Sao Việt gửi thông điệp nói “không” với sừng tê giác Nam Phi

ThienNhien.Net – Sáng 2/3, ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Thanh Bùi, MC Anh Tuấn, và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng giải trí Việt đã hưởng ứng chiến dịch ký tên trực tuyến toàn cầu, nhằm kêu gọi quốc gia Nam Phi rút lại đề xuất hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác – loài động vật hoang dã, quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Poster chiến dịch

Chiến dịch “We don’t want your rhino horn” (Chúng tôi không muốn sừng tê giác) hưởng ứng hoạt động ký tên do tổ chức bảo vệ động vật Born Free khởi xướng, đặt mục tiêu thu thập 50.000 chữ ký trên khắp Việt Nam.

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, ngày 8/2 vừa qua, trong Công báo Vol 620/Issue No.40601, Chính phủ Nam Phi đã đưa ra dự thảo luật, đề nghị cho phép buôn bán sừng tê giác và các sản phẩm từ sừng tê giác trong nội địa quốc gia này. Dự thảo cũng nêu rõ sừng tê giác có thể được xuất khẩu với “mục đích sử dụng cá nhân.”

“Dự kiến, chỉ còn không đầy 3 tuần lễ nữa dự thảo này sẽ có thể được thông qua. Điều này cũng đồng nghĩa với viêc những nỗ lực chống lại nạn săn bắn trái phép và tiêu thụ sừng tê giác của các tổ chức, các quốc gia trong đó có Việt Nam có thể hoàn toàn trở nên vô ích,” nguồn tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết.

Ca sĩ Hồng Nhung kêu gọi cộng đồng mạng bảo vệ tê giác. (Nguồn ảnh: ENV)

Trước mối lo trên, ca sĩ Hồng Nhung với vai trò là Đại sứ bảo vệ tê giác, kiến nghị: “Là một công dân Việt Nam đã từng chứng kiến tê giác bị thảm sát ở Nam Phi, tôi cùng những nghệ sĩ khác và người dân Việt Nam muốn gửi thông điệp đến những người đề xuất buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi rằng chúng tôi, người Việt Nam, không muốn sừng tê giác của các bạn.”

Nữ diva nổi tiếng trong làng giải trí Việt – Hồng Nhung cũng kêu gọi Chính phủ Nam Phi xem xét, hủy bỏ dự luật này và cùng Việt Nam bảo vệ tê giác, đảm bảo an toàn sự sống cho loài tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Trong khi đó, nhìn nhận trên phương diện là đơn vị phát động chiến dịch “Chúng tôi không muốn sừng tê giác,” bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cho biết: “Hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác sẽ khiến công tác thực thi pháp luật tại các quốc gia tiêu thụ sừng tê giác trở nên vô cùng khó khăn.”

Theo bà Hà, việc hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác sẽ tiếp tục kích thích nhu cầu tiêu thụ, làm gia tăng áp lực lên các quần thể tê giác hoang dã trên thế giới. Bước đi này không những đi ngược lại với các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, mà còn đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của tê giác.

“Theo Bộ luật hình sự mới, dự kiến có hiệu lực năm 2017, thì mọi hành vi vi phạm liên quan đến một lượng nhỏ sừng tê giác (từ 50gram trở lên) đều bị khởi tố. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tại Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức lớn nếu Nam Phi hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác,” bà Hà lưu ý.