Nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng cạn

ThienNhien.Net – Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm trên diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Vì thế, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm góp phần ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng thêm thu nhập.

Theo ông Phan Trọng Hổ, dự kiến từ năm 2017 – 2020 tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển cây giống, nhất là giống các cây trồng cạn có triển vọng cao.

Cùng với đó, tỉnh sẽ phối hợp với các Viện nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp sản xuất cây giống mở rộng khảo nghiệm một số giống cây trồng có triển vọng tại vùng sinh thái và mở rộng liên doanh.

Mặt khác, liên kết và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây trồng cạn như ngô, lạc, vừng… Đồng thời, hoàn thiện quy trình sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu hiện nay.

Hộ nông dân xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (Bình Định) chuyển đổi diện tích 4 sào lúa sang trồng ớt xuất khẩu, cho hiệu quả cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trong năm 2016, tỉnh Định đã chuyển đổi được gần 4.000 ha; trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả gần 2.900 ha. Với diện tích này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi trồng trên 680 ha ngô, 1.053 ha lạc, 540 ha vừng, 507 ha rau màu, 70 ha ớt và 30 ha đậu các loại.

Trên cơ sở đó các đơn vị chức năng tỉnh và các địa phương đã triển khai xây dựng được 8 mô hình sản xuất rất hiệu quả tại các địa phương huyện An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và thị xã An Nhơn.

Đặc biệt, nhiều mô hình tiên tiến đạt hiệu quả kinh tế rất cao như mô hình trồng lạc thâm canh trên đất chuyển đổi đã cho năng suất bình quân đạt 31,25 tạ/ha, lợi nhuận trên 37,4 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa 28,7 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết thêm, thực hiện chủ trương chuyển đổi từ diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn đã được nông dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Trong đó có nhiều địa phương như các xã Cát Khánh, Cát Nhơn, Cát Tân và Cát Sơn… đã triển khai các mô hình trồng sắn xen lạc; trồng lạc xen rau đậu… đã cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với ngoài mô hình và cần được nhân rộng vào các vụ sản xuất đến.