Tổng thống Trump với 5 chủ trương gây hại cho môi trường

ThienNhien.Net – Tổng thống đắc cử Donald Trump không phải là người thân thiện với môi trường. Những phát biểu của ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 đã cho thấy điều đó.

Nếu chính phủ các quốc gia không hợp lực để ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng trên 2°C thì cuộc sống của con người, nhiều loài động thực vật trên khắp hành tinh sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn. Khi đó, các dòng sông băng sẽ tan chảy, mực nước biển dâng cao, cây cối héo úa, nguồn nước suy giảm và dịch bệnh sẽ sinh sôi. Một số nơi sẽ phải đối mặt với các vụ cháy rừng và tình trạng nhiệt độ cực đoan; trong khi những nơi khác sẽ phải hứng chịu nhiều trận bão với mức độ tàn phá ngày càng kinh khủng hơn. Các thành phố, thậm chí là toàn bộ quốc gia ven biển sẽ bị biển nuốt chửng. Bất ổn định kinh tế, xã hội trên diện rộng và xung đột khu vực là điều khó tránh khỏi.

Hoa Kỳ là quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, chiếm 16% lượng khí nhà kính toàn cầu. Chính vì vậy, các quyết định liên quan tới khí hậu của Tổng thống đắc cử Donald Trump và Đảng Cộng hòa về việc thực hiện kiểm soát phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ hành tinh cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy ông Trump quan tâm tới việc giải quyết những gì Giáo sư, nhà khoa học về khí hậu nổi tiếng James Hansen gọi là: “Thách thức lớn nhất của nhân loại.”

Trái ngược với quan điểm của cộng đồng khoa học quốc tế, ông Trump cho rằng việc kêu gọi hạn chế phát thải là một “trò lừa bịp” và là truyện hoang đường”. Trong một dòng tweet đăng năm 2012, ông Trump cho rằng: Khái niệm nóng lên toàn cầu do Trung Quốc tạo ra để hạn chế sự cạnh trang của doanh nghiệp Mỹ. Ông tái khẳng định quan điểm bằng một dòng tweet đăng vào mùa đông năm 2014 và cho rằng thời tiết mùa đông vẫn lạnh như băng chính là bằng chứng cho thấy sự ấm lên toàn cầu là không thực tế.

Vị Tổng thống mà người Mỹ mới lựa chọn có thể làm suy yếu những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Dưới dây là 5 hành động mà Tổng thống đắc cử Donald J.Trump có thể thực hiện sẽ đe dọa hành tinh.

1. Thu gọn hoạt động của EPA

Ông Trump từng cho biết sẽ dỡ bỏ Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), cơ quan do Tổng thống Richard Nixon thành lập từ những năm 1970, một công cụ liên bang của quốc gia nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. “Bảo vệ môi trường, những gì họ làm là một sự ô nhục”, ông Trump phát biểu trong một chương trình của Fox News Sunday hồi tháng 10 năm 2015. Ông nhấn mạnh thêm: “Mỗi tuần họ có một quy định mới. Họ đang làm mọi thứ bất khả thi.”

Trong cuộc tranh luận Tổng thống vào ngày 3/3/2016, ông Trump lại lên tiếng phản bác EPA một lần nữa, ông nói rằng ông sẽ thoát khỏi sự kiểm soát của [EPA] dưới hầu hết các hình thức.

Tuy nhiên, sau đó ông Trump đã rút lại những lời phát biểu trước đó. Trong một phát biểu hồi tháng 9 năm 2016, ông khẳng định sẽ để EPA tái tập trung vào những nhiệm vụ cốt lõi nhằm đảm bảo không khí trong lành và nguồn nước sạch, an toàn cho toàn bộ người dân Mỹ. Giọng điệu ôn hòa hơn của ông Trump đã đem lại cho các nhà hoạt động môi trường niềm hy vọng. Tuy nhiên, tại hội nghị bàn tròn diễn ra vào tháng trước ở Boynton Beach, Florida, ông vẫn cam kết lược giảm 70-80% quy định của EPA.

