Rừng thêm xanh, người dân thêm sinh kế

ThienNhien.Net – Dự án Phát triển  Lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Dự án FLITCH) sau 8 năm triển khai đã có những đóng góp quan trọng vào việc quản lý, phát triển rừng bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Rừng phòng hộ tại Kon Tum. Ảnh: PanNature

Trồng mới hơn 40 ngàn hécta rừng

Dự án FLITCH với tổng số vốn sau khi điều chỉnh là 84,25 triệu USD bao gồm vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn tài trợ không hoàn lại từ Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF) được triển khai từ năm 2007. Dự án thực hiện trên địa bàn 97 xã nằm trong phạm vi 22 huyện thuộc địa bàn 6 tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên.

Theo Ban quản lý dự án FLITCH Trung ương, đến cuối năm 2015, dự án đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt kế hoạch các hoạt động thuộc phạm vi. Một trong những thành tích nổi bật chính là việc đã triển khai trồng hơn 40 ngàn ha rừng các loại trên địa bàn 6 tỉnh, giao khoán bảo vệ 60 ngàn ha. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động phân định ranh giới, cắm mốc, quy hoạch và xây dựng kế hoạch quản lý rừng bền vững.

Dự án cũng đã giúp các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tốt hơn diện tích rừng tự nhiên hiện có và phát triển rừng trồng, tăng độ che phủ, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tại khu vực Tây Nguyên của Chính phủ.

Ông Lê Đình Thuận – Phó Giám đốc Dự án FLITCH Trung ương cho biết: Đến nay các tỉnh đã bàn giao kết quả thực hiện cho người dân và địa phương quản lý. Cụ thể, dự án đã thực hiện trồng mới được trên 40 ngàn ha các loại. Trong đó, diện tích trồng rừng sản xuất tập trung của hộ gia đình là hơn 14 nghàn ha, trồng rừng tổ chức hơn 13 nghàn ha và nông lâm kết hợp, cải tạo vườn hộ đạt gần 13 ngàn ha.

“Diện tích rừng trồng của dự án ngoài việc giúp người dân tăng thu nhập từ việc khai thác rừng trồng nó còn giúp tăng độ tre phủ rừng cho khu vực Tây Nguyên. Đây là giá trị rất lớn trong điều kiện khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài do hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên”, ông Thuận nhấn mạnh.

Cải thiện sinh kế cho người nghèo

Bên cạnh các hoạt động lâm sinh, Dự án FLITCH còn có thêm các hoạt động hỗ trợ sinh kế khác cho người dân vùng dự án, trong đó dành sự ưu tiên và quan tâm đặc biệt đến hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số. Một trong những hoạt động đã rất thành công và hiệu quả là Quỹ Phát triển xã (CDF).

Quỹ này được thành lập và triển khai tại 60 xã dự án với số tiền đầu tư cho mỗi Quỹ là 20.000 USD, tương đương 380 triệu đồng theo tỷ giá tại thời điểm năm 2009. Mục tiêu chính của Quỹ là hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất tăng thu nhập thông qua cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi.

Theo ông Thuận, tính toán trên toàn dự án, sau hơn 6 năm triển khai, đến nay quỹ CDF đã thành lập 521 nhóm tín dụng với sự tham gia của 20.963 hộ gia đình, trong đó có 11.163 hộ gia đình tại 60 xã dự án đã được vay vốn quỹ CDF. Tổng số tiền đã cho vay quay vòng từ đầu cho đến nay là 43,5  tỷ đồng, gấp 2,3 lần số tiền tín dụng chuyển cho các quỹ ban đầu.

“Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn CDF tính bình quân cả 6 tỉnh là 61,16 %, hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 86%. Kết quả đánh giá cho thấy từ những món vay nhỏ (3 triệu đồng đến 5 triệu đồng), được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, một số vươn lên thành hộ có thu nhập khá, cuộc sống của người dân vùng dự án ngày được cải thiện” – Phó Giám đốc Thuận cho biết.

Bên cạnh quỹ CDF, Dự án FLITCH cũng đã dành một phần kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình nông thôn cấp thiết như đường, cầu, nhà trẻ, nhà văn hóa cộng đồng v.v… Các công trình đã góp phần giảm bớt những khó khăn của người dân tại những xã, thôn khu vực xa xôi và giúp cho người dân có điều kiện đi lại dễ dàng hơn, tiêu thụ sản phẩm với giá cả cao hơn trước.

Ông Thuận cho biết, việc hỗ trợ thực hiện các hoạt động lâm sinh đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân vùng dự án như tạo thêm công ăn việc làm và tạo nên giá trị rừng trồng sau chu kỳ khoảng 6 năm. Ngoài ra, việc dự án hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nhỏ cũng tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nâng cao giá trị sản phẩm nông – lâm nghiệp, từ đó góp phần cải thiện đời sống người dân vùng dự án.

 ADB tiếp tục tài trợ thêm dự án cho Tây Nguyên

“ADB đánh giá cao các kết quả mà dự án FLITCH đã mang lại trong việc cải thiện sinh kế cho người dân vùng Tây Nguyên. Trong Biên bản ghi nhớ của Đoàn đánh giá ADB từ ngày 7-15/11/2016 đã đồng ý xem xét tiếp tục tài trợ cho Chính phủ Việt Nam 1 dự án mới liên quan đến ngành Lâm nghiệp tại khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới để tập trung việc bảo vệ, phát triển các khu vục rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm bảo vệ nguồn nước, qua đó thích ứng được với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.