Khai thác cát rút ruột sông Đồng Nai – Bài 2: Siết chặt quản lý

ThienNhien.Net – Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 13 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát san lấp và bùn đất. Trong đó có 9 dự án do Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho thực hiện và 4 dự án do UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Trong đó, có 3 dự án hiện đang thực hiện nạo vét thông luồng gồm: dự án nạo vét trên sông Thị Vải của Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng; dự án nạo vét trên sông Đồng Tranh của Công ty Hải Hưng Thịnh; dự án nạo vét trên sông Đồng Nai của Công ty Hoàng Minh.

Nhiều sai phạm tại các dự án khai thác cát

Tình trạng khai thác cát trái phép và hoạt động bất hợp pháp của các bến thuỷ nội địa trên sông Đồng Nai đoạn qua phường Long Bình, TP Biên Hoà.

Ngoài 13 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát san lấp và bùn đất trên, hiện nay phía thượng nguồn sông Đồng Nai còn có 6 địa điểm được cấp phép khai thác cát xây dựng. Trong đó có 5 mỏ cát đang hoạt động tại khu vực sông Đồng Nai thuộc huyện Tân Phú và Định Quán; 1 mỏ cát chưa hoạt động trên sông Đạ Quay thuộc huyện Tân Phú.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, việc cho phép hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay là cần thiết để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng của khu vực và hạn chế hoạt động khai thác cát không phép.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát của 2 doanh nghiệp tại 2 mỏ cát gồm: Mỏ cát xây dựng trên sông Đồng Nai của Công ty cổ phần Đồng Tân và mỏ cát xây dựng trên sông Đồng Nai của Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, chưa tuân thủ đúng thiết kế mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các nội dung theo giấy phép được UBND tỉnh Đồng Nai cấp. Đây là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sống dọc bờ sông Đồng Nai.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đồng Tân tổ chức khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai vượt số lượng ghe quy định (10 ghe/4ghe); khai thác ra ngoài khu vực được phép khai thác, gây sạt lở gần trạm bơm ấp 8, xã Thanh Sơn.

Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai đoạn thuộc xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, gây sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xã Đắc Lua. Sau khi phát hiện vụ việc, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã chấn chỉnh và yêu cầu doanh nghiệp này ngưng ngay hoạt động khai thác cát tại khu vực sạt lở, khắc phục sự cố sạt lở và hỗ trợ các hộ dân ảnh hưởng số tiền 142 triệu đồng.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản Miền Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát san lấp và bùn đất trên sông Đồng Nai chủ yếu là do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép, có dự án do UBND tỉnh cấp phép.

“Riêng đối với cơ quan quản lý về khoáng sản, chúng tôi có có trách nhiệm phối hợp tăng cường công tác kiểm tra. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đi kiểm tra đối với các dự án nạo vét này, nhằm đánh giá toàn bộ hoạt động này để đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh kịp thời”, ông Quỳnh cho biết.

Xử lý nghiêm nếu cán bộ, đảng viên có sai phạm


Nhiều công trình bị sụt lún, sập đổ do sạt lở tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.

Trước tình hình khai thác cái trái phép diễn biến phức tạp, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý việc kinh doanh và khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ rõ, trong thời gian qua công tác phòng chống, đấu tranh khai thác, kinh doanh khoáng sản trái quy định đã được các cấp chỉ đạo, tuy nhiên hiệu quả còn thấp, có nơi diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp được phép nạo vét thông luồng hàng hải nhưng đã thực hiện không đúng quyết định phê duyệt, lợi dụng khai thác cát trái quy định.

Đặc biệt các băng nhóm, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép hoạt động rất liều lĩnh với nhiều phương tiện, máy móc hiện đại xâm hại nghiêm trọng và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường, làm sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, tác động xấu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, hoạt động sản xuất nông nghiệp và gây bức xúc trong người dân.

Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương, các cấp, các ngành chức năng thiếu kiên quyết, buông lỏng quản lý, từ đó các đối tượng xấu lợi dụng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép, thậm chí có trường hợp thông đồng với một số cán bộ, công chức nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát để vận chuyển, khai thác và buôn bán trái phép khoáng sản.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên và người thân tham gia hoặc thông đồng, tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản trái phép.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Nai ngày 18/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tạm ngưng cấp phép việc nạo vét thông luồng để tận thu cát trên sông.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra việc có hay không những thế lực chống lưng cho hoạt động khai thác cát. Phó Thủ tướng yêu cầu từ Trung ương đến các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu; không thể để việc lợi dụng nạo vét thông luồng lạch nhưng hút lấy cát còn bùn đất đổ lại.