Mở rộng hạn điền: Cơ hội để người nông dân làm giàu trên cánh đồng của mình

ThienNhien.Net – Câu chuyện nới hạn điền, chúng ta đã tranh cãi, thảo luận từ lâu. Đến lúc này thực tế cuộc sống đã chứng minh, vấn đề đã chín đến mức quyết liệt.

Xung quanh câu chuyện này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Đặng Kim Sơn, người có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng tình với chủ trương nới hạn điền, và yêu cầu các bộ liên quan phải giải quyết cụ thể vấn đề này. Là người gắn bó với ngành Nông nghiệp trong nhiều năm, xin ông cho biết ý kiến của mình?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Đúng vậy, câu chuyện này chúng ta đã tranh cãi, thảo luận từ lâu rồi, thế nhưng đến lúc này vấn đề mới chín đến mức quyết liệt, chủ yếu từ thực tế cuộc sống.

Thứ nhất từ phía người sử dụng đất, sau một thời gian, tình trạng có đất nhưng nông dân không muốn dùng ở đồng bằng sông Hồng, ở Bắc Trung Bộ, đã diễn ra ở mức độ khá phổ biến. Nhiều nơi nông dân đã để đất hoang hóa không tăng vụ, hoặc là để đất không thâm canh, hoặc nếu là đất giao khoán thì trả lại…., cho nên nhiều địa phương đã phải tự đưa ra chính sách để xử lý.

Thứ hai là từ phía người muốn có đất, lúc này rất nhiều các doanh nghiệp lớn và nhỏ muốn đầu tư vào nông nghiệp, làm nông nghiệp công nghệ cao, hay làm xưởng, làm nhà máy để phục vụ nông nghiệp, họ đều cần có những mảnh đất tập trung. Nhưng họ vẫn bị vướng, bị cản trở,bởi các chính sách hiện tại.

Hai cái sức ép ấy khiến cho sự phi lý của chính sách lên đến mức chính phủ thấy cần phải giải quyết dứt điểm nút thắt này.

Bên cạnh câu chuyện tích ruộng đất còn có câu chuyện sử dụng đất. Bây giờ những cơn sốt về lấy đất nông nghiệp để làm đô thị, làm sân gôn, phá rừng để khai thác mỏ, làm thủy điện, chừng nào lắng xuống. Những cái thiệt hại, những sai sót về môi trường, xã hội đã bộc lộ ra, trong khi đó thì những định hướng phải giữ bằng được đất lúa, mở rộng sản xuất để xuất khẩu lúa gạo đã đụng đến cái trần của năng suất và của xuất khẩu.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có cần sản xuất lúa nhiều như thế, xuất khẩu nhiều như thế hay không, giữ đất lúa nhiều như thế…, có đem lại lợi ích cho người nông dân và đất nước hay không, cũng được đặt ra gay gắt, phải trả lời.

“Chúng ta chưa thành lập được một chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đặc biệt là hai khâu đầu và khâu cuối”(Ảnh: Báo Nhân Dân)

Theo ông, trong mấy lý do này lý do nào quan trọng nhất? Có phải các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn đã tạo nên sức ép rất mạnh?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Đúng là có yếu tố là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhiều, nhưng theo tôi nếu mà chỉ có cầu mà không có cung thì câu chuyện cũng không bức xúc như vậy. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp thì người nông dân không thể khá lên được.

Ví dụ, như ở Đồng bằng Sông Hồng, đất chật người đông, ngành nghề phát triển, trong thu nhập của hộ nông dân thì 90% đến từ phi nông nghiệp, hoặc là đến từ nông nghiệp nhưng không phải từ trồng trọt, không phải dựa vào đất. Cho nên, đối với từng hộ người nông dân, việc duy trì một mảnh đất nhỏ xíu để làm nông, dù công bằng nhau nhưng không có ý nghĩa gì lắm về mặt thu nhập nữa, họ muốn sử dụng mảnh đất đó theo cách khác.

Có thể nói đây là một sự gặp gỡ về nhu cầu tái cơ cấu kinh tế trong từng gia đình, nhất là gia đình nông thôn, với cái nhu cầu đặt ra trong sự nghiệp tái cơ cấu kinh tế của cả nước, tức là tăng mạnh tỷ lệ kinh tế phi nông nghiệp, phải đa dạng hóa bản thân nông nghiệp, và làm nông nghiệp phải dựa vào phát triển theo kiểu chiều sâu, không chỉ dựa vào tài nguyên như trước nữa.

Theo ông, hạn điền mở rộng đến mức nào thì là hợp lý?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Hạn điền về đất lúa, đất sản xuất cây nông nghiệp, ở Đồng bằng Sông Hồng, miền Trung hiện quy định là 2 ha, còn ở Đồng bằng Sông Cửu Long là 3 ha. Đối với đất cây ăn quả, cây dài ngày, đất rừng thì rộng hơn tùy theo đồng bằng hay miền núi.

Trước hết, phải hiểu lý do để đặt ra hạn điền. Đầu tiên khi làm cải cách ruộng đất  1953, rồi tiếp đế cải cách hợp tác xã cuối thập kỷ 80, khi nông dân được giao đất. Với mục tiêu chia đều đất cho mọi nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đều có tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất để có cơ hội tạo ra sinh kế đúng năng lực, nên đất được chia đều. Ai cũng có mảnh đất tốt, mảnh đất xấu, mảng cao, mảnh trũng. Đất chia vụn ra, mỗi nhà có nhiều mảnh, thật công bằng dù rất manh mún.

Để tránh tình trạng sau này sẽ có người giàu lên, làm ăn giỏi lên, may mắn hoặc là có quan hệ, hoặc là có thế lực, tiền bạc, có thể tích lũy lại đất đai và lại quay trở lại tình trạng ban đầu tức là có địa chủ phát canh thu tô đối với tá điền mới đặt ra cái mức hạn điền, tức là cái mức mà một người nông dân, một hộ gia đình nông dân tự mình sản xuất tối đa vẫn có thể tự mình làm được. Anh có thể được mua đất, có thể thuê thêm lao động theo vài công đoạn nhưng chỉ để tự sản xuất thôi, còn anh bắt đầu phát canh thu tô (khoán hẳn ra cho hộ khác làm thuê) thì không được.

Lý lẽ trên đúng với hàng ngàn năm trước đây. Tuy nhiên, trong nền kinh tế công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa thì tình hình khác đi.

Thứ nhất, về năng suất lao động, một hộ trực canh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì chỉ làm nổi 2 – 3 ha nhưng với một máy 12 mã lực thì làm 4 – 5 ha ngon lành, với máy 50 – 60 mã lực có thể làm được vài chục ha, và mới máy 100 – 150 mã lực có thể làm vài trăm ha. Bây giờ sở hữu một hệ thống máy móc nông nghiệp không phải là điều khó khăn đối với nông dân. Như vậy mức hạn điền đặt ra để cản người ta cho thuê lại đất để thu tô không còn hợp lý nữa.

Thứ hai là nói về sinh kế của người nông dân, trong tổng thu nhập của người nông dân thì càng ngày tỉ lệ đóng góp từ trồng trọt ngày càng nhỏ đi.

Trong nông nghiệp chăn nuôi sẽ tăng lên, thủy sản sẽ tăng lên, trong nông hộ thì phần làm công ăn lương, phần mà đi làm phi nông nghiệp bên ngoài, thậm chí chỉ làm theo mùa vụ, cũng sẽ tăng lên. Vì thế, tầm quan trọng của mảnh đất với ý nghĩa là tư liệu sản xuất của gia đình nông dân ở những nơi có ít đất, có nhiều việc làm trở nên rất nhỏ. Trong khi đó, giá đất phi nông nghiệp tăng lên chóng mặt nên yêu cầu để mà người ta giao đất lại, chuyển sang cách đầu tư khác tăng lên.

Như vậy, tức là cả hai yếu tố tính công bằng và tính hiệu quả của đất nông nghiệp đều thay đổi cả. Cùng quá trình phát triển thì khả năng dồn đất lại cho một số ít người sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn đã đặt vấn đề hạn điền trước những yêu cầu thay đổi  về mặt văn bản pháp lý.

Bây giờ nói riêng lúa gạo, theo ông lúa gạo mình xuất khẩu kém là do giá cao và do thương hiệu gạo mình xây dựng kém?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Nói gọn lại thì cái điều quan trọng nhất trong ngành lúa gạo nói riêng và mọi ngành sản xuất nông nghiệp chiến lược nói chung là hiện nay chúng ta chưa thành lập được một chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đặc biệt là hai khâu đầu và khâu cuối.

Khâu đầu tiên phải hình thành cho được vùng chuyên canh, tức là việc thay thế dần các hộ nông dân nhỏ lẻ bằng các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác qui mô lớn và khâu cuối cùng tức là kết nối giữa người doanh nhân gắn với người xuất khẩu hoặc với thị trường để sản phẩm Việt Nam đi ra nơi sử dụng cuối cùng, với tên của Việt Nam. Chất lượng và tiêu chuẩn đó là hai khâu mấu chốt nhất.

Tại sao thương hiệu gạo của mình lại kém như vậy?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Kém là vì không có cái chuỗi giá trị thì ai đặt ra thương hiệu được? Nếu sản phẩm ở khâu cuối cùng mà không chắc chắn từ cái khâu đầu tiên thì anh làm sao dám đặt tên cho nó? Anh dám bảo đảm cho nó từ vụ này sang vụ khác không?

Muốn có tên thì nông sản dù do hàng vạn nông dân sản xuất ra vẫn phải sản xuất được trên một dây chuyền công nghệ, từ cùng một loại nguyên liệu theo một tiêu chuẩn kỹ thuật để mẻ nào cũng như mẻ nấy chứ? Không có một chuỗi giá trị thì làm sao có thể thực hiện được yêu cầu này?

Câu chuyện mở rộng hạn điền sẽ tác động mạnh đến chuyện thương hiệu đúng không?

Nó là một trong những điều kiện quan trọng để giúp cho hoạt động đó, nhưng còn nhiều khâu khác phải làm.

Ví dụ như khâu liên kết nông dân với nhau chẳng hạn, bây giờ trăm ông nông dân mỗi ông trồng một giống rồi đổ lẫn với nhau thành một đống thì làm sao có thương hiệu được, cho dù hạn điền của anh lớn lên, thì vài chục hộ sản xuất khác nhau rồi đổ đống nông sản gom lại cũng chẳng thể làm thương hiệu được.