2. Mở lại các mỏ than bị đóng cửa

Trong số tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch, than đá được đánh giá là “bẩn” nhất. Khi bị đốt cháy, than đá gây ô nhiễm không khí nhiều hơn xăng, dầu và khí đốt tự nhiên. Mặc dù vậy người Mỹ vẫn đang đốt cháy 8 tỷ tấn than mỗi năm để đáp ứng khoảng khoảng 33% tổng sản lượng điện của quốc gia. Ngành công nghiệp này đã và đang suy giảm do giá thành khí đốt tự nhiên giảm và nhu cầu điện gia tăng chậm chạp.

Trong tháng 1/2016, ngành than nước Mỹ có cú sốc lớn khi Bộ trưởng Nội vụ Sally Jewell ban hành lệnh cấm cấp phép hợp đồng thuê mỏ than mới thuộc đất công trên toàn nước Mỹ sau khi thực hiện một chương trình rà soát quy hoạch ngành than.

Những hồi chuông báo tử của ngành than là tín hiệu tốt cho môi trường và những người ủng hộ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Trump, nước Mỹ có thể sẽ lại phải hít thở bầu không khí bị ô nhiễm bởi than đá. Trong bài phát biểu chiến thắng khi nhận đề cử ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa vào Tháng 5, ông Trump nói: “Hãy để tôi nói với bạn, những người thợ mỏ ở Tây Virginia và Pennsylvania, chúng ta sẽ bắt đầu làm việc trở lại, hãy tin tôi. Bạn sẽ một lần nữa được tự hào là người thợ mỏ.”

Tổng thống Trump không chắc chắn có thể đảo ngược hoàn toàn sự suy giảm công ăn việc làm của ngành than đã diễn ra trong nhiều thập kỷ hay không, nhưng ông có thể chỉ định Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới chấm dứt lệnh cấm của bà Jewell. Ông Trump có thể lật ngược Sáng kiến Nước và Không khí sạch của Tổng thống Obama. Ông Trump có thể thúc đẩy các khoản trợ cấp cho ngành than của Quốc hội thông qua hình thức chi trực tiếp, các khoản vay lãi suất thấp và vay không hoàn lại, giảm hoặc miễn thuế, giảm phí quyền sử dụng đất khi khai thác trên đất liên bang.

3. Đưa Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris

Hoa Kỳ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Hiệp định khí hậu Paris hướng tới mục tiêu giữ nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng tối đa lên 2°C nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia sẽ phải giảm phát thải 22 tấn CO2 trong thời gian từ 2016-2015. Khối lượng này bằng 1/5 tổng khối lượng phát thải của các quốc gia tham gia Hiệp định.

Vấn đề là Hiệp định Paris là hiệp định không ràng buộc pháp lý; cũng không có hình phạt nào cho các quốc gia không đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải đã cam kết. Trong một bài phát biểu tại Bismarck, North Dakota về chính sách năng lượng vào tháng 5/2016, ông Trump cho biết sẽ trừng phạt các quy tắc khí hậu “hà khắc” và hứa hẹn sẽ “hủy bỏ” các cam kết khí hậu tại Hiệp định Paris và rút tài trợ cho các chương trình khí hậu liên quan của Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Trump có thể dùng nhiều cách để đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, khi đó điều gì sẽ xảy ra?

4. Phê duyệt các đường ống dẫn nhiên liệu Keystone XL

Tháng 11 năm ngoái, sau quá trình xem xét kéo dài bảy năm, Tổng thống Obama đã bác bỏ kế hoạch xây dựng đường ống Keystone XL gây tranh cãi, đường ống này sẽ dùng để vận chuyển dầu thô từ các cát dầu ở Alberta (Canada) qua Montana và Nebraska. Đây được coi là thắng lợi lớn cho môi trường.

Tuy nhiên, chiến thắng này có thể sẽ trở nên vô nghĩa dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tháng 8 năm 2015, ông Trump đã viết dòng tweet: “Nếu tôi đắc cử Tổng thống, ngay lập tức tôi sẽ thông qua dự án đường ống Keystone XL. Dự án không có tác động về môi trường và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ”.

Ông Trump sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng vào tháng 1/2017. TransCanada, công ty đứng sau đề xuất hệ thống đường ống dài 1.179 dặm này đã công bố kế hoạch tái khởi động Keystone XL vào ngày 8/11 để hưởng ứng việc ông Trump đắc cử Tổng thống.

Sau khi tiến hành một loạt đánh giá tác động môi trường, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hệ thống đường ống này sẽ phải vượt qua hàng ngàn sông suối, trong đó có nhiều con sông lớn như Yellowstone và Platte, do vậy sẽ có nhiều tác động và rủi ro về môi trường, đặc biệt là mối nguy từ các sự cố tràn dầu.

Trong một phát biểu hồi tháng 5, ông Trump cũng từng nhấn mạnh: “Tôi muốn nó được xây dựng, và tôi muốn có được lợi nhuận. Đó là cách chúng ta sẽ làm cho đất nước lại trở nên giàu có.”

5. Giảm đầu tư vào năng lượng sạch

Ông Trump từng phát biểu ở Newton, Iowa rằng “năng lượng gió là một vấn đề” và gọi đây là “một hình thức năng lượng rất tốn kém”. Tuy nhiên, thực tế là một số khu vực ở Mỹ, như bang Texas và đặc biệt là bang Iowa, đã tạo ra sản lượng lớn điện gió và tại đây điện gió còn rẻ năng lượng hóa thạch hay năng lượng khí thiên nhiên.

Trong một phát biểu khác tại Fresno vào tháng 5/2016, ông Trump nói: “Tôi biết rất nhiều về năng lượng mặt trời. Tôi yêu mặt trời”, nhưng ông cũng nói thêm rằng có “rất nhiều vấn đề với năng lượng mặt trời. Một trong những vấn đề là nó quá đắt”.

Ông Trump nói đúng, năng lượng mặt trời đắt hơn so với năng lượng gió. Tuy nhiên, ông Trump đã bỏ qua một điều rằng việc lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm chi phí nhanh chóng: Từ năm 2011, giá một tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm một cách ấn tượng tới 60%.

Hiện đang có khoảng 209.000 công nhân Mỹ tham gia vào các công việc liên quan đến năng lượng mặt trời tại hơn 8.000 công ty. Nhiều hơn gấp đôi số lượng lao động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời vào năm 2010. Đến năm 2020, số lượng lao động tham gia vào ngành năng lượng mặt trời dự kiến ​​sẽ tăng hơn gấp đôi, với 420.000 người Mỹ làm việc trong ngành này. Chính phủ Mỹ trợ cấp trong năng lượng mặt trời khoảng 24 tỷ USD trong thời gian 2014-2018, giúp giảm giá thành năng lượng mặt trời ít nhất 10% mỗi năm.

Gió và năng lượng mặt trời tạo ra chưa đến 5% điện cho nước Mỹ. Nhưng những người ủng hộ năng lượng tái tạo cho rằng nước Mỹ có công nghệ để có thể chuyển sang sử dụng 100% năng lượng sạch trong những thập kỷ tới.

Tuy nhiên, ông Trump có dấu hiệu sẽ đi ngược lại xu hướng này bằng việc đầu tư nhiều hơn cho nhiên liệu hóa thạch và ít hơn cho năng lượng tái tạo. Các khoản tín dụng thuế cho năng lượng gió lớn nhất đã hết hạn, tín dụng thuế cho năng lượng mặt trời cũng sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Trong khi đó, ông Trump có vẻ khó có thể làm tái khởi động lại chúng.

Việc đắc cử của ông Trump dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe của hành tinh, nhiều “nhà lãnh đạo xanh” vẫn mang nhiều hy vọng và đang tìm cách huy động nhiều nguồn lực hơn nữa cho biến đổi khí hậu và môi trường.

Bích Ngọc (Theo Alertnet.org)