Xung điện bắt cá ban đêm: Hiểm họa khó lường

ThienNhien.Net – Hiện tượng sử dụng xung điện bắt cá phát triển mạnh trong người dân ở địa phương Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng người sử dụng và phạm luật.

Bắt cá bằng xung điện, một hình ảnh dễ thấy trên các sông suối nhiều nơi

“Tận diệt”… thủy sản

Anh K’ P., huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) một tay xung điện sành sỏi cho biết, cách đây gần chục năm, hoạt động xung điện bắt cá đã diễn ra, tuy nhiên rất ít vì ít gia đình có loài dụng cụ này. Gần đây, tình trạng trên diễn ra ở khắp nơi.

Tuy nhiên để bắt được cá không hề đơn giản do săn bắt nhiều, cá tại các con sông, con suối trở nên khan hiểm. Chúng tôi phải xung điện vào ban đêm may ra mới bắt được nhiều cá”.

Được sự cho phép của nhóm xung điện bắt cá, chúng tôi được tận mắt thấy cách họ “tận diệt” cá sông, cá suối. Chuyến xung điện bắt đầu, anh K’ P. xung điện khắp các khe đá, bụi rậm dưới sông để tìm cá tuy nhiên chỉ thấy vài con tôm, con cá nhỏ.

Khoảng 1 giờ xung điện, cả nhóm chỉ bắt được gần 3 kg cá sông các loại. “Có hôm đi xung điện ban đêm, chúng tôi bắt được 3-5kg cá và có hôm gần cả chục kg. Còn xung điện ban ngày thì bắt được ít lắm!” anh K’ Đ. thành viên nhóm cho biết.

Lý giải cho việc này, theo anh K’ Đ., ban đêm cá sông, cá suối sẽ chui từ các hang đá, bụi rậm dưới suối đi kiếm ăn. Còn ban ngày, do bị xung điện nhiều cá không dám ra ngoài.

Thiết bị xung điện của nhóm khá đơn giản, một bình ắc quy khoảng 12V, gắn với một bộ phận kích điện, nối dây dẫn điện xuống 2 cần tre dài khoảng 2 m và có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt. Bật công tắc là có thể tạo ra dòng điện từ 110 – 220 V.

Với cách đánh bắt này, tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong bán kính từ 1,5 – 2 mét, sâu hơn 2 mét đều bị hủy diệt. Toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du đều bị tiêu dệt, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Người dân ngang nhiên sử dụng xung điện đánh bắt cá trên bờ sông Đại Nga. Ảnh Khánh Phúc

Rủi ro tử vong và phạm luật

Theo tìm hiểu, tình trạng xung điện bắt cá không chỉ diễn ra ở huyện như Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng mà ở hầu hết các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên.

Việc người dân đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ làm cho nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, mà còn là “lưỡi hái tử thần” đe dọa tính mạng người đánh bắt. Minh chứng là chuyến xung điện bắt cá, anh K’ P., người trực tiếp xung điện nhiều lần bị tê khi di chuyển và bị điện giật.

Những “tay dùng vợt bắt cá” không ngoại lệ, rất may không có thương vong. Vào năm 2015, vợ chồng ông M. V. N. ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dùng thuyền nhỏ, mang theo kích điện đi bắt cá bị tử vong thương tâm do vướng vào bộ phận kích điện và bị giật. Năm 2016, nhóm thanh niên ở huyện Mộc Hóa (Long An) tụ tập nhiều chiếc xuồng ở nhà anh N.V.V. để đánh bắt cá và phát hiện 2 thanh niên tử vong, bên cạnh là bộ kích điện, bình điện, lưới cào cá dùng để bắt cá ở khu vực gần một tuyến bờ ao.

Việc xung điện bắt cá không chỉ tiềm ẩn rủi ro thương vong, mà hành vi này là phạm luật. Tại Điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn, ngoài ra, còn bị tịch thu công cụ kích điện. Quy định rất cụ thể, tuy nhiên, hiện còn rất nhiều người không biết hoặc “cố tình làm lơ” việc dùng bình ắc quy để đánh bắt cá.