Cần sửa đổi Luật Đất đai để tích tụ ruộng đất

ThienNhien.Net – Ngày 23/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ NN-PTNT về nội dung sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xây dựng nông thôn mới.

Ông Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội thì việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ là một cuộc đấu tranh sinh tử và từ nay đến năm 2020 Việt Nam không đạt 50% số xã cán đích nông thôn mới thì sẽ chỉ ở mức tiến bộ dưới trung bình…

Khắc phục tình trạng “đồng sàng dị mộng”

Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vượt qua những thách thức của BĐKH, bất lợi về thị trường nông sản, tăng trưởng ngành Nông nghiệp trong năm 2016 tiếp tục được duy trì. Ngành đã cải thiện mức tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,18 tỉ USD, tăng 5,7% so với 2015. Hiện Bộ tiếp tục duy trì 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên. Đánh giá cao thành công của Bộ NN-PTNT năm 2016 vì đã tạo ra cú bứt phá ngoạn mục, tuy nhiên, để có nền nông nghiệp phát triển bắt kịp với xu hướng thế giới, ông Phùng Quốc Hiển khẳng định ngành Nông nghiệp cần đi theo hướng xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ và bền vững.

Theo ông Hiển, xu thế nói chung ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa đi theo nền sản xuất tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giữa người sản xuất và người tiêu dùng theo mô hình khép kín. Đây là cách để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Cánh đồng mẫu lớn là nội dung đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Do đó, ông Hiển khẳng định cần phải sửa đổi Luật Đất đai để tích tụ ruộng đất, để có được những cánh đồng mẫu lớn đem lại. Nhưng triển khai tốt nội dung này hoàn toàn không dễ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nền nông nghiệp nước ta hoàn toàn có đủ tiềm năng, có nguồn lực tốt nhưng để thành công thì công tác tổ chức quản lý phải thật tốt thì mới hiệu quả. Ví như, ta vẫn hô hào tạo mối liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước, tuy nhiên 4 nhà này cứ như “đồng sang dị mộng”. Ông yêu cầu ngành Nông nghiệp phải đổi mới cách nghĩ, cách làm từ tổ chức sản xuất trong quản lý nhà nước, trong tiếp cận thị trường và trong đầu tư phải lấy hiệu quả làm chính và dùng cơ chế thị trường để giải quyết các mối quan hệ kinh tế, giảm dần sự bao cấp.

Về nội dung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng điểm cốt yếu cho nông nghiệp là phải tích tụ được ruộng đất, dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Và “để giải quyết vấn đề này, theo quan điểm của tôi là phải sửa Luật Đất đai”, ông nhấn mạnh.

Cuộc chiến sinh tử

Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ NN-PTNT phải xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu thế giới để bất cứ sản phẩm nông nghiệp nào của chúng ta cũng tự hào dán mác “100% sản xuất tại Việt Nam”. Có như vậy thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới đủ sức đi khắp thế giới và không bị phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào. Đặc biệt, không phải chỉ phục vụ xuất khẩu mà nông sản sạch Việt Nam phải đến nay người tiêu dùng trong nước. Bởi Việt Nam xuất khẩu tới 32 triệu USD nông sản, đều là những sản phẩm được kiểm định chất lượng đảm bảo ATVSTP vậy nhưng người dân Việt Nam lại vẫn phải sử dụng thực phẩm chưa an toàn.

Ông Hiển cho rằng vấn đề cấp thiết hiện nay là phải xây dựng một nền sản xuất hữu cơ. Đây là vấn đề rất khó và có thể xác định là một cuộc chiến sinh tử, đòi hỏi Bộ NN-PTNT phải vững bước và luôn bám sát mục tiêu đã đặt ra.

Sứ mệnh lịch sử

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận đây là vấn đề vô cùng khó nhưng khẳng định sẽ làm được. Vì lịch sử đã chứng minh cho dù khó đến mấy, cho dù phải chống giặc ngoại xâm, cho dù phải chống chọi với thiên tai hay bất cứ khó khăn nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn làm được.

“Sứ mệnh lịch sử đã đặt ra chúng ta phải giải quyết được”, Bộ trưởng nói. Ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.