“Vương quốc” nghiến khổng lồ cuối cùng bị tàn phá

ThienNhien.Net – Vào tháng 3.2017, chúng tôi có mặt tại những cánh rừng nghiến của Tuyên Quang và Hà Giang, mọc trên những vùng núi đá rộng nhiều nghìn hécta, cao vời, vô cùng hiểm trở; xếp hàng, nối vòng tay đi quanh gốc nghiến, như những con chuột nắm đuôi nhau bên cây cột đình sừng sững. Dễ phải mất cả nghìn năm gạn chắt, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, mới có được “vương quốc” nghiến này. Vậy mà, kho báu đó vẫn từng ngày bị rút ruột, làm vơi đi, với trăm phương ngàn kế, vừa tinh vi, vừa ngang ngược.

Mỗi cây nghiến là một bảo tàng thiên nhiên kiên cường trên núi đá.

Kỳ 1: Tận mục “kho báu” và những trò ăn cắp

Anh Khổng Văn Quang là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Rừng Đặc dụng huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, hết sức nhiệt thành, cởi mở với anh em báo chí. Nghe nhắc chuyện bảo vệ rừng, anh lắc đầu, buồn bã: “Yêu rừng, quần quật “đánh án” bắt lâm tặc, bảo vệ rừng, nhưng lực lượng chức năng cố lắm thì cũng chỉ có thể kiềm chế tốc độ phá rừng lại thôi. Đi từ tỉnh Tuyên Quang, thông đèo đá dốc đứng sang tỉnh Hà Giang, đi đâu cũng thấy bạt ngàn gỗ nghiến, gỗ quý bị thu giữ chồng đống, các bãi xe vi phạm trong nhiều cơ quan kiểm lâm đều phủ bụi đứng chen chúc như bọn châu chấu cào cào đã rang giòn”.

Vương quốc nguyên sơ

Bao năm lăn lộn trên nhiều nghìn héc ta rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Tuyên Quang, từng vững tay tỳ báng súng AK, giắt thêm khẩu súng lục bên hông, đứng trong vòng vây gào rú gây sức ép của kẻ xấu kết bè cánh phá rừng; từng đẽo cáng khiêng người cưa trộm gỗ nghiến trong rừng đặc dụng bị ngã gãy chân ra khỏi rừng già để nhập viện, Khổng Văn Quang vừa tự hào lại vừa đau xót, trăn trở với rừng già xứ Hà Tuyên cũ (nay là hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang) vô cùng. Anh kể: “Tôi là người tận Thái Bình lên đây với rừng. Rừng nghiến cổ thụ ở Na Hang hiện nay có trữ lượng lớn, cây cực to và dày, rừng này giàu có vào bậc nhất cả nước. Tôi vào rừng, lạc giữa bao nhiêu là cây cổ thụ đường kính gốc hai đến ba, thậm chí bốn mét. Vào rừng rồi không muốn ra nữa. Đẹp lắm”.

Trước yêu cầu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của rừng nghiến ngàn năm của bạn bè, Khổng Văn Quang tự lái ca nô, vượt lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, từ bến thuyền thị trấn Na Hang, cùng hành trình “phượt”. Những rễ cây khô trơ lõi trắng vằn vện, cứng đanh như miếng thép nguội vẫn tròi ra mặt đá ven hồ. Những tảng đá lớn đứng trơ vơ, trên đó, bộ rễ nghiến nghìn năm tuổi đã chết vẫn trùm kín lên đá, giống như con bạch tuộc ôm riết lấy con mồi. Thế mới biết, sức sống kiêu hùng từ khắc nghiệt của loài nghiến “ngại gì gió, ngại gì mưa” trên núi đá khô cằn. Không có cây nào kiên cường, vững chãi trên núi đá được như nghiến. Nghiến là “vua” trong “vương quốc” của những dãy núi đá vôi sừng sững và xám ngoét, trùm phủ một diện tích khổng lồ trên các tỉnh giáp ranh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng…

Hồi xây dựng Thủy điện Tuyên Quang, nước cả tỉ mét khối dâng lên, nhiều xã xóa sổ toàn bộ địa bàn cư trú vào trong bụng nước, kèm theo đó là các cánh rừng nguyên sinh mênh mông bị cạo trọc. Không cạo thì nước cũng nhấn chìm giết chóc hết. Đấy là chưa kể người ta còn lợi dụng việc “hóa giá” rừng ở khu vực sắp thành lòng hồ để phá thêm như báo chí từng phản ánh quá nhiều. Dấu tích buồn cho cuộc biến động tai hại về rừng, chính là các tòa thiên nhiên cây cổ thụ còn chết đứng dưới đáy hoặc lưng chừng núi ven hồ.

Các kiểm lâm viên ở trạm gác rừng dạy tôi cách nhìn vẻ đẹp của nghiến trong rừng núi đá. Trong rừng già mênh mông nếu đứng từ dưới hoặc từ hông núi khác nhìn toàn cảnh, thì bao giờ cây nghiến cũng vươn cao ngạo nghễ, tán lá xanh thẫm hơn. Thân nó bạc phếch, có khi đỏ au đứng như cột chống trời. Nghiến sống lâu, lại nhọc nhằn lắm mới lớn lên được một tí, sau nhiều trăm năm hoặc hàng nghìn năm u mấu lên, gỗ nghiến được mệnh danh là miếng thép nguội của rừng. Dao chặt vào có khi oằn lên, bật nảy lại, vì thế thảm nạn lớn nhất của nghiến chính là bị hạ để làm thớt. Dao băm vào thớt nghiến, xương, thịt, da trâu da, thậm chí cả voi cũng đứt, nhưng vết dao chém vào gỗ nghiến vẫn không làm vấy lên tí mùn hay mảnh vụn nào cả.

Tôi và cán bộ Trạm kiểm lâm Bắc Vãng (Na Hang) ngược núi xem “rừng cây đứng như so đũa, vào rừng mê mải không muốn đi ra”. Rừng xanh thắm kỳ ảo, mây đùn lên. Mặt hồ xanh như miếng ngọc bích khổng lồ. Gió thốc thổi phóng khoáng bốn bề. Các tán rừng ngả nghiêng, chỉ có các cụ nghiến là vẫn hiên ngang. Chúng tôi xếp hàng đứng dưới mặt núi đá, hai gộc rễ cây nghiến đại thụ vồng lên như phom cổng chào. Mỗi nhánh rễ to mấy người ôm. Cậu phóng viên trẻ nặng 70kg ngồi lọt thỏm trong hộc của thân cây nghiến cỡ trung bình đứng so đũa bên rất nhiều cụ nghiến sắp biến thành mộc tinh khác, vậy mà cũng chỉ như con mèo con nằm ổ.

Chúng tôi xếp hàng, giăng tay thử đo chu vi vòng gốc cây nghiến. Ngồi trên bộ rễ cây ngùng ngoàng như khủng long với muôn hình vạn trạng “giống con nọ giống con kia” để chụp ảnh. Về xem lại và so sánh tỉ lệ cơ thể người trưởng thành với gốc cây nghìn năm tuổi, mới cảm nhận hết sự kỳ vĩ của cột chống trời nghiến núi đá rừng nguyên sinh. Chu vi vòng gốc cây lên đến hàng chục mét.

Một cây nghiến khổng lồ bị cưa hạ ở vị trí mà từ đó có thể nhìn thấy UBND xã Sơn Phú, huyện Na Hang ngay dưới chân.

Người “chơi điện thoại” ở cổng hạt kiểm lâm

Từ hàng nghìn hàng trăm năm trước, bao va đập đá lăn hay gió táp bão vật, nhiều cây nghiến bị bong vỡ, cơ thể “cụ” sùi lên u mấu. Có mấu, có u mang hình thù kì dị. Có khi nó to như cái mâm. Nhiều cây nghiến lớn cao mấy chục mét từng bị ngả, xẻ, lâm tặc chỉ cắt một lát gỗ dày 10cm đã được kẻ ác mua với giá tại rừng khoảng 1 triệu đồng. Một lát gỗ mỏng ấy, bổ nhỏ ra làm nhiều miếng, mỗi miếng là một cái thớt nghiến. Đấy là chưa kể các gỗ bị xẻ làm “thành phẩm” đủ loại khác.

Chúng tôi từng chứng kiến những cây gỗ to đến mức lâm tặc không tài nào cưa, cắt, chặt nổi. Chúng phải dựng giàn giáo cao, cưa xẻ ngày nọ qua ngày kia, kể cả cưa máy rít đinh tai nhức óc. Cưa được một mến, chúng phải cắt dọc thân cây một khoảng ít nhất cao bằng chiều dài người trưởng thành, để “gặm” sâu dần vào. Cái mến chặt sâu dần hàng mét, người giết rừng phải đứng trong lòng cái mến ấy thì mới đủ một tầm quai búa, quai rừu hay kéo cưa. Tuyệt đối không có chuyện đứng trên mặt núi hay đứng ngồi bên cạnh thân cây mà hạ nổi. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, nhiều lâm tặc chết thảm khi chui vào trong bụng cây để ngả như thế.

Ngày đêm “chảy máu”

Rừng càng đẹp, càng giàu có thì nỗi đau mất rừng càng lớn. Một cán bộ địa phương ví: rừng hàng nhiều nghìn héc-ta, mỗi kiểm lâm canh giữ vài nghìn héc-ta, thử hỏi làm sao giữ cho xuể? Và kẻ xấu cứ như con chuột, chúng gặm dần gặm mòn, chúng rình rập đêm ngày, năm qua tháng lại, thủ đoạn ngày càng tinh vi khó lường hơn. Chúng rỉ rả “xơi” dần, thấy im ắng thì gọi thêm đồng bọn cùng “ăn rừng”. “Tôi không bao giờ cần có vệ sỹ. Bởi lúc nào cũng có người theo sát rồi. Tay chân của lâm tặc có khi ngồi trắng đêm ở gần cơ quan tôi, gần nhà tôi. Họ ngồi vắt chân chữ ngũ trên xe máy và chơi điện thoại cắm cúi. Nhất cử nhất động của chúng tôi đều bị theo dõi và báo về “tổng hành dinh”, anh Quang nói.

Tất nhiên, không thể vin vào cớ đó để bỏ bẵng rừng cho lâm tặc. Nhưng quả là cuộc chiến không đơn giản. Nay họ lẩn lút trong rừng ngày nọ qua ngày kia. Thấy im ắng, thấy trời mưa sầm sập át tiếng cưa máy, họ ngả một cụ nghiến khổng lồ. Vài tháng sau, vài năm sau, thấy an toàn thì vào xẻ vài khúc. Chưa an toàn thì cứ bỏ đó. Kiểm lâm nào đi hết được nhiều nghìn héc-ta rừng nguyên sinh, toàn núi đá và đi bộ trên dốc đứng? Mà có phát hiện thì cũng không ai đủ sức hay dám vượt qua quy định bảo tồn mà kéo gỗ đó ra ngoài được. Sợ tiếng cưa máy vang vọng ư? Họ lắp hệ thống giảm thanh, họ dòng dây xuống suối, âm thanh từ ống pô cưa máy chỉ bục bục sủi bọt rồi tắt lịm. Có khi kiểm lâm bắt quả tang một người từ rừng đặc dụng đi ra, người còn thơm lựng và nhuộm vàng toàn mùn cưa phá rừng nghiến, anh ta vẫn cãi: tôi đi tìm con trâu bị lạc, ngã vào cái đống mùn gỗ do lâm tặc hạ cây nghiến ấy mà.

Bài 2: Tam thập lục kế… giết rừng!