứ không phải công trình lớn, kiên cố ở vùng lũ, chỉ nên cho xây dựng một số công trình đơn giản như khu neo đậu tàu bè, khu bơi lội, vui chơi, khi lũ về cho phép tháo bỏ công trình đó nhanh chóng.

Dự án này cũng dự tính phải di dời khoảng 3.000 nhân khẩu và phải tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 10.000 người. TS Vũ Trọng Hồng cho biết, đây cũng là một gánh nặng cho ngân sách và áp lực lên Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Ông Hồng tiếp tục, chỉ nên gánh cho những vùng di dân do nhà máy thủy điện, cho khu công nghiệp… chứ đây là vùng trữ lũ, doanh nghiệp tư nhân làm du lịch lại đưa Nhà nước vào phải giải quyết câu chuyện sinh kế thì rất đau đầu. Đây là dự án của tư nhân mà làm gánh nặng cho Nhà nước thì cần phải có ý kiến.

“Đừng chồng thêm gánh nặng cho Chính phủ. Doanh nghiệp đóng được một chút thuế, phí có đủ bù lại hậu quả lâu dài trong vài chục năm không?”, ông Hồng nhấn mạnh.