Số người tử vong do ô nhiễm không khí ở Đông Nam Á có thể tăng gấp 3

ThienNhien.Net – Lượng khí nhà kính phát thải do sử dụng than đá ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2013, đồng nghĩa với việc số ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí ở khu vực này cũng tăng theo. Đó là kết quả nghiên cứu do Đại học Hardvard và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) thực hiện, công bố giữa tháng Một vừa qua.

Theo nghiên cứu, nhu cầu về điện tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng đáng kinh ngạc lên tới 83% trong giai đoạn 2011-2035 – gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn.

Bà Shannon Koplitz (Đại học Harvard), người chủ trì nghiên cứu cho hay: “Tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc và Ấn Độ nhận được rất nhiều chú ý của các chuyên gia”. Đồng thời, “những tác động của việc phát triển điện than dự kiến ở những khu vực còn lại của Đông Nam Á và Đông Á cũng đã được xem xét trong nghiên cứu”.

Ô nhiễm không khí ở thành phố New Delhi (Ấn Độ) – CNN

Nghiên cứu đã đưa ra dẫn chứng chứng minh việc phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và di dân là những lý do chính khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt tại Đông Nam Á; và không giống với Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc hay Ấn Độ, nhu cầu năng lượng của các quốc gia trong khu vực vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy điện than hơn là các nguồn năng lượng tái tạo. Hậu quả là phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo ước tính có khoảng 20.000 người ở khu vực Đông Nam Á tử vong mỗi năm do khí thải từ các nhà máy điện than và số ca tử vong sẽ tăng đến 70.000 vào năm 2030 nếu như tất cả các dự án nhà máy điện than đang được đề xuất đi vào hoạt động.

Theo báo cáo, số lượng các nhà máy điện tại Indonesia dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 147 đến 323 nhà máy. Myanmar cũng dự kiến cũng tăng gấp hơn 5 lần số lượng nhà máy nhiệt điện từ 3 lên 16 nhà máy. Do đó, khí thải từ than đá tại Đông Nam Á cũng sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030, với sự gia tăng phát thải lớn nhất từ Indonesia và Việt Nam.Những quốc gia phát triển hơn như Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đang gia tăng số lượng các nhà máy điện than của họ.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng mối nguy hại từ các quốc gia Đông Nam Á gây ra chỉ như một giọt nước giữa đại dương khi ước tính cho thấy có đến 100.000 người tử vong mỗi năm do các nhà máy điện đốt than tại Ấn Độ.

Một phát ngôn viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, các quốc gia cần nghiên cứu tất cả các nguồn năng lượng tiềm năng để giảm tiêu thụ năng lượng carbon. Khan hiếm năng lượng không chỉ là vấn đề của Đông Nam Á mà của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia ô nhiễm không khí của Greenpeace, thành viên nhóm nghiên cứu cũng đồng ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số các quốc gia đang tạo ra sự thay đổi thật sự trong bối cảnh năng lượng của họ: “Trung Quốc là quốc gia đi đầu ủng hộ việc gia tăng sản lượng năng lượng tái tạo. Từ năm 2013, nhu cầu điện gia tăng tại Trung Quốc đều được bổ sung bằng năng lượng sạch. Ấn Độ cũng đang tiếp nối Trung Quốc để thực hiện những mục tiêu năng lượng tái tạo ấn tượng.”

Theo nghiên cứu thì sự phong phú của nguồn than trong nước với chi phí thấp là lý do mà các quốc gia như Indonesia và Việt Nam vẫn hướng đến việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch bất chấp những tác động tiêu cực rõ ràng tới chất lượng không khí.

Các nhà phân tích của IEA cho rằng những ưu đãi hấp dẫn của chính phủ và việc lập quy hoạch ngành năng lượng trong dài hạn sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á ưu tiên phát triển công nghệ năng lượng tái tạo để đạt được các mục tiêu phát triển tham vọng.

Công Anh (Theo CNN